""... Giá như một số nhà văn nhà thơ xứ ta nắm được nội hàm của khái niệm “tự trọng”. Giá như báo chí nghiêm túc và không quá tin cậy vào một vài nhà văn nhà thơ viết văn làm thơ thì ít mà “đánh quả tù mù” thì nhiều. Giá như ngày ấy, bài của tôi được đăng đầy đủ. Giá như... "". Cũng trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoà còn than rằng ""...dường như có vài vị đang biến văn đàn thành “sàn diễn sân khấu” để sắm vai diễn trò, trục lợi..."".
Cách đây hai ba năm, trên một số diễn đàn văn chương, rồi trên một số phương tiện thông tin đại chúng thấy người ta tán dương lên tận mây xanh mấy tập thơ của một cây bút lạ hoắc là Nguyên Linh, tôi cũng bị tò mò.
Dò hỏi xem đó là ai, được trả lời đó là một VIP yêu thơ và có khả năng làm thơ. Nghĩ chuyện làm thơ, in thơ thời nay quá dễ dàng nên chuyện ai đó yêu thơ, có khả năng làm thơ không hấp dẫn tôi lắm. Rồi ngày nọ, một bác bê tới biếu tôi hàng chục tập thơ Nguyên Linh nhờ đọc hộ và hẹn sau dăm bữa nửa tháng sẽ đi chơi rừng Cúc Phương, đốt lửa trại tổ chức đêm thơ. Vốn cũng ham chơi và cũng muốn bảo đảm chữ tín, về nhà tôi liền mang thơ ra đọc. Càng đọc càng thấy “kinh dị” vì những bài văn vần nửa dơi nửa chuột như vậy lại được gọi là thơ. Liên tưởng tới bác “thi sĩ” Hùng Anh ở miệt Cà Mau hôm nào, tôi vội vàng thoái thác không đi, lấy cớ bận việc cơ quan.
Thật ra thì việc tham gia vào trò tung hứng vốn không phải là “nghề” của tôi. Nhưng cái ông VIP này lại cứ buộc tôi phải quan tâm bởi người ta khen ông khiếp quá, toàn là những bài tụng ca thừa thãi chữ nghĩa đáng đặt ông vào “chiếu trên” trong làng thơ. Khi những bài tụng ca dành cho thơ Nguyên Linh đột ngột tăng lên trong khoảng cuối năm, tôi phỏng đoán ai đó đang có ý đồ tiến cử ông vào Hội Nhà văn. Nên trong bài Nỗi niềm văn chương năm cuối thế kỷ, đánh giá tình hình văn học năm 2001 tôi có đưa ra ý kiến của mình về hiện tượng này. Trước khi gửi bài đi, tôi đưa nhà văn Sương Nguyệt Minh đọc và chỉ vào đoạn: “Khi một tác giả nghiệp dư xuất bản cả thảy16 tập thơ (có tuyển tập) trong 4 năm thì không chỉ xứng đáng được đưa vào sách Guiness, mà còn góp phần đưa thơ vào sự dễ dãi Vậy mà người ta vẫn cứ khen nức nở, có cả tán dưng kỳ quặc vì không trích dẫn nổi lấy một câu từ chục tập thơ kia! Phải chăng đây là một cú đề-pa (départ) để kết nạp cây bút này vào Hội Nhà văn? Việc kết nạp nhà thơ Hùng Anh hồi 1998 vẫn còn lơ lửng lời cảnh báo cho những ai có trách nhiệm nên thận trọng”, rồi nói: “Tiếng tăm Nguyên Linh đang nổi như cồn, nếu bài này của tôi bị cắt thì sẽ cắt câu cuối của đoạn này”. Bài in ra, nó bị cắt đúng câu: “Phải chăng... thận trọng”, tôi cười lăn, tự kiêu hãnh về chiếc mũi thính của mình. Nói vậy, chứ thật tình tôi rất buồn, vì dự báo nghiêm túc của tôi đã không được lắng nghe. Và tôi có nghe nói ông “nhà thơ” này đã được đem ra xét kết nạp nhưng chưa đủ phiếu (?)!
Đầu năm 2002, đọc bài Đầu xuân với nhà thơ Nguyên Linh của Trần Hiền Nam nào đó đăng trên một tờ báo lớn, tôi càng thêm kinh hoàng vì tác giả tung ra những lời tán tụng có lẽ chỉ dành cho những ai đã tê liệt “dây thần kinh xấu hổ”. Nghĩ nếu mình lên tiếng thì cũng chẳng ai cho đăng, đành photocopy bài tụng ca đáng xấu hổ kia. Trước khi đưa vào túi tư liệu, tôi vẫn còn ngứa tay viết vào phía sau tờ giấy hai chữ: “lợm giọng!”. Về sau, khi ông Nguyên Linh tức ngài thứ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Thiện Luân bị truy tố, tôi kể lại chuyện này cho nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn và nói rõ Trần Hiền Nam là ai, anh chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi photocopy tài liệu của tôi để có thêm thông tin về một người anh quen biết!
