 |
Hôm nay (3-12), lần đầu tiên người dân Hà Nội được chứng kiến 350 hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám |
Mọi người vẫn đang chờ đợi một kết luận thống nhất về giá trị
công trình khảo cổ thành Thăng Long vừa khai quật được. Trọng trách lớn đó đang đặt ra cho các nhà khoa học VN, nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau xung quanh di tích này.
Vị trí khai quật: Trường Lạc Cung, điện Giảng Võ hay điện Diên Phúc?
Loạt ý kiến thứ nhất (bao gồm một số nhà sử học, nhà khảo cổ học và bảo tàng địa phương) đánh giá rất cao kết quả khảo cổ. Theo đó, đây là một cuộc khai quật lớn nhất từ trước tới nay (với diện tích 16.000 m2, khai quật trong gần 10 tháng) đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều dấu tích văn hóa.
Theo các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, tiến sĩ Tống Trung Tín (Viện Phó Viện Khảo cổ học), tuy nhiều lớp văn hóa bị xáo trộn, nhưng nhìn chung có thể thấy được dấu vết thành Đại La (thế kỷ VII - IX) qua các thời Đinh Lê, Lý - Trần - Lê sơ, Nguyễn.
Tóm lại, về tổng thể, có thể tin rằng đây là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long với các hệ thống cung điện to lớn, hoành tráng và quy mô... khác hẳn những nhận thức trước đây, cho rằng kiến trúc Việt chỉ dừng ở mức vừa phải, tương ứng với sự phát triển kinh tế xã hội chưa cao...
Thế nhưng về khu vực khai quật cụ thể (số 8 đường Hoàng Diệu) nằm ở vị trí nào của Hoàng thành Thăng Long thì giới khoa học vẫn còn bàn cãi.
Theo tiến sĩ Tống Trung Tín, nhiều khả năng nơi đây từng là Trường Lạc Cung thời Lê. Lý do ông Tín đưa ra là: "Chúng tôi khai quật được nhiều bát, đĩa cổ có ghi "Trường Lạc Cung", nên rất có thể Trường Lạc Cung ở đây hoặc ngay gần đây".
Trong khi đó, giáo sư Trần Quốc Vượng lại cho rằng khu vực 16.000 m2 này có thể là điện Giảng Võ. Bởi theo giáo sư Vượng, nếu lấy điện Kính Thiên làm chuẩn, thì vị trí đối xứng với khu vực đang khai quật là điện Tập Hiền. Mà "tả văn hữu võ" nên công trình này rất nhiều khả năng là điện Giảng Võ. Thậm chí, không chỉ là điện Giảng Võ mà còn có thể là nhiều cung khác nữa, ví dụ như Trường Lạc cung (cung Hoàng hậu của Vua Lê Thánh Tông) hoặc Thuý Hoa cung...
Song, bác bỏ ý kiến của cả giáo sư Trần Quốc Vượng và tiến sĩ Tống Trung Tín, ông Nguyễn Vinh Phúc lại khẳng định phần diện tích đang khai quật phải là điện Diên Phúc đời Trần. Ông Phúc giải thích: "Hoàng thành đã trải qua nhiều biến động, điện Kính Thiên cũng từng bị sét đánh (thời Trần). Mà trong thời gian đợi xây lại điện Kính Thiên, vua Trần (có lẽ là Vua Trần Thái Tông) đã ngự tại khu vực này. Sử sách đời Trần cũng ghi bên phải điện Kính Thiên là điện Diên Phúc. Vì thế, di tích này có nhiều dấu hiệu là điện Diên Phúc".
Chưa chứng minh được đây là dấu vết kiến trúc hoàng cung của thời Lý Trần
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai (chủ yếu là của các nhà bảo tồn bảo tàng, kiến trúc và mỹ học, mà đại diện là giáo sư Trần Lâm Biền) khẳng định những gì tìm thấy mới chỉ hé mở nhiều vấn đề thuộc lịch sử Thăng Long 1.000 năm chứ chưa thể đánh giá được đầy đủ và khách quan giá trị của công trình khảo cổ khu vực Ba Đình.
