Tuyển tập của một nhà thơ trẻ
Nhiều người coi những tác phẩm của những người làm thơ sau 1975 (còn gọi là thời "hậu chiến") thuộc dòng thơ trẻ. Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì nếu lấy thời điểm 1975 làm mốc, thì tính đến nay, riêng tuổi nghề của đối tượng này đã lên tới ngót nghét ba mươi năm. Ngần ấy năm trong nghề, cùng với tuổi trung bình của mỗi người cầm bút tạm coi là mười tám cộng vào, thì tuổi mỗi người trong số này cũng đã ngấp nghé năm mươi. Nói theo các cụ nhà ta ngày xưa thì tuổi năm mươi tức là tuổi "tri thiên mệnh", tuổi biết được mệnh giời. Ở nhiều nơi tại các vùng nông thôn nước ta, theo phong tục cũ, không ít người vẫn làm lễ "lên lão" ở tuổi năm mươi. "Lên lão" rồi mà một khi trót theo đuổi nghiệp văn chương, vẫn bị coi là trẻ thì quả là khó chấp nhận và có phần khôi hài.
Mặc dù là quy định bất thành văn nhưng theo tôi - người đã hai lần tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ được biết, thì nhà thơ hoặc nhà văn trẻ tuổi ở ta thường được tính từ dưới 40 (U. 40) trở xuống.
Ở độ tuổi này, ở xứ ta hiện nay, khó mà tính nổi có bao nhiêu người làm thơ, nhất là phong trào làm thơ đang phát triển mạnh mẽ và rộng khắp như hiện nay. Theo tôi, con số này không chỉ là hàng trăm, mà là hàng nghìn. Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, số người chuyên tâm theo đuổi thơ phú, coi thơ phú như một cái nghiệp, chắc chắn không đông. Số người làm thơ chuyên nghiệp cũng không đông. Và số người làm thơ có phong cách, để lại dấu ấn, chắc chắn hiếm hoi như "sao buổi sớm", như "lá mùa thu". Đó là điều dễ hiểu, bởi vì sau nhiều thế kỷ, chúng ta mới có một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương, một Nguyễn Du, một Cao Bá Quát, một Chế Lan Viên....
Công bằng mà nói: Những U.40 trong thơ đã có ý thức rất rõ trong việc không dẫm chân vào con đường của các nhà thơ lớp trước. Trước hết là về mặt thi pháp. Tiếp sau nhấn mạnh hơn của "cái tôi" dị biệt, khác người. Và so với lớp cha ông, họ có vẻ có điều kiện được học hành hơn, tay nghề có khá hơn và được thực hiện quyền tự do trong sáng tác hơn. Tóm lại là họ có nhiều thuận lợi hơn. Và cũng giống như lớp trẻ của mọi thời đại, họ cũng thích "nổi loạn","lột xác" để khẳng định và lập ngôn... Đây cũng là một tâm lý thường tình, dễ hiểu và dễ thông cảm.
Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, tài năng của mỗi nhà thơ vẫn phải được cân, đo, đong, đếm qua tác phẩm. Một khi anh cho là anh là người tài, anh hơn hẳn người trước, mà không được thể hiện hoặc kiểm chứng được qua tác phẩm, thì anh sẽ không thuyết phục được ai cả. Trong việc này, nhà thơ Trúc Thông rất có lý khi nói: "Để các nhà thơ so tài với nhau, không gì hay hơn là chìa tác phẩm tự chọn của mình ra như những quân bài và cùng chơi bài ngửa. Hoặc anh hãy đứng ra mà hát đơn ca, đừng hát lẫn vào dàn đồng ca."
