Để “bị” ảnh hưởng, điều kiện tiên quyết là phải hiểu cho đúng, hiểu cho đủ nhà phê bình/trường phái phê bình ấy. Mà, hiểu được những Bakhtine, Lotman, Todorov, Barthes, v.v., theo tôi, là điều sẽ khiến đa phần các nhà PBVH ở ta hiện nay còn phải tốn cơm tốn gạo- Hoài Nam.
Nhà phê bình nghĩ gì về phê bình?
Đọc nhưng không chịu ảnh hưởng!
Nguyễn Hòa:Phần đầu câu hỏi làm tôi rất khó trả lời, vì ở Việt Nam đã có “tác phẩm lý thuyết về phê bình văn học” nào theo đúng nghĩa đâu, chủ yếu là các cuốn sách lý thuyết để nhà phê bình tham khảo và có thể vận dụng nếu thấy hữu ích. Hình như tôi ít chịu ảnh hưởng của các nhà phê bình, tuy nhiên tôi hâm mộ phong cách nghiên cứu của các học giả như Trần Đình Hượu, Đoàn Văn Chúc, Phan Ngọc... và gần với tôi hơn về tuổi tác là các anh Lê Ngọc Trà, Trương Đăng Dung, Cao Tự Thanh, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn...
Từ họ, tôi rút ra “kiểu” làm việc riêng của mình là đọc kỹ rồi đi tìm ý tưởng về tác phẩm và luận giải ý tưởng ấy trong bài phê bình. Song dù sao đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan về bản thân, còn để nói tường tận, có lẽ phải nhờ tới đồng nghiệp và người đọc.
Vương Trí Nhàn: - Tôi không quan tâm lắm tới các trường phái mà chỉ đọc kỹ một hai tác giả cụ thể. Người để lại ảnh hưởng nhiều nhất với tôi là nhà nghiên cứu người Nga M.M.Bakhtin (1895-1975), tác giả cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski mà tôi có tham gia dịch một phần.
Phạm Xuân Thạch: - Có thể nói là khá nhiều. Nhưng hiện nay tôi đang bị choáng ngợp trước bản dịch Bản mệnh của lý thuyết của A. Compagnon do hai vị giáo sư khả kính là Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào thực hiện. Đó là một cuốn sách tuyệt diệu và một bản dịch tuyệt diệu.
Tuy nhiên, thật ra thì những người tác động mạnh đến tôi lại không phải là nhà phê bình mà là nhà nghiên cứu: Trần Đình Hượu và Trần Ngọc Vương. Tôi có những vận động khác họ, chẳng hạn như hành trình của tôi qua các lý thuyết nghiên cứu mang tính hình thức về văn chương.
Nhưng tôi khâm phục họ trong khả năng hóa thân và sự đồng cảm với tác giả và tác phẩm. Tôi gặp họ trong cái đích của một lối đọc: không bị đóng khung trong những mân mê hình thức. Thú thực, lối đọc của tôi là một lối đọc mang tính xã hội học. Và còn một điểm nữa, tôi mong muốn trở thành một nhà phê bình Mác xít đích thực. Tôi vẫn đang đọc Eagleton, Adorno và Bourdieu.
Hoài Nam: - Tôi có thể tự tin mà trả lời rằng những tác phẩm lý thuyết quan trọng nhất về PBVH đã xuất bản bằng...tiếng Việt thì tôi đều đã đọc. Nói như vậy để thấy rằng sự không tự tin của tôi cũng to lù lù, vì rằng đọc được chỉ đến thế là quá ít, quá thiếu đối với hành trang cần phải có của một người định làm phê bình nghiêm túc.
Với một số người nào đó, nếu bảo anh ta chịu ảnh hưởng của nhà phê bình/ trường phái phê bình nào đó thì đôi khi bị xem là một sự... coi thường, nhưng với bản thân tôi, đó là cả một sự sang trọng!
