Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) lần đầu tiên được đưa ra thương thảo tại vòng đàm phán Uruguay và đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Mục đích chính của GATS là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho tự do hóa thương mại dịch vụ. Các nước thành viên đưa ra các cam kết về về việc mở cửa thị trường dịch vụ không phân biệt đối xử trên cơ sở điều chỉnh luật trong nước. Việc điều chỉnh luật sẽ được tiến hành từng bước, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn mọi hạn chế đối với các sản phẩm dịch vụ nhập khẩu cũng như đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi tiến hành cung cấp dịch vụ theo các phương thức khác nhau (Đãi ngộ quốc gia - NT). Đồng thời mỗi thành viên phải dành cho nhà cung cấp dịch vụ của các thành viên khác đối xử không kém ưu đãi hơn đối xử mà nước này dành cho một nước thứ ba (Đãi ngộ Tối huệ quốc - MFT).
Ngoại trừ các dịch vụ được cung cấp thuộc phạm vi các hoạt động chức năng của cơ quan chính phủ, cụ thể là cung cấp dịch vụ đó không mang tính chất thương mại và cạnh tranh với bất cứ nhà cung cấp nào- các loại dịch vụ khác đều thuộc phạm vi điều chỉnh GATS
GATS bao gồm các nguyên tắc được áp dụng vô điều kiện (Tức là không phụ thuộc vào quá trình đàm phán) và các biện pháp áp dụng có điều kiện (chủ yếu dựa trên các cam kết là kết quả đàm phán của mỗi nước). Vì vậy, không phải ngay lập tức mọi lĩnh vực dịch vụ đều phải vận dụng toàn diện các nguyên tắc của GATS, mà tùy thuộc vào kết quả đàm phán và các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ, một quốc gia sẽ thực thi mở cửa thị trường toàn diện hay hạn chế đối với lĩnh vực dịch vụ đó. Cho đến khi bắt đầu các cuộc đàm phán, các thành viên (kể cả thành viên đang phát triển) đều mặc định rằng các chính sách về dịch vụ đều đóng đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và khả năng áp dụng các nguyên tắc sẽ phụ thuộc vào từng lĩnh vực mà các nước đó có chủ định đàm phán đẻ cam kết một mức đọ tự do hóa nào đó.
Loại hình dịch vụ được chia làm 12 ngành và 155 phân ngành. Theo GATS, việc cung cấp các loại dịch vụ này có thể được tiến hành theo một trong bốn phương thức hoặc kết hợp giữa các phương thức sau đây:
-
Cung cấp dịch vụ qua biên giới
-
Tiêu thụ dịch vụ ở nước ngoài.
-
Cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện thương mại .
-
Cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện của cá nhân.
CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA GATS.
Đây là nghĩa vụ bắt buộc trong GATS, theo đó các nước cam kết dành cho nhau những "ưu đãi" đối với mọi lĩnh vực dịch vụ, ngoại trừ các lĩnh vực đã được đưa vào danh mục loại trừ đãi ngộ Tối huệ quốc tạm thời. Mục tiêu của các loại trừ này nhằm đảm bảo rằng lợi ích của một nước trong thỏa thuận đặc biệt với một nước nào đó sẽ không tự động dành cho các nước khác không thuộc đối tượng của thỏa thuận đó hưởng. Các loại trừ tạm thời có hiệu lực đến hết năm 1999, và có thể được kéo dài không quá 5 năm.
Nguyên tắc này được thực hiện trên cơ sở kết quả của các cuộc đàm phán và các cam kết về tiến trình tự do hóa dịch vụ giữa các thành viên. Nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực và trong chừng mực nước đó cam kết thực hiện chứ không áp đối với các lĩnh vực mà nước đó chưa cam kết.
Các cam kết về việc mở cửa thị trường được thể hiện trong lộ tình cam kết của mỗi quốc gia. Lộ trình này sẽ xác định những điều kiện để tiếp cận thị trường dịch vụ. Những cam kết này mang tính ràng buộc giống như ràng buộc về thuế quan, chúng chỉ có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ sau khi đã "bù đắp" cho nước bị thiệt hại.
GATS yêu cầu các hiệp định song phương giữa các chính phủ về việc thừa nhận lẫn nhau (Ví dụ như cấp giấy phép cho người cung cấp dịch vụ) phải được áp dụng đối với tất cả các thành viên khác muốn tham gia hiệp định. Việc thừa nhận lẫn nhau không được áp dụng trên cơ sở phân biết đối xử hoặc gây trở ngại đặc biệt đối với thương mại.
Các giao dịch vãng lai liên quan đến các cam kết cụ thể trong khuôn khổ Hiệp định sẽ không bị hạn chế; ngoại trừ trường hợp cán cân thanh toán gặp khó khăn thì khi đó một số hạn chế sẽ được áp dụng mang tính tạm thời căn cứ vào các điều kiện cụ thể.
Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đa phương tại vòng Uruguay, các thành viên đã đạt được một số thỏa thuận cụ thể về tự do hóa hơn nữa một số ngành dịch vụ lớn như tài chính, viễn thông, vận tải hàng không.
Phụ lục về dịch vụ tài chính của GATS điều chỉnh các dịch vụ tài chính như dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác. Phụ lục này cho phép các chính phủ được thực hiện những biện pháp đặc biệt để bảo vệ nhà đầu tư, người gửi tiền, và để đảm bảo sự hòa nhập ổn định của hệ thống tài chính; và không áp dụng đối với những dịch vụ được chính phủ cung cấp vì mục đích quản lý hệ thống tài chính, chẳng hạn như hoạt đọng ngân hàng trung ương.
Các cuộc đàm phán về cam kết cụ thể trong lĩnh vực này đã được tiếp tục sau Vòng Uruguay với kết quả là Nghị định thư thứ 5 của GATS đã được ký kết. Cho đến nay, đã có 102 thành viên WTO có các cam kết về dịch vụ tài chính. Nghị định thư thứ 5 này đã có hiệu lực kể từ ngày 1/3/1999
Viễn thông vừa là một lĩnh vực trong nền kinh tế vừa là một phương tiện cung cấp dịch vụ cho các hoạt đọng kinh tế khác. Phụ lục về viễn thông của GATS đã quy định các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép tiếp cận mạng lưới viễn thông công cộng mọt cách bình đẳng. Các cuộc đàm phán tiếp theo về lĩnh vực này đã dẫn tới việc kí kết Nghị định thư thứ tư của GATS với sự tham gia của 69 thành viên. Nghị định thư này đã bắt đầu hiệu lực kể từ ngày 1/1/1998.
GATS chỉ điều chỉnh các loại hình dịch vụ như dịch vụ sửa chữa bảo trì máy bay, dịch vụ tiếp thị vận tải hàng không và dịch vụ đặt giữ chỗ bằng máy tính.
Các chính phủ được phép đàm phán các cam kết cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc tạm trú của thể nhân ở một nước khác nhằm mục đích cung cấp dịch vụ. Hiệp định GATS không áp dụng đối với những tự nhiên nhân tới một nước nhằm mục đích là việc hoặc cư trú lâu dài, Hoặc các biện pháp liên quan đến quyền công dân, quyền cư trú.
Vòng đàm phán mới về dịch vụ dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2002, với các nội dung như trợ cấp, mua sắm dịch vụ của chính phủ, tự vệ, quy cách phẩm chất, tiêu chuẩn kỹ thuật, và giấy phép.
(Nguồn: Bộ Thương mại)
|