Nhà thơ H.H từng coi nhà thơ L. là một "quả bom" về thơ, sẽ gây chấn động trong dư luận bằng một cuốn thơ. Nhưng khi cuốn thơ này tung ra dư luận, thì nó lại giống như một viên đá ném xuống hồ nước và hầu như không sủi tăm, trừ một bài thơ lẻ Đêm Bắc Hà. Nhà thơ T. từng lập ngôn các kiểu và đôi khi có vẻ tự mãn quá sớm về thơ mình, trong khi tập thơ mới nhất của chị chỉ có bài "Lập Duy" và đôi câu thơ lẻ là đọc được. Lại có nhà thơ coi khát vọng sống( nói đúng ra là khát vọng nhục dục) là tất cả. Nhà thơ này coi cái sự thèm có chồng, thèm có con bằng thơ là mục đích tối thượng của đời mình. Nên nhớ, không chỉ con người, mà đến con giun, con dế... cũng có khát vọng sống. Cho nên, bộc lộ khát vọng sống như thế, vô hình trung, là vẫn chưa nói gì cả hoặc chưa nói gì được nhiều về cái cá nhân của mình cả.
Cách đây nhiều năm, Nguyễn Du từng viết những câu thơ tả Kiều tắm: "Bề bề đúc sẵn một tòa thiên nhiên", tả cảnh Kim Trọng yêu Thúy Kiều: "Rẽ mây cho tỏ lối vào thiên thai". Còn nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hitmét từng viết: Anh ra tù ba tháng/ Vợ anh liền có chửa; Bà nội trợ đứng trên ban công phô bày bộ ngực... Hai câu đầu tố cáo hệ thống nhà tù phát xít giam cầm cả sự sinh sôi. Câu thơ sau mô tả vẻ đẹp đầy đặn, gần gũi, thường ngày. Vậy mà đọc giả vẫn thấy vẻ đẹp phồn thực, vẫn thấy cái thanh trong sự việc tưởng như là tục, dễ chấp nhận. Hay nói một cách khác: Dùng từ tục cũng như chơi đồ thô và không phải ai cũng biết cách chơi đồ thô mà vẫn rất nghệ thuật được.
Một số ít nhà thơ làm lạ hóa câu thơ thay cho sự mới hóa câu thơ. Đáng lẽ viết: Anh xa mái tóc của em đã mười mấy năm, thì có nhà thơ lại viết: Anh xa cái váy đụp của em đã mười mấy năm. Đáng lẽ viết: Tôi làm mát tôi bằng mấy ngụm nước sông, thì có nhà thơ lại viết: Tôi mang cổ họng tôi ra sông chữa trị. Phải chăng cái váy đụp làm cho câu thơ lên gân hơn mái tóc? Mang cổ họng ra sông chữa trị sành điệu hơn uống nước sông? Đôi khi họ có sự liên tưởng khá đơn giản và dựng tứ thơ khá đơn sơ, ấu trĩ, gượng ép khi đặt tên các bài thơ là Đất nước hình vuông khi nghĩ đến hình cái bánh chưng, đất nước hình chim bồ câu khi nhớ đến một đàn chim bồ câu đang bay
Trong một lần đi Mỹ, nhà thơ Trần Anh Thái cùng một đoàn nhà thơ, nhà văn, nhà báo Việt Nam đi tham quan chùa Thảo Sơn. Tại đây, nhà thơ Trần Anh Thái đã chứng kiến cảnh hai nhà báo luôn đi lại trong tư thế kiễng chân hàng tiếng đồng hồ. Nhà thơ Trần Anh Thái bảo: "Nhìn họ mà tôi cảm thấy tội nghiệp. Ngay việc ứng xử với chiều cao hạn chế của thân thể mà con kém cỏi và tự ti như thế thì thật là đáng buồn, đáng thương". Còn nhà thơ Trần Ninh Hồ thì từng tâm sự: "Trong bất cứ lĩnh vực nào, cứ phải sống trong tư thế "giương vây","lên gồng","trồng cây chuối"...thì đều khổ cả. Làm sao có ai có thể sống bình thường được nếu lúc nào cũng phải"đi kiễng chân" hoặc"giương vây","lên gồng","trồng cây chuối"...!
Một số ít trong thơ trẻ cũng vậy. Có nhà thơ muốn nôn nóng nổi tiếng mà vội vàng "đi kiễng chân","giương vây", lên gồng","trồng cây chuối" trong thơ. Nhiều khi cũng vì cái tâm lý ấy mà họ diễn các trò chơi hình thức, làm xiếc với câu chữ đến nỗi những bài thơ, những câu thơ chỉ còn là xác chữ hoặc rặt những xác chữ. Tất nhiên, những đứa con tinh thần của họ hoặc không có hồn hoặc vô hồn. Viết về hiện tượng này, nhà văn Trung Quốc Kha Vân Lộ gọi đó là "cách thức tiên phong", là "cách thức cho câu chữ ẩn giấu trong hình thức khô héo và chẳng chóng thì chầy cũng sẽ chết yểu".
