Một loạt cổ vật có giá trị "tề tựu" trong phòng trưng bày của Hội Cổ vật Thiên Trường thành phố Nam Định. Một phiên bán đấu giá cổ vật thuộc loại đầu tiên của đất nước cũng sôi động như ở thị trường cổ vật nước ngoài. Một cánh cửa nữa lại mở ra với cổ vật Việt Nam?
 |
Phiên đấu giá cổ vật đầu tiên của Việt Nam diễn ra ở phòng trưng bày của Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định) |
Nhân dịp đầu xuân Ất Dậu, Hội Cổ vật Thiên Trường tỉnh Nam Định vừa phối hợp với Sở VHTT Nam Định và Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu bảo tồn các giá trị cổ vật dân tộc tổ chức một cuộc trưng bày cổ vật của hơn 100 hội viên.
Công cuộc "góp gạo thổi cơm chung" đã cho thấy một bộ sưu tập khá phong phú, có những hiện vật mà ngay cả Bảo tàng Quốc gia cũng không có được. Kéo về "một góc thành Nam" để thưởng ngoạn cổ vật có khá nhiều các "đại gia" cổ vật và một số nhà sưu tầm, nhà khoa học, các nhà quản lý văn hoá trung ương và các tỉnh lân cận.
Nam Định vốn là phủ Thiên Trường xưa, nơi phát tích của nhà Trần, vì thế khá nhiều cổ vật liên quan đến thời Lý - Trần tìm được nơi đây. Các di tích liên quan đến triều đại Trần khá đậm đặc ở Nam Định nhất là nhiều chùa mà nổi tiếng là chùa Phổ Minh, vì thế cũng không ngạc nhiên khi thấy nhiều cổ vật có niên đại Trần đẹp nhất tìm được tại ngay quê hương nhà Trần như bộ sưu tập thạp và bình gốm hoa nâu có kích thước lớn mà không nơi nào có được.
Đến với sưu tập cổ vật, người xem còn được chiêm ngưỡng một chiếc trống đồng Đông Sơn còn nguyên vẹn và có kích thước thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay ở ta, có tượng 4 con cóc và hình ngôi sao giữa mặt có 12 cánh, hình người hoá trang cách điệu cao. Bên cạnh cổ vật dân tộc còn có cổ vật Trung Hoa có mặt từ nhiều năm trước như bát đĩa men ngọc thời Minh, đồ sứ men phủ màu trắng và men vẽ màu lam hay men vẽ nhiều màu thời Minh - Thanh khá đẹp.
 |
Bình gốm hoa nâu thời Trần |
Có thể nói cổ vật Thiên Trường khá nhiều và quý, có đại diện của mọi thời đại từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời Nguyễn. Điều đó cho thấy tiềm năng cổ vật trong các bộ sưu tập tư nhân khá to lớn. Chỉ một tỉnh mà đã có một kho cổ vật không kém cạnh một bảo tàng cấp tỉnh nào.
Nhân dịp khai trương phòng trưng bày cổ vật, các nhà tổ chức đã thể nghiệm một phiên chợ bán đấu giá cổ vật Thiên Trường ngay tại chỗ. Cổ vật đã được hội giám định, khi mua sẽ được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, tình trạng cổ vật. Mới là phiên đầu tiên mà số cổ vật được bán đã nhiều, số người tham dự cũng tương đối đông và đã có một không khí... chợ thật sự, có giá lên giá xuống, có đổi đi đổi lại.
Có thể nói, cuộc trưng bày cổ vật Thiên Trường đã góp phần "xã hội hoá" một thú chơi tao nhã vốn có từ khá lâu đời của người Việt, nhất là trong những dịp Tết đến. Mặc dù vẫn còn có một ít hạt sạn như một số cổ vật được giám định niên đại chưa chính xác, có khi sai đến cả ngàn năm hoặc có thể lọt một vài đồ chưa chắc đã... cổ, nhưng cuộc trình làng này là một cố gắng lớn của các nhà yêu mến và sưu tầm cổ vật.
Phong trào chơi cổ vật đang "lên", nhiều hội cổ vật đã ra đời và chuẩn bị ra đời. Tuy nhiên cũng không phải là không có những vấn đề xã hội và văn hoá đặt ra cần có sự định hướng ở tầm vĩ mô.
Dẫu muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thực là trong vòng một thời gian ngắn khoảng hơn một thập niên vừa qua, số lượng cổ vật trong các sưu tập tư nhân tăng rất nhanh.
Trước tiên là sức hút của cổ vật ra nước ngoài thông qua một số trung tâm thu gom cổ vật, sau đó là số người chơi đồ cổ tăng lên theo đà tăng trưởng kinh tế, người ta bắt đầu quan tâm đến văn hoá cùng các thú chơi. Nhà nước cũng có chính sách nới rộng hơn về mặt cổ vật.
Bài toán được đặt ra về quản lý cổ vật và di tích luôn luôn là bài toán khó. Chỉ với số cổ vật đang trong các sưu tập tư nhân trên thực tế đã là một vốn khổng lồ và quý, cần phải biến đó là một tiềm năng văn hoá phục vụ lại xã hội, cần phải được giao lưu, mua bán công khai còn hơn là để thị trường cổ vật ngầm chi phối. Chợ đấu giá cổ vật có thể giúp Nhà nước có điều kiện giám sát tốt hơn. Mặt khác, cũng giúp cho người sưu tầm tránh được rủi ro khi mua phải đồ giả cổ, tránh được những vụ lừa đảo đồ cổ như trong vụ Trần Thị Kim Hoa mới đây ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng ta chỉ có thể từng bước dùng pháp luật ngăn dòng đồ cổ xuất lậu ra nước ngoài hay chặn đứng sự phá hoại di tích để lấy đồ cổ mà không thể không thừa nhận một sự "đã rồi" là: Thị trường đồ cổ đang lớn mạnh, cần một sân chơi như bao loại hàng hoá khác.
Có thể, các sưu tập đồ cổ tư nhân sẽ có một tác dụng nữa nếu như chủ nhân của chúng ngoài thú chơi ra còn biết dùng đó là một lực hấp dẫn góp phần thúc đẩy du lịch. Ví dụ, ở thành phố Kagoshima của Nhật Bản, một khách sạn tư nhân khá đông khách không phải vì địa điểm đẹp mà vì chủ khách sạn có một bộ sưu tập đồ cổ hấp dẫn để giới thiệu với du khách, từ quyển kinh Coran có niên đại vài trăm năm đến các loại gốm sứ thời Thanh và có cả... một chiếc trống đồng VN. Tại sao chúng ta không học tập cách làm của họ nhỉ?
(Theo Lao động)
|