 |
Thanh Nga những ngày đóng: Chúc Anh Đài, Hoa Mộc Lan, Sân khấu về khuya... |
Đây là thời khắc rất hồi hộp với ban chuyên án. Bởi kết quả vài giờ tới có thể giúp khẳng định thủ phạm. Trước đó, trong vòng 150 ngày sau án mạng, các mũi trinh sát chuyển về 70 khẩu súng ngắn tạm thu, nhưng tất cả đều được trả lại và loại trừ nghi vấn.
Lần này, khẩu P.38 bị vứt dưới ống cống để phi tang, vừa vớt lên, và giờ đây tra đạn bắn thử 5 phát vào gối bông: "Chúng tôi chọn 5 viên đạn tiêu chuẩn, có cùng mã hiệu và mã số với vỏ đạn thu được trước cổng nhà Thanh Nga". Thượng tá Hoàng Văn Nẫm, giám định viên tư pháp Viện Khoa học hình sự kể như vậy.
Cả 5 đầu đạn và vỏ đạn rơi ra được đưa lên ống kính khuếch đại, lớn gấp hàng chục lần để chụp hình chúng. Trên ảnh và dưới kính hiển vi, chúng hiện lên rất rõ các đặc điểm, tì vết do nòng súng tạo ra trên các đầu đạn khi bắn. Các vỏ đạn cũng vậy, đều cung cấp yếu tố để truy nguyên tang chứng.
Đến đây, hai đầu đạn và vỏ đạn tại hiện trường được đem ra so sánh. Đầu đạn thứ nhất thu ngay tại chỗ, lúc "chồng nghệ sĩ Thanh Nga vừa chết trên xe và khiêng vào để nằm trong nhà. Chúng tôi lần nệm sau của ghế, theo vết bắn lấy ra một đầu đạn 38 ly. Lúc đó Thanh Nga được chở vào cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn có tin cũng vừa mất, mà viên đạn vẫn còn nằm trong ngực" (Phạm Văn Thịnh). Phải mổ lấy ngay viên đạn ấy, nhưng - như đội trưởng Võ Tấn Thành nói: "Vì tác động bởi tình cảm mến mộ của dân chúng và của cả chính các trinh sát có tâm hồn yêu nghệ thuật, yêu cải lương, nên khi khám nghiệm tử thi đã để nguyên trạng". Sau này Thứ trưởng Lê Thế Tiệm có nhắc thiếu sót của việc "không khám nghiệm áo của người bị hại nơi vết đạn xuyên thủng". Song không lâu, người ta cũng lấy ra từ lồng ngực Thanh Nga đầu đạn thứ hai của vụ án. Đem đầu đạn này so với 5 đầu đạn bắn thử nghiệm đã "tìm thấy nhiều đặc điểm trùng khớp giống nhau". So sánh đầu đạn thứ nhất (và vỏ đạn) cũng vậy. Đến 0 giờ 5 phút ngày 16.4.1979, giám định viên khẳng định: "Hai đầu đạn sát hại vợ chồng Thanh Nga bắn ra từ khẩu P.38 này, có nòng 9 mm và mang số 4925 J". Điều ấy nghĩa là: thủ phạm chắc chắn bị truy nguyên, khẩu P.38 thành "tang vật chứng và là chứng cứ quan trọng duy nhất để kết luận kẻ nào đã bắn Thanh Nga". Thượng tá Hoàng Văn Nẫm hồi tưởng:
- Ngay khuya ấy, chúng tôi đã điện thoại báo tin đặc biệt này đến đồng chí Thứ trưởng Trần Quyết, Thứ trưởng Viễn Chi, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Lê Quân, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Trần Lung và Ban giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh... Chúng tôi cũng tiến hành giám định chữ viết hàng trăm đối tượng nghi là đã thảo ra "kế hoạch giết Thanh Nga" khiến vụ án mang màu sắc chính trị - nhưng thực chất là hình sự, mà chứng cứ sáng tỏ từ khẩu P.38...