Cách đây hai chục năm, chính nhà thơ lớn Chế Lan Viên từng gọi những nhà thơ kiểu này là những nhà thơ mất giá. Ông có một bài thơ đáng nhớ và để đời như sau:
Những nhà thơ mất giá
Thường chơi trò đổi tiền
Mong dùng câu chữ lạ
Lừa người tiêu vốn quen
Nói như thế, không phải là để phủ định tất cả, vì xu hướng chung của thơ trẻ không như vậy. Thơ trẻ hôm nay vẫn có thể tin tưởng ở nhiều người. Đó là Lãng Thanh ( rất tiếc Lãng Thanh không còn nữa), Phan Nhiên Hạo, Trương Quế Chi... Tôi thích sự tìm tòi mới mẻ, khác lạ ở Lãng Thanh: mạch vận động tự nhiên, chất chứa nhiều thông tin và ý tưởng của Phan Nhiên Hạo; sự xoay trở về nhịp điệu, cách cảm, cách nghĩ của Trương Quế Chi.
Phan Nhiên Hạo từng viết: Đứng trong thang máy tôi thấy tôi giống cây diêm/ quẹt lên những sự ẩm ướt mỗi ngày; Bây giờ tôi giữ trong áo một sự tịch mịch/ thỉnh thoảng đem ra ngắm nhìn; Tôi ăn khuôn mặt này/ vì nó ngon như phở/ món làm chúng ta nổi tiếng khắp thế giới. Trương Quế Chi từng viết: Lẩn trốn tuần tự những giọt nước mắt; Ba trăm sáu mươi lăm ngày/ Mơ hiện sinh/ Hai mươi tư giờ/ Khát hiện sinh/Sáu mươi phút/ Đợi hiện sinh/ Sáu mươi giây/ Hiện sinh không nổi/ Vì trong túi áo/ vẫn cất một lá bùa...
Hai tác giả trên còn trẻ. Một người sinh năm 1967, ba bảy tuổi. Một người sinh năm 1987, mới mười bảy tuổi. Tất nhiên, thơ trẻ hôm nay, không chỉ có vài khuôn mặt kể trên. Chắc chắn, ở đâu đó vẫn còn nhiều người khác nữa, kể cả những người chưa xuất hiện trên mặt báo mà chúng ta chưa có điều kiện phát hiện ra.
Kápka từng khẳng định: "Thơ ca mới chỉ gây ra sự ngạc nhiên nào đó thì vẫn chưa đạt. Làm sao thơ văn phải như tấm gường kia. "Tôi hiểu tấm gương ở đây là tấm gương để soi vào, chứ không phải là tấm gương phản chiếu hiện thực thuần như chúng ta từng biết. Đọc những dòng này của Kápka, tôi mới hiểu vì sao những trang Kiều của Nguyễn Du vẫn con có giá trị trường tồn đến tận ngày nay. Bởi vì trong hàng nghìn câu lục bát của Nguyễn Du, bên cạnh giá trị nghệ thuật, ngôn từ... chúng ta còn bắt gặp những tình huống, những dự báo, những số phận người...tiềm ẩn trong thơ ông. Những tình huống này nhiều và hàm chứa đến nỗi, chúng ta có thể bói bằng thơ được, mà các cụ nhà ta thường gọi là bói Kiều.
Nếu làm theo được lời dạy sâu sắc của Kápka và tiếp thu được tinh hoa từ thơ Nguyễn Du, tôi tin các nhà thơ trẻ của ta sẽ trưởng thành.
Là người lạc quan, tôi đồng ý, chia sẻ với một dự báo về thơ trẻ của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và hy vọng, thơ ca Việt Nam sẽ có một ngày bùng nổ từ những gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ những nhà thơ trẻ hôm nay.
Lam Điền
VietBao.vn