Vì, để “bị” ảnh hưởng, điều kiện tiên quyết là phải hiểu cho đúng, hiểu cho đủ nhà phê bình/trường phái phê bình ấy. Mà, hiểu được những Bakhtine, Lotman, Todorov, Barthes, v.v., theo tôi, là điều sẽ khiến đa phần các nhà PBVH ở ta hiện nay còn phải tốn cơm tốn gạo (ấy là nói những ai chịu đọc!). Những tên tuổi phê bình mà tôi vừa kể trên (tất nhiên còn có thể liệt kê thêm nhiều người khác nữa) uyên bác và phức tạp khủng khiếp. Tôi không chịu ảnh hưởng của họ, đơn giản vì tôi hiểu họ quá lỗ mỗ!
Phạm Xuân Nguyên: - Hiện tại tôi đang đọc lý thuyết văn chương hậu hiện đại. Ảnh hưởng mà tôi thu được ở các lý thuyết phê bình là ảnh hưởng tổng hợp. Phương pháp phê bình của tôi là phương pháp văn bản. Tôi chỉ đọc văn bản và viết theo cách tôi đọc văn bản đó.
Phương pháp là... không có phương pháp nào hết!
Nguyễn Hòa:Từ tiếp cận văn hóa - văn chương, đi tìm các lý do dẫn tới sự ra đời của tác phẩm, kết hợp với việc luận giải về những hay - dở của tác phẩm từ góc nhìn của một (vài) lý thuyết nào đó, xác lập những mối liên hệ giữa tác phẩm với “sinh quyển” văn hóa - văn chương của nó.
Phạm Xuân Thạch: - Tôi rất thích câu nói sau của Engels: "(Nhưng) không ai chiến thắng nổi một triết lý bằng cách tuyên bố đơn thuần rằng nó sai. Phải hiểu nó và vượt nó đúng theo lôgích nội tại của nó, nghĩa là phê phán để gạt bỏ khía cạnh hình thức của nó nhưng vẫn giữ lại nội dung mới mà nó đã đạt được". Nói rộng ra, điều đó không chỉ đúng với triết học. Phê bình nghĩa là đọc.
Tôi nghĩ rằng một cuốn sách có một lôgích nội tại của nó. Việc của nhà phê bình là xem xem nhà văn có đi đến cùng cái lôgích đó không, nếu có, cái anh ta viết sẽ là cái gì, nếu không, sẽ là cái gì. Và như vậy là chúng ta sẽ đánh giá cuốn sách bằng chính chuẩn mực của nó.
Vương Trí Nhàn: - Với tôi, viết phê bình là nhìn đời sống văn học như một phần cuộc đời đang diễn ra chung quanh; nhìn mỗi tác giả như một con người cụ thể, và tôi phải viết làm sao để, qua tác giả đó, không chỉ các nhà văn mà những người làm nghề khác cũng thấy những vấn đề của họ.
Ví dụ, có lần tôi viết 50 trang về Xuân Diệu (bài trong tập Cây bút đời người). Một ông thứ trưởng về hưu bảo tôi: trong g iới cán bộ lão thành, khối ông sống như Xuân Diệu mà anh đã viết. Tôi thấy đã có người hiểu cho mình thế là được rồi.
Đấy là phương pháp tổng quát. Còn ngón nghề cụ thể thì muôn vàn, mỗi trường hợp lại tìm ra một cách khác.
Hoài Nam: - Khi đã không có khả năng đi được tới cùng trong nhận thức về lý thuyết của các trường phái, điều dễ hiểu là chẳng ai dại gì lại quyết liệt thao tác với loại công cụ mà mình còn lúng túng. Trước một tác phẩm văn học, tùy vào phẩm tính của nó và tùy vào sự hiểu biết cá nhân, tôi có thể tham khảo phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc, phê bình ngôn ngữ, phê bình huyền thoại... nhưng không chủ vào bất cứ phương pháp nào.
Nếu có thể miễn cưỡng nói tới một lực hấp dẫn cơ bản, thì với tôi, đó vẫn là phê bình xã hội học - dù rằng phương pháp này cũng chẳng đơn giản chút nào. Bởi một xác tín: văn chương sẽ chẳng là gì cả nếu nó không là một dấn thân xã hội của nhà văn!
|