Bảo vệ quan điểm khoa học của mình, giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, việc tìm thấy dù là hàng triệu di vật vô giá 1.000-1.300 năm tuổi, ở cả 3 tầng sâu, cứ tạm cho là 3 "tầng văn hoá", mà đi thẳng đến kết luận tồn tại các toà thành từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX thì... hơi vội vã. Ông nói: "Còn hàng nghìn viên gạch có niên đại chính xác thuộc đời Lý ư? Thì giới khảo cổ cũng đã đào bới được những viên gạch có in dòng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" của thời Đinh - Tiền Lê, sao không "kết luận" là cả Đinh Tiên Hoàng lẫn Lê Đại Hành đều xây hành cung ở đây?".
"Sắp tới giới khoa học sẽ tổ chức nhiều hội thảo liên ngành để đưa ra kết luận thống nhất. Bởi vấn đề niên đại, kết cấu kiến trúc, số hiện vật được phát hiện nằm cụ thể ở bộ phận nào của Hoàng thành và mối quan hệ giữa các tầng lớp văn hoá thế nào... không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều".
Giáo sư sử học Phan Huy Lê
|
Như vậy, theo ông Biền, vấn đề vướng mắc đầu tiên của giới khoa học VN là chưa tìm được cơ sở nhận thức lý luận và thực tế để chứng minh dấu vết kiến trúc tìm thấy là của thời Lý Trần, để khẳng định đó là kiến trúc cung điện to lớn...
Mặt khác, giới chuyên môn xưa nay vẫn bị ám ảnh bởi những thành trì có tên tuổi đủ quy chuẩn, nên đã xếp thành Đại La và Thăng Long cũng vào dạng "những thành trì có tên tuổi" mà thiếu cứ liệu thực tế. Ông Biền băn khoăn: "Chắc chắn hai thành còn mang nhiệm vụ của đê chống lụt. Vậy thì liệu ở một miền đất thấp, gần ao hồ như sông Hồng, có thích ứng với việc xây dựng lớn không?".
Về kiến trúc, giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng có thể tin được nơi này gắn với sinh hoạt đời thường khá rõ rệt chứ không phải là kiến trúc hành cung. Bởi thông thường, cung điện không có quá nhiều giếng như thế (mà nếu có, thì rất ít và chịu sự chi phối của luật phong thuỷ). Không những thế, việc phát lộ nhiều cống thoát nước và một số gạch xây cống có tính chất chuyên dụng và thực dụng lại càng khẳng định tính chất "đời sống thường nhật".
Chưa thể khẳng định rõ ràng niên đại ?
Một băn khoăn khác của giáo sư Biền là, về mặt cấu trúc, không chỉ thời Lý, Trần mà thời Mạc cũng sử dụng kết cấu dựng bằng gỗ mít (còn từ thế kỷ XVII trở về sau gỗ lim mới được dùng là chủ yếu!). Như vậy, cho dù cho mít hoặc lim thì vẫn chưa thể khẳng định rõ ràng niên đại của các lớp văn hóa từ thế kỷ XVII trở về trước.
Hơn nữa, trong số di tích nền móng được phát lộ, giới khảo cổ học tìm thấy hai hàng chân cột cái cùng một gian có khoảng cách vượt quá 5 m, thậm chí có chỗ tới gần 6 m. Vì thế, nhiều khả năng loại kiến trúc này sử dụng cả chất liệu... bê tông cốt thép thế kỷ XIX! Còn các nền kiến trúc 6 mặt (được gọi là thuỷ đình hay giang đình) thì theo giáo sư Trần Lâm Biền, phải xếp vào niên đại rất muộn (đa số cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX). Và, các kiến trúc khác (có chiều dài 62 m, chiều rộng 27 m và 10 nền kiến trúc lục giác) đã phát lộ cũng phải là sản phẩm khá muộn.
Lùi tiến độ thi công Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, tiếp tục khai quật khảo cổ học di tích này là một quyết định quan trọng, có tầm văn hoá lớn của Bộ Chính trị. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là trọng trách của giới khoa học VN cũng ngày càng nặng.
Theo VnE
Theo dòng sự kiện:
+ Đã tìm thấy trung tâm hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê?
+ Di tích Thăng Long - di sản văn hóa vô giá
+ Thăng Long ngàn năm lên tiếng
+ Công trường khảo cổ ở Ba Đình mở cửa với báo giới
+ Hoãn việc xây dựng toà nhà Quốc hội mới
+ Di tích Thăng Long: Phải có một quy hoạch khảo cổ
+ Bảo tồn di chỉ khảo cổ Thăng Long: Chưa có phương án tối ưu
+ Trưng bày hiện vật thành cổ Thăng Long