Kẻ giắt khẩu đó đi gây án không phải Hóa, người nhận vàng trong vụ bắt cóc con bà Bích bị bắn trọng thương chiều 21.3, mà chính là kẻ lái chiếc Honda 67 xoáy nòng, chở Hóa hôm ấy. Hóa khai: "Nhà anh ta ở cách đây 400 cây số tại vùng Ngăn Rô, xã Đại Ân, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang". Bốn trăm cây số, nếu nói bóng gió, là chiều dài của đường đạn đi qua, để ghim vào tim nghệ sĩ. Về sau, khi hỏi tại sao chọn Kim Cương và Thanh Nga gây án, thủ phạm trả lời đại ý là, phải lựa nghệ sĩ hiếm con, bắt cóc, mới đòi chuộc nhiều vàng được. Cúc Cu là con duy nhất của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga - Phạm Duy Lân và Toro là con duy nhất của vợ chồng Kim Cương. Yếu tố "con duy nhất" của người bị hại giống nhau. Điều giống nhau thứ hai là chồng Kim Cương và nhân chứng tình cờ trong vụ Thanh Nga (cô học trò học bài khuya ở lầu đối diện) đã nhìn thoáng kẻ bắt cóc thấy dáng cao và gương mặt tây lai. Đem vụ bắt cóc con bà Hỷ đối chiếu, thêm mấy điều trùng nhau nữa, như:
Khẩu súng dùng sát hại Thanh Nga là loại súng ngắn P.38. Một khẩu loại đó được đưa tới phòng giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Nội vụ vào nửa đêm 15/4/1979, lúc 22 giờ 30.
|
Người điện thoại tới nhà Kim Cương và nhà bà Hỷ đòi chuộc vàng đều nói giọng Nam Bộ, đều xưng tên Hải Phong. Khi giao vàng, cả hai gia đình đều bị buộc phải đi theo sơ đồ do kẻ bắt cóc vạch sẵn. Cách thức làm dấu tạo ám hiệu để nhận ra nhau, để làm tin, đều dùng miếng vải áo của các cháu bị bắt cóc (hai bé Toro và Phương). Ngay số vàng chuộc cũng cùng một mức: 20 lượng. Điều giống nhau lớn nhất mà cả kẻ bắt cóc cũng rõ, là cả Kim Cương lẫn Thanh Nga, đều nổi tiếng. Kim Cương xuất hiện sớm hơn, từ lúc mới 6 tuổi, làm giám đốc đoàn cải lương Năm Phỉ Kim Cương từ 18 tuổi (1954 - 1957), xuất thân trong gia đình bốn đời kế nhau hoạt động nghệ thuật và bầu gánh cải lương. Cuối 1959 bà thành lập đoàn kịch Kim Cương. Lúc này, giải Thanh Tâm vừa đặt ra dành cho diễn viên ca hay (thanh) có gương mặt, thể hình đẹp (sắc) và đời sống tốt. Soạn giả, diễn viên và các nhà phê bình nghệ thuật có uy tín chấm giải, mỗi năm trao một lần. Và 1958, lần đầu tiên công bố và trao giải cho Thanh Nga. Còn Kim Cương, ngoài diễn xuất, bà còn viết hơn 20 vở kịch, ký bút danh: Hoàng Dũng, GS Hoàng Như Mai gọi bà là "một hiện tượng độc đáo". Nếu Thanh Nga là "thái hậu" trên sân khấu, thì Kim Cương, cũng được phong "hoàng hậu" trong thơ một thi sĩ từng viết nhiều câu tặng bà "bên bờ cỏ Phi châu". Nhưng Kim Cương đâu phải ở Phi châu ? Thi sĩ đáp: “Ồ, nàng ta sẽ đầu thai qua đó cho gần Ai Cập - Hy La và hoàng hậu Cléopâtre". Chẳng biết lời thi sĩ Bùi Giáng với người đối thoại có đúng thế không, song cũng ghi ra như một ngoa truyền đẹp đẽ. Để sau đây, lại quay về câu hỏi của ban chuyên án: Ai ném bức thư tống tiền ngoài cửa nhà Kim Cương ?
Hồng Hạc - Võ Khối
(Xem tiếp Thanh Niên số ngày mai 10/6: Truy hỏi Giang Vĩnh Xương)
|