Nằm trong chuỗi các hoạt động lễ hội của năm, giỗ tổ làng nghề với nghi thức lễ cúng truyền thống và hoạt động vui hội đều mang đậm tính cộng đồng góp phần làm nên một Hội An sinh động giàu bản sắc văn hóa.

|
Phần thi “ban đất cấy cải” ở làng rau Trà Quế.
|
Từ làng rau Trà Quế
Trà Quế ngày đầu xuân. Cả làng chộn rộn chuẩn bị lễ hội cầu Bông. Trời còn tinh sương nhưng làng xóm đã ồn ã, người ra ruộng rau, người sửa soạn hương án, lễ vật cúng tế. Các mẹ, các chị quang gánh chất đầy rau cải, hành ngò xanh mướt lướt trên đường làng. Trà Quế từ xưa đã nổi danh là vùng rau ngon. Trời đất phú cho người dân ở đây thứ thổ nhưỡng để trồng rau mà hương vị không đâu có được. Chị Hạnh tay thoăn thoắt bên luống rau, vừa đọc những câu ca gắn liền với một thời gian khó của người dân làng rau Trà Quế: Ai về Trà Quế mà chơi/ Nghĩ lại sự đời gánh nước chai vai/ Sáng mai đi bán rau hành/ Chiều về gánh nước năm canh chưa rồi.
Ngay tại đình làng Trà Quế, chính quyền thôn đã chuẩn bị cho lễ cúng cầu Bông và các hoạt động vui chơi giải trí. Sau lễ cúng trang trọng cầu cho mưa thuận gió hòa, thôn xóm bình yên, vụ mùa tốt tươi... cây nêu ngay giữa đình làng được hạ xuống kết thúc một tuần kiêng cữ và bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An thì làng rau Trà Quế đã ra đời cách đây hơn 400 năm từ những cuộc di dân từ vùng Thanh - Nghệ Tĩnh. Trải qua bao đời, nghề tiếp nghề, làng rau phát triển và đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường làm nên một Trà Quế nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến.
Phần hội ở làng rau bắt đầu bằng cuộc thi “gói tôm hữu” của 6 tổ đoàn kết. Tôm xào, thịt heo luộc quyện với rau húng, rau quế và quấn bên ngoài là cọng hành đã được trụng nước sôi. Số lượng nhiều, ngon, đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những tiêu chí chấm điểm mà Ban tổ chức đưa ra. Theo các chị tham gia cuộc thi, để món tôm hữu ngon thì trước hết rau, thịt, tôm phải tươi; cách chế biến nước mắm cũng góp phần quan trọng làm nên hương vị đặc trưng của món ăn. Thời gian dành cho cuộc thi là 10 phút trôi qua trong sự reo hò cổ vũ của nhân dân và du khách. Phần thưởng cho tổ thắng cuộc chỉ là con gà luộc (lễ vật cúng tại buổi lễ), nhưng ý nghĩa hơn là cuộc thi thể hiện được tính cộng đồng làng xã, sự đoàn kết, nhất trí của người dân trong vùng... Đã giữa trưa nhưng phần thi “ban đất cấy cải” vẫn thu hút khá đông người xem. Đất đã được phân lô, rong được gánh về, cải con, gàu gánh nước và cuốc, cào đã được chuẩn bị chờ hiệu lệnh... Không khí đầu xuân ở làng rau thật rộn rã và đầy ắp tiếng cười...
Đến làng gốm Thanh Hà
Lễ giỗ tổ làng gốm Thanh Hà của người dân ấp Nam Diêu diễn ra vào giữa tháng giêng. Ngay từ sáng lễ cúng đã chính thức bắt đầu và kết thúc vào 12 giờ trưa. Lễ cúng được thực hiện qua miếu Tổ đình, lăng Ông, lăng Bà, miếu âm linh, miếu thờ Tổ nghề với lễ vật gồm con heo quay, gà trống, xôi màu, bánh trái, vàng mã... Sau phần tế lễ ở miếu Tổ đình là tục rước Long Chu (thuyền rồng chở các vị thần đi gom góp tà ma, xú uế) đưa ra thả ở sông Thu Bồn.

|
Thi chuốt gốm tại làng gốm Thanh Hà.
|
Cũng như bao làng nghề khác, làng gốm trải qua bao thăng trầm theo thời gian và đã ăn nên làm ra từ khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhiều gia đình làm gốm có đơn đặt hàng lên đến vài trăm triệu đồng. Gốm Thanh Hà đã tạo dựng nên thương hiệu, sản phẩm được các nước trong khu vực cũng như nhiều resort trong và ngoài nước ưa chuộng. Có được thành tựu ngày hôm nay, thế hệ trẻ làng gốm mãi ghi nhớ công ơn của bao lớp tiền nhân với lễ cúng đầu năm.
Ở phần hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian được thể hiện qua phần tranh tài của các tổ đoàn kết. Những trò chơi quen thuộc như đập niêu, nặn 12 con giáp, chồng chén, chuốt gốm, nấu cơm niêu... đã làm nên phần hồn cho ngày hội. Niêu cơm, đĩa rau luộc, chén mắm nêm... để nhớ lại bao thăng trầm của người dân làng gốm thời khốn khó. Phần thi chuốt gốm được thực hiện bởi bàn tay thoăn thoắt của các mẹ, các chị. Họ nhồi đất, se đất, đặt lên bàn xoay để rồi với kỹ thuật điêu luyện của người thợ, cho ra đời những sản phẩm tinh xảo. Chị Nguyễn Thị Thùy Dung về làm dâu ấp Nam Diêu từ năm 16 tuổi, học kỹ thuật chuốt gốm của bà nội chồng, đến nay chị đã có 12 năm trong nghề và là thợ gốm giỏi của làng. Chị Dung từng tham gia nhiều cuộc thi chuốt gốm do TP. Hội An tổ chức, cũng như biểu diễn chuốt gốm cho du khách tham quan du lịch. Đã có biết bao sản phẩm hoàn hảo ra đời từ đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ trẻ này. Ông John - khách du lịch người Pháp cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia lễ hội này. Thật tuyệt vời, giống như ngày hội gia đình vậy! Tôi ấn tượng với những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của các bạn. Có lẽ năm sau tôi sẽ đến đây để lại được tham dự lễ hội này”.
Từ lễ hội cầu Bông của làng rau Trà Quế đến giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân còn là dịp để người dân giao lưu, cộng cảm, gìn giữ truyền thống văn hóa làng xã.
Việt Báo (Theo Báo Quảng Nam)