Giá như một số nhà văn nhà thơ xứ ta nắm được nội hàm của khái niệm “tự trọng”. Giá như báo chí nghiêm túc và không quá tin cậy vào một vài nhà văn nhà thơ viết văn làm thơ thì ít mà “đánh quả tù mù” thì nhiều. Giá như ngày ấy, bài của tôi được đăng đầy đủ. Giá như... Giá như..., thì cuối năm 2002 làng văn làng báo sẽ không phải bẽ bàng về những sâu mọt đang tồn tại trong làng. Nhưng, do quan sát cập nhật sinh hoạt của làng văn xứ ta tôi đã nhận thấy dường như có vài vị đang biến văn đàn thành “sàn diễn sân khấu” để sắm vai diễn trò, trục lợi, thì đối với tôi những món hỉ nộ ái ố kia quả không còn gây nên sự ngạc nhiên. Những trò diễn ấy làm cho “hồ sơ” của tôi về các hiện tượng lố lăng cứ dày lên và đôi khi đọc lại không khỏi chạnh lòng than thở: “Kẻ sĩ thời nay đã xuống cấp đến vậy rồi sao?”! Lại nhớ một hai năm trước. Ông “ích xì” - người vào năm 1999 từng đưa ra một nhận xét độc nhất vô nhị trên Tạp chí Tác phẩm mới (nay là Tạp chí Nhà văn) rằng Hàn Mặc Tử: “là nhà thơ bị hủi về thể xác mà lòng dứt khoát không chịu hủi cho”, đã cho ra đời một cuốn sách có khả năng làm “xuống giá” phê bình. Thấy có cái gì đó kỳ khôi khi “nhà phê bình” này bình chọn được “năm ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thi ca Việt Nam ở thế kỷ này (thế kỷ XX - NH)” là Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu và... ông “i cờ rét”, tôi có viết vài lời nhận xét và hoàn toàn không biết ông “i cờ rét” lại đang có khoái cảm với mấy chữ “ngôi sao”. Thế là “i cờ rét” tiên sinh cáu sườn, viết một bài đăng tùm lum trên mấy tờ báo để bênh vực chiến hữu “ích xì” và đưa ra ví dụ rằng xưa kia phải đến vài thế hệ sau khi Đào Tiềm qua đời, người Trung Hoa mới thấy hết được giá trị của thơ Đào Tiềm đó thôi. Cứ ngỡ chỉ có ông “ích xì” kia mới mắc chứng hoang tưởng, hóa ra thi sĩ nhà ta cũng đạt tới trình độ ngang ngửa. Tranh luận đôi co chỉ mất thì giờ, tôi không viết gì thêm, chỉ tiếc công một lần bổ sung “hồ sơ tư liệu” và tự răn mình bền gan chờ đợi đến ngày thi phẩm của “i cờ rét” tiên sinh “phát sáng”! Tuy nhiên, “i cờ rét” tiên sinh xem ra cũng không đơn độc, bởi lẽ còn câu chuyện cái ông nhà văn giắt lưng được mấy chữ ăng lê kia mới thật hay ho. Ông không chỉ tự dịch tác phẩm của ông ra tiếng nước ngoài để in ấn ở phía trời Tây, mà bất cứ ông tây bà đầm nào hỏi ý kiến của ông về các nhà văn Việt Nam nổi tiếng đương đại, ông cũng giới thiệu Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê và... chính ông! Đến mức người ta ngỡ ông là văn sĩ có tiếng có tăm. Lâu ngày thành quen, ông sinh ra huyễn hoặc về mình, đến mức cũng hoang tưởng coi mình là nhà văn “nhớn”!
