"Trong quý III vừa qua, các hãng sản xuất, các đơn vị nhập khẩu phim truyện trong nước đã trình lên Hội đồng TƯ duyệt phim một lượng lớn phim ma, phim kinh dị với nhiều trường đoạn gây phản cảm, hoảng loạn cho người xem..." - Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh giải thích lí do ra đời văn bản mới nhất của Cục, yêu cầu hạn chế phim kinh dị và phim ma.
- Xin ông cho biết cụ thể hơn nữa lý do dẫn đến việc phải cho ra đời văn bản Hạn chế tối đa các loại phim kinh dị và phim ma đối với các Hãng sản xuất phim và các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa?
- Trong văn bản mới nhất ra ngày 6/8 vừa qua gửi cho các hãng sản xuất phim và các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa chúng tôi đã nói rất rõ về nội dung cần nhắc nhở.
Ở đây tôi nói cụ thể hơn, là trong đầu quý III vừa qua, Hội đồng duyệt phim Trung ương đã phải duyệt rất nhiều phim kinh dị và phim ma. Có tuần duyệt tới ba, bốn phim, ví dụ như phim 1028 ngôi nhà bí ẩn, Mười (Hợp tác giữa một hãng Hàn Quốc và Phước Sang) và một số phim có thời lượng ngắn khoảng 45 phút...
Hầu hết các bộ phim này đều có nội dung ít mang tính giải trí, gây khó hiểu cho khán giả, nhiều trường đoạn phản cảm với những cảnh rùng rợn tạo cảm giác hoảng loạn cho người xem nên buộc lòng chúng tôi phải ra văn bản nhắc nhở.
 |
Hình ảnh Minh Thư trong phim Mười - "Đồng ý là phim ma và phim kinh dị cần những trường đoạn cao trào tạo cảm giác mạnh nhưng phải tiết chế, không sa đà vào việc miêu tả rùng rợn" - Ông Lê Ngọc Minh .
|
- Thưa ông, ông có cho rằng, Hội đồng duyệt phim Trung ương đã thực sự khách quan và công bằng khi đánh giá về nội dung những bộ phim như trên?
- Trong Hội đồng duyệt phim Trung ương không chỉ có các nhà quản lý mà còn có các các chuyên gia, những nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh và các ngành liên quan. Khi đưa ra quyết định, chúng tôi phải lấy ý kiến thống nhất trước khi trao đổi kỹ càng và đánh giá theo nhiều chiều.
Ở đây, không ai ngăn cấm phim kinh dị và phim ma, nhưng những bộ phim đó phải có giá trị nhân văn và khẳng định điều thiện chứ không nhấn vào những cảnh ly kỳ, rùng rợn tới mức phản cảm.
- Không ít các nhà sản xuất và phát hành phim cho rằng, Luật điện ảnh của ta quá chung chung, nên khi nói "vi phạm điều cấm mà Luật điện ảnh quy định" như trong văn bản thì thậm chí họ cũng không biết là mình... vi phạm gì?
- Rõ ràng là những người có ý kiến trên chưa nghiên cứu rõ về Luật điện ảnh. Bởi Luật ban hành không nói bâng quơ, chung chung mà nó mang tính khái quát để áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ, với những bộ phim kinh dị và phim ma thì không chỉ với Luật điện ảnh trong nước mà ở nước ngoài, người ta cũng quy định rõ là những phim làm hoảng loạn con người, thiếu nhân tính và tạo nên tội ác lớn thì không được phép công chiếu.
- Còn với văn bản của Cục về vấn đề này, nếu nói hạn chế phim kinh dị và phim ma thì hạn chế thế nào? Có đưa ra định lượng cụ thể không, ví dụ đơn vị nhập phim thì được phép nhập mấy phim một quý...?
- Chúng ta có không ít những tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài ma quái, kinh dị. Nước ta có truyện ngắn Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, thế giới có phim Hồn ma... ,những tác phẩm này đều thể hiện rất có tình người mà vẫn làm lay động bao trái tim độc giả, khán giả.
Đồng ý với thể loại phim kinh dị và phim ma phải có những trường đoạn cao trào, tạo hiệu ứng cho phim nhưng không thể sa đà vào việc miêu tả tội ác một cách rùng rợn, thiếu nhân tính. Cụ thể trong phim Mười, có trường đoạn miêu tả trực tiếp một nhân vật bị tạt axit như thế nào, bị bẻ các đốt ngón tay, chặt gót chân ra sao. Thậm chí, còn bị treo lên với cả một thân hình rã rượi, đầy ghê tởm bởi sự thiếu nhân tính của con người như thế thì thật dã man. Chưa kể một số phim khác còn miêu tả tội ác và mang tính bạo lực cao...
Và khi đưa văn bản này ra, chúng tôi muốn các nhà làm sản xuất, các đơn vị nhập khẩu phim phải tự biết lựa chọn và cân đối ngay từ bước đầu tiên chứ không chỉ là trước khi mang đến Hội đồng duyệt phim Trung ương hay tìm cách bao biện khi "sự đã rồi".
- Có nghĩa là, văn bản này chỉ mang tính nhắc nhở và khi đưa ra, chính các nhà quản lý cũng lường được việc nó có thể được thực thi hoặc không...
- Phải có văn bản nhắc nhở. Trong quá trình thực hiện thì có đơn vị thực hiện, có đơn vị không. Nhưng có những nội dung bắt buộc phải thực hiện, nếu đơn vị nào không thực hiện thì phải xử lý theo luật pháp.
Văn bản nào cũng không bằng ý thức tự giác của các đơn vị. Họ phải tự cân đối được nhu cầu của thị trường, thị hiếu của khán giả và chất lượng văn hoá của sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông!
Nội dung văn bản Hạn chế phim kinh dị và phim ma - gửi các Hãng sản xuất phim và các đơn vị nhập khẩu phim truyện:
Trong những tháng đầu quý III năm 2007, các Hãng sản xuất phim, các đơn vị có chức năng nhập khẩu phim truyện nhựa đã trình duyệt tại Hội đồng Trung ương duyệt phim truyện một số bộ phim truyện nhựa được sản xuất trong nước (có hợp tác với các hãng sản xuất phim nước ngoài) và các phim nhập khẩu thuộc thể loại phim ma, phim kinh dị. Đây là những bộ phim có nội dung ít mang tính giải trí, gây khó hiểu cho đa số khán giả khi xem phim, nhiều trường đoạn gây phản cảm, nhiều cảnh ly kỳ, rùng rợn gây cảm giác hoảng loạn cho người xem, vi phạm những điều cấm mà Luật Điện ảnh đã quy định.
Cục Điện ảnh đề nghị các Hãng sản xuất phim, các đơn vị nhập khẩu phim truyện nhựa cần lựa chọn kỹ đề tài, nội dung có cốt truyện và chủ đề rõ ràng để sản xuất, nhập khẩu phim; cần hạn chế tối đa việc sản xuất hoặc nhập khẩu những thể loại phim trên, tránh tình trạng phim được sản xuất hoặc nhập khẩu khi trình duyệt sẽ không được phép phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
|
Thục Nhi (thực hiện)
|