 |
Cựu tổng thống Bill Clinton đi dạo trước Nhà hát lớn Hà Nội. 100 năm nay đây vẫn là nhà hát duy nhất đạt chuẩn sân khấu quốc tế ở VN và là công trình kiến trúc nhà hát duy nhất ở VN có thể tự hào |
|
Thiếu vắng những nhà hát đúng nghĩa, cả Hà Nội lẫn TP.HCM - hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đều đang đứng trước vấn nạn này.
Nhiều nghịch lý đã được mổ xẻ nhưng lối ra dường như vẫn còn... ở xa.
Ai xây nhà hát ?
Ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên chủ tịch ba khóa liền của Hội Kiến trúc sư (KTS) VN, chủ tịch Hội đồng tư vấn kiến trúc của thủ tướng (thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt), cho biết trong suốt ba nhiệm kỳ (15 năm) của mình, ông chưa bao giờ được tham dự tư vấn hay phản biện một công trình thiết kế nhà hát nào. KTS Hồ Thiệu Trị, khi chủ trì thiết kế trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội - công trình nhà hát đẹp nhất châu Á, theo ông - cũng thú nhận khó khăn lớn nhất của ông không phải kinh phí hay nguyên vật liệu (hiếm, quý, đắt tiền) mà là không thể tìm được những cộng sự có kinh nghiệm trong việc thiết kế và thi công nhà hát.
Nhà hát là một kiến trúc đặc thù mà chỉ những người được đào tạo thật sự bài bản mới có thể tham dự vào công việc thiết kế. Mà nghề kiến trúc thì không có thần đồng, chất lượng thiết kế bao giờ cũng đi cùng với kinh nghiệm. Nhưng ở VN gần một thế kỷ nay gần như không xây dựng nhà hát thì làm sao có một đội ngũ được đào tạo lẫn kinh nghiệm. Tiêu chuẩn cách âm, tiêu chuẩn giãn cách về chỗ ngồi hay độ cộng hưởng của mái vòm... - những tiêu chí tối thiểu của một nhà hát chuyên nghiệp không phải KTS nào cũng biết, đơn giản vì biết làm gì, cả đời chắc gì đã dùng đến!
Nhưng xây một nhà hát cụ thể, dù khó khăn và tốn kém đến đâu, vẫn là một vấn đề có thể giải quyết được. Vấn đề nan giải, hay đúng hơn là không thể giải quyết được cho đến giờ này là: ai cho xây nhà hát, đất ở đâu mà xây?
Ông Lê Ngọc Cường - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cơ quan quản lý chuyên môn của hơn 150 đoàn nghệ thuật nhà nước và tư nhân trong cả nước - cũng kêu ca như mình là một “khổ chủ”: năm nào cũng trình hồ sơ xin đất xây nhà hát hộ các nhà hát, các đoàn, nhưng chưa bao giờ có hồ sơ nào được duyệt, hoặc được duyệt rồi nhưng lại... không khả thi: đất đang tranh chấp, đất ở quá xa khu trung tâm dân cư.
Xây nhà hát - không dễ nhưng quyết tâm vẫn làm được
Trái với những thở than của các nhà hát về việc “nhà hát không có nhà để hát”, dù cùng chung nỗi niềm “tha phương”, ông Ngô Hoàng Quân - giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng VN và ông Lê Anh Phương, giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN - cũng đồng tình trong việc tìm kiếm đối tác liên doanh để xây dựng nhà hát. Theo hai ông, “công chúng của hai nhà hát chúng tôi tưởng hạn hẹp hơn các ngành nghệ thuật khác, nhưng nếu họ đã yêu thích thì sẽ thủy chung, và họ là những người có tiền, có trình độ thưởng thức cao. Chính bởi thế mà một đối tác Nhật Bản đã sẵn sàng hợp tác xây dựng Nhà hát giao hưởng. Khách Nhật đã trở nên quen thuộc với âm nhạc hàn lâm, và khách Nhật cũng như người Nhật đến VN du lịch không thể hoàn toàn hài lòng với một chuyến đi Hà Nội mà chưa được nghe Dàn nhạc Giao hưởng VN - dàn nhạc hàng đầu châu Á - biểu diễn. Khán giả trong nước cũng đang ngày càng có cuộc sống vật chất khá hơn, việc mở cửa giao lưu cũng nâng trình độ thưởng thức chung lên đáng kể, vì vậy họ sẽ tìm đến mô hình những nhà hát như chúng tôi trong tương lai gần là tất yếu”.
Một hướng đi khác, là “đi tắt, đón đầu”. Nhanh nhạy hơn hết vẫn là Nhà hát Tuổi Trẻ. Dăm năm trước, nhìn thấy trong tương lai mươi năm nữa, vùng đất tây bắc Hà Nội sẽ là khu đô thị sầm uất, mà hiện tại thì đất vẫn còn rộng, mua cũng rẻ mà xin thì tiền đền bù giải tỏa cũng không nhiều, nhà hát đã âm thầm đầu tư “cơ sở 2” tại đây. Tương lai, cùng với hàng loạt khu công nghiệp và khu đô thị mọc lên ở vùng này, cùng với việc cư dân nội thành đã quen phóng ôtô 20-30 phút ra... ngoại ô đi xem kịch, xem ra Nhà hát Tuổi Trẻ 2 có thể sẽ đắt khách không kém rạp Ngô Thì Nhậm ở giữa trung tâm Hà Nội hiện tại.
Tương lai không chờ ai, thị trường cũng không biết đến khái niệm ưu tiên cho ai dù Nhà nước hay tư nhân. Đất đô thị mãi mãi vẫn là kim cương chứ không chỉ là vàng, và trong khi chờ các nhà quản lý vĩ mô quan tâm đến một thiết chế văn hóa “nhỏ nhoi” là nhà hát, các nghệ sĩ không còn cách nào khác là tự cứu lấy mình trước khi đợi Nhà nước hay... phép mầu.
* Theo từ điển bách khoa điện tử Wikipedia, Singapore - đảo quốc rộng gần 700km2 với 4,48 triệu dân - có bảy nhà hát chính.
Nhà hát Chinese Theatre Circle để biểu diễn kinh kịch; Dance Ensemble Singapore cho biểu diễn các điệu múa truyền thống Trung Hoa; Jubilee Hall với 388 chỗ được thiết kế theo phong cách nhà hát Anh thế kỷ 20; Kallang Theatre dành 1.744 chỗ cho những thính giả yêu thích các chương trình biểu diễn ca nhạc và kịch qui mô lớn, Singapore Gay Theatre chuyên biểu diễn kịch của các nhà soạn kịch đồng giới nam. Ngoài ra còn có The Necessary Stage, Singapore Repertory Theatre...
Công trình quan trọng nhất cho tới nay là Esplanade - nhà hát bên sông được mở cửa vào tháng 10-2002. Công trình này rộng 6ha, có một phòng hòa nhạc 1.600 ghế và một nhà hát 2.000 chỗ.
* Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok có bốn nhà hát lớn và một khu liên hợp cho các hoạt động nghệ thuật nói chung.
Patravadi Theatre - nhà hát ngoài trời đầu tiên bên sông Chao Phraya; Chalermkrung Royal Theatre hoạt động từ năm 1933 dành cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra còn có The National Theatre, The Thai Cultural Centre, The Queen Sirikit National Conventional Centre...
|
(TT)
|