Cuộc khai quật khảo cổ mới đây ở ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, Châu Thành A, Cần Thơ, đã tìm ra dấu vết về ngôi nhà sàn 1.750 năm tuổi của cư dân Óc Eo, cư dân bản địa cổ xưa nhất của vùng Nam Bộ. Tiến sĩ Phạm Như Hồ, Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), nói về cuộc khai quật này.
Xin ông nói rõ hơn về 14 chiếc cọc tìm thấy trong cuộc khai quật lần này, chúng có gì đặc biệt so với những chiếc cọc đã được tìm thấy trước đây?
Thực ra, những chiếc cọc gỗ như thế này (đường kính khoảng 20-25 cm, dài 1,5m) đã được tìm thấy khá nhiều và hiện nay vẫn đang được trưng bày tại hầu hết các bảo tàng tại Nam Bộ. Hiển nhiên chúng là những chiếc cọc rồi, vì đều có đầu nhọn cắm xuống đất, nhưng là cọc gì, có phải cột nhà không, thì trước cuộc khai quật này không ai dám khẳng định. Người thì bảo đây là cọc đóng xuống sông để neo thuyền bè, người thì bảo đây là cọc đáy để giăng lưới... Nhưng tới bây giờ thì mọi việc đã rõ: Tổng cộng cả hai đợt khai quật đã tìm thấy 30 chiếc cọc, trong đó có những chiếc có lỗ mộng được đục rất chuẩn, rõ ràng đây là những chiếc cột nhà có chỗ gắn với các kết cấu ở bên trên...
Điều gì khiến ông chắc chắn rằng đây chính là kiến trúc nhà sàn?
Có một chứng cứ nữa ở một đìa nuôi tôm liền kề hố khai quật, chúng tôi đã tìm thấy hai cây cầu thang bằng gỗ dài ngắn khác nhau còn nguyên vẹn. Nó không khác nhiều lắm so với những cây cầu thang nhà sàn ở Tây Nguyên: được làm từ một thân cây gỗ lớn (đường kính tới 40cm), khá đơn giản, mặt trên được chặt thành từng khấc để làm bậc đi lên. Rõ ràng ta có thể hình dung sự liên hệ giữa nó với những cột gỗ kể trên trong một kiến trúc nhà sàn...
Năm ngoái người ta còn nghi ngờ về những chiếc cọc này bởi những kiến trúc gỗ nếu không bị cháy hoặc bị lấp vùi thì ít khi có thể tồn tại tới 2000 năm như thế?
Một chiếc cọc có lỗ mộng vừa được chúng tôi đưa vào xét nghiệm C14, kết quả rất khớp với dự đoán, chiếc cọc có niên đại là 1.750 năm.
Với những phát hiện về nhà sàn của người Đông Sơn (miền bắc) từ nhiều năm trước, gần đây (năm 2001) lại phát hiện dấu vết kiến trúc nhà (sàn?) của người Sa Huỳnh (miền trung) ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Theo ông, nhà sàn Óc Eo có những đặc điểm gì khác so với nhà sàn ở các vùng miền khác?
Vì những chiếc cọc này vẫn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa, nên chúng tôi đã có thể hình dung về quy mô, kết cấu, khẩu độ, và hướng của nó. Từ khoảng cách của hai chiếc cọc có lỗ mộng (cùng hướng), chúng tôi đã nhận biết được khẩu độ của một gian nhà, đo được là 6,4m. Con số này cho thấy mỗi gian nhà của cư dân Óc Eo được thiết kế tương đối rộng rãi. Vì người Phù Nam thường sống trên sông nước, nên ngôi nhà của họ có hệ thống cọc sàn rất chắc chắn và phải nói khá đồ sộ để có khả năng chống chọi với lũ lụt. Còn phần mái bên trên thì có lẽ tương đối sơ sài. Điều này rất khác với nhà sàn Đông Sơn....
Được biết tại đây còn tìm được xương cốt của một bé gái 10 tuổi sống cách đây hàng nghìn năm. Liệu em bé có phải là người đã sống trong những ngôi nhà sàn kể trên hay không?
Như tôi đã nói, tuổi của ngôi nhà sàn nói trên vào khoảng 1.750 năm, ứng với giai đoạn sớm của người Phù Nam cổ (Thế kỷ 2-5). Ở giai đoạn này, người dân thường sống trên những ngôi nhà sàn nối trên sông nước. Họ chưa làm nông nghiệp, sống chủ yếu bằng đánh cá (tìm thấy rất nhiều dụng cụ như chì, lưới), và làm nghề kim hoàn (phát hiện những khuôn đúc hoa tai, vòng đeo tay, chuỗi hạt...). Sau này bắt đầu quá trình biển lùi, các doi đất nổi lên, người Phù Nam mới chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi gia súc, và bắt đầu ở nhà đất, giã từ cuộc sống lênh đênh với những ngôi nhà nổi trên sông nước. Họ định cư ổn định lâu dài trên một khu vực, và chết thì cũng chôn ngay tại đấy. Mộ của bé gái kể trên là thuộc giai đoạn muộn này (Thế kỷ 5-7) khi người Phù Nam đã lên bờ ở nhà đất. Chúng tôi không chỉ xác định tuổi của em bé đoản mệnh (10 tuổi) mà còn biết được rằng em có nhóm máu A (theo kết quả giám định ADN).
Để tiếp tục làm rõ đời sống của những cư dân ở nhà sàn đầu tiên của Nam Bộ này theo ông cần phải làm gì trong thời gian tới?
Cả hai đợt, chúng tôi mới chỉ đào được 100m2. Trong khi đó cả khu di chỉ này (gồm các khu vực bến bãi, mộ táng, đền tháp, nhà ở) dài khoảng 1 km, rộng 500m, đã là đất ruộng vườn của người dân... nên chúng tôi rất khó khăn trong việc mở rộng khai quật. Mỗi lần đào một hố con con (50m2) ở ruộng, bà con cũng "bắt đền" cả 4.000m2 xung quanh.... Chính vì thế, chúng tôi vừa kiến nghị tỉnh Cần Thơ phải vào cuộc, mua lại những diện tích có tiềm năng khảo cổ lớn ở đây (chỉ mất độ 20 triệu đồng) thì độ ba - bốn năm là chúng tôi sẽ làm lộ diện toàn bộ đời sống của người Phù Nam ở Nhơn Thành.
(Theo TTVH)