Dẫu sao thì những “chuyện lạ” kể trên ít nhiều thời nào cũng có trong đời sống văn chương, chúng vẫn có thể được cảm thông khi so sánh với trò diễn lố lăng của dăm bẩy vị đang ham hố “làm mới” văn chương bằng thủ thuật mang cha ông ra “phanh thây, mổ bụng” đặng ve vãn mấy “thần tượng” ở những xứ sở cách xa hàng ngàn kílômét. Để tỏ rõ khả năng thuộc bài, đặt bút xuống là họ viện dẫn ông Smit, ông Giôn, là chê bai tiên tổ. Rồi họ lớn tiếng dè bỉu trí thức, nhà văn nước nhà mang tâm lý “hèn”. Họ tự tuyên xưng như những con người tiên phong phấn đấu cho một nền văn học Việt Nam tương lai có đội ngũ nhà văn “không hèn”. Song nhìn vào thủ đoạn họ đã và đang thi thố, rất dễ nhận ra: trong khi phê phán cái “hèn” của người khác, họ lại chạy theo một mục đích còn thảm hại và “hèn” hơn nhiều, bởi họ đang quáng mắt bám đuôi mấy bác Tây dưng với tinh thần “theo voi hít bã mía”! Khổ nỗi là không phải lúc nào mấy bác Tây cũng quan tâm đến họ, nên hễ cứ có bác Tây văn chương nào sang xứ ta là các vị nháo nhác cả lên, hong hóng chầu chực, mong mỏi được người ta cho tiếp kiến. Có vị còn tranh thủ thời gian gặp gỡ ngắn ngủi cố đọc vài câu thơ để giới thiệu mình với mấy ông văn sĩ cũng đang “vô danh” trên chính văn đàn nước họ. Đối với các vị này, phải phóng được tầm mắt nhìn ra thế giới mới là con người mang tinh thần thời đại, mà “thế giới” đối với họ xem chừng cũng chật hẹp bởi nó chỉ loanh quanh trong phạm vi vài cuốn tạp chí, vài tờ báo tiếng Việt đang sống lắt sống lay ở chốn hải ngoại. Một hôm có bác nhấc telephone thông báo cho tôi tin mừng là bác ta mới có bài đăng ở một tạp chí nước ngoài, mà tôi biết mỗi số in có vài trăm bản. Sợ tôi chưa tin, hôm sau bác đến gặp tôi, trịnh trọng mở chiếc ca táp to đùng chứa vài chục bản photocopy. Rồi bác tiếp tục trịnh trọng rút ra một bản trao cho tôi như trao một vinh dự lớn lao, mắt bác ánh lên niềm kiêu hãnh không thể tả xiết. Vài ngày sau bác gọi điện hỏi thăm tình hình, tôi ậm ừ cho qua chuyện, chẳng lẽ lại nói với bác: theo em công trình “vĩ đại” của bác chỉ trên mức lá cỏ một chút!
Thôi thì thời buổi nay đã khác xưa và mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến của mình. Hướng ra thế giới, các bác có thể tất tả chạy bài chạy vở cho cho các trang web, cho các hãng thông tấn nước ngoài, chỉ yêu cầu các bác đưa tin cho trung thực. Đừng có đưa tin theo lối chuyện một đằng hớt lẻo một nẻo. Như mới đây thôi, tại Lễ trao Giải thưởng năm 2002 của Hội Nhà văn người ta có lên nhận hẳn hoi mà lại đi xuyên tạc là: không ai lên nhận, dù đang có mặt! Hoặc người ta trao tặng thưởng cho tác phẩm này mà cứ nói xưng xưng là trao cho tác phẩm kia. Đặc biệt, đừng giở những mưu mẹo lừa đó mà người có tư cách đàng hoàng không bao giờ sử dụng. Có lần la cà ở một tòa soạn nọ, liếc trộm trên bàn tôi thấy bài thơ đã duyệt in của một tác giả đang được “văn giới hải ngoại” và một hai vị văn sĩ trong nước hè nhau lăngxê. Thấy bài của tác giả kia ghi rõ địa chỉ một cơ quan ở Hà Nội, tôi hơi bị bất ngờ. Liền ló cái đuôi “liếc trộm” của mình qua thông tin: địa chỉ này là địa chỉ ghi. Mấy anh chị trong tòa soạn ngớ người, gọi điện kiểm tra, té ra là người ta bịp: người và địa chỉ cách xa nhau hàng ngàn km! Hoặc như anh bạn nọ của tôi từng hú vía do bị một cây bút “tiên phong” lừa bịp. Chẳng là lần ấy cây bút “tiên phong” đưa anh một bản thảo mang tên tác giả lạ hoắc. Bạn tôi hỏi tác giả là ai, cây bút “tiên phong” trả lời: Yên tâm, một người ông có biết đấy! Bạn tôi đọc thấy có ý được, ý không. Nể bạn, anh đề nghị cho đăng sau khi biên tập rất kỹ. Về sau anh phát hiện ra mình bị cây bút “tiên phong” lừa, anh than thở với tôi: Hú vía, may mà tớ cao tay chứ nghe theo hắn thì tớ “toi” . Than ôi! Để phục vụ cho tham vọng của mình, người ta có thể lừa đảo cả bạn bè, và như vậy mà người ta vẫn có thể cầm bút viết những điều cao đạo được ư?
Kể lại những chuyện trên đây cũng là một việc làm cực chẳng đã, bởi dễ bị người ta bảo rằng “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng biết làm sao được, khi một số nhà văn từ việc làm ô uế của mình đã làm ô nhiễm sang cả giới văn chưong? “Con sâu làm rầu nồi canh”, cha ông bảo vậy. Nhưng nếu không tìm ra thuốc chữa trị, một ngày nào đó “sâu” to sâu “nhỏ” nhiều mãi hẳn lên, và khi ấy làng văn sẽ còn có thể gọi là làng văn không nhỉ?
|