 |
Ảnh Minh hoạ |
|
Tết đến, nhà nào chẳng treo đèn, kết hoa, sửa sang bàn thờ, lo những chậu quất cành đào, cỗ bàn cho thật ưng ý. Nhưng tết lại cũng không thể thiếu câu đối xuân được.
Câu đối có từ lâu, gốc gác từ Trung Quốc. Người Trung Hoa gọi câu đối là "Doanh liên" hoặc "Doanh thiếp", dân thư từng gọi là câu đối (đối tử). Làm câu đối không quy định chữ, dài ngắn đều được, có điều phải tuân theo một số quy định như đối phải chỉnh, phải đúng lối bằng, trắc và các lối đối như câu tiểu đối (bốn chữ), câu đối thơ (năm chữ hoặc bảy chữ), câu song quan, gồm hai câu đối nhau, mỗi câu là một đoạn văn liền, từ năm chữ đến chín chữ.
Câu cách cú, có hai vế, mỗi vế gồm hai đoạn đối ngắn dài tiếp nhau (Ví dụ: Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới. Đá xanh xây cổng, hòn dưới nống hòn trên). Câu gối hạc (hạc tất) mỗi vế có từ ba đoạn trở lên như chân con hạc (Ví dụ: Nào thuở trước dưới rừng cây nghe nhạc ngựa, thấp thoáng bóng dù dáng kiệu, những than dài chí cả trượng phu. Mà đến nay ngồi bệ ngọc ngắm tranh người, xôn xao đầu mũ gót hài, lại làm khoảnh ngôi sang hoàng đế)…
Câu đối lại cần có người viết chữ, chữ đẹp thì càng đắt giá Câu đối tết là một thú chơi đặc biệt, thường được nhà nhà treo trước cửa, mừng xuân mới, với những mong ước an hòa, hạnh phúc của từng nhà.
Theo học giả đời Thanh Trần Vân Đạm thì: "Câu đối tết có từ thời Thái tổ nhà Minh Chu Nguyên Chương, nhà vua định đô ở Kim Lăng, đêm ba mươi tết truyền chỉ: Các vị công khanh, học trò, dân thường, nhà nào cũng phải có câu đối tết dán ở cửa nhà. Các học giả đời sau cũng cho rằng câu đối tết trở thành phổ biến là từ đầu đời Minh.
Người dân Trung Quốc thường lại nhớ đến bài thơ nổi tiếng "Nguyên Đán" của Vương An Thạch đời Tống. Thơ có nhắc đến chuyện câu đối tết như sau: "Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ. Xuân phong tống noãn nhập Đô Tô. Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật. Tổng bả tần đào hoán cựu phù", nghĩa là: "Pháo trú kêu vang hết một năm. Rượu Đô Tô uống đón mừng xuân. Hơi xuân nồng hậu, muôn nhà sáng. Thẻ đào tống cựu, đón bình an”.
Thẻ đào chính là câu đối. Nhưng có nhà nghiên cứu thì cho là câu đối xuân đã có trước đó nhiều. Trương Đường Anh đời Thanh cho câu đối xuân có trước cả đời Tống. Có người lại dựa vào giai thoại của Vương Hy Chi về câu đối của ông nhân ngày tết, thì chủ trương câu đối xuân phải có từ đời Tấn.
Chuyện đó như sau: Có một năm nhà thư pháp trứ danh Vương Hy Chi chiều ba mươi tết, cho treo đôi câu đối chữ rất đẹp. Nhưng ai đến xem thưởng thức thì đều không hiểu sao ông lại chơi đôi câu đối tết thế này. Xem ra, toàn chuyện không hay. Vế một là Phúc vô song chí (Phúc không đến hai lần), vế hai là Họa bất đơn hành (Họa chằng đi một mình). Đọc rồi mọi người đều cau trán bỏ đi. Nhưng đến hôm sau, phần gỗ đào ở phía dưới mới được Vương Hy Chi viết tiếp, toàn văn như sau:
Phúc vô song chí, Kim triêu chí
Họa bất đơn hành, tạc dạ hành
Nghĩa là:
Phúc không đến cặp, sớm nay đến
Họa chẳng đi xuống, tối trước đi
Thì lại là đôi câu đối thật hay, vừa ỡm ờ lại vừa độc đáo…
Trong từ điển Trung Quốc thì chép theo sách cổ Sơn hải Kinh: "Câu đối bắt đầu từ tục làm đào phù (thẻ đào). Ngày trước, dân Trung Hoa, tết đến dân chúng thường lấy gỗ đào khắc lên hai vị thần là Trần Trà và Quách Lũy, treo ngoài cửa để đuổi tà ma gọi là đào phù (thẻ đào hoặc bùa đào).
Sau đó thay bằng giấy vẽ lên, cho đến đời Hậu Thục thì phát triển thành câu đối. Người có câu đối đầu tiên treo ở đời Hậu Thục là Mạnh Xưởng. Đó là câu: “Tân niên khai dư khánh, Giai tiết hạ trường xuân" nghĩa là "Năm mới bày tiệc lớn. Tiết đẹp mừng xuân dài”…
Ở Việt Nam, tục chơi câu đối tết ở những thế kỷ trước cũng khá phổ biến. Câu đối cửa miệng nói điều ngày tết, nhà nào cũng có là:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tết xưa, câu đối gánh về bán tận làng, hoặc bày bán trong các cửa hàng ở chợ tết. Thường thì ngày tết, nhà giàu, mua thêm đôi câu đối hay trang hoàng hoặc thờ trong nhà câu đối thường làm bằng gỗ tốt, sơn then hoặc sơn son, chữ vàng, được ban sẵn, phần lớn là trên gỗ phẳng, cũng có khi hình cong ốp vào cột, nổi bật hơn. Câu đối chơi có khi khắc họa văn điểm tô ở đầu và chân từng vế, còn hình thức thì khắc theo hình qủa bầu, quả bí khá đẹp. Có đôi còn khảm trai, khá đắt tiền…
Những người hay chữ, tết đến thường dùng mực nho tốt, giấy điều, tự nghĩ ra câu đối mình ưng, hợp với cảnh nhà mình mà viết ra...
Câu đối tết xưa được lưu truyền cũng có nhiều câu khá hay như của Nguyễn Công Trứ:
*Chọc trời ngất một cây nêu, hết tối ba mươi, gì cũng hết Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một, thế là xuân.
*Tối ba mươi, nợ hỏi tít mùa, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà…
Của Nguyễn Khuyến:
*Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang
*Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
Tóc râu them một sợi tuổi trời cao.
Của Trần Tế Xương:
*Đì đẹt, ngoài xân, tràng pháo chuột
Lập loè trên vách, bức tranh gà
*Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi…
Có người lấy thơ Đường ra viết câu đối, được câu rất hay, thờ cũng được mà chơi tết cũng được:
Hiền giả quý vị đức
Thanh sơn sắc tự xuân
(Người hiền quý vì đức
Núi xanh sắc tự xuân).
Thông thường dân chúng thường mua hoặc viết đôi câu đối tết, cầu phúc lộc cả năm như sau:
Nhân tăng phú quý nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
Nghĩa là: Người thêm giàu sang, người thêm thọ. Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà…
Ngày nay, nhiều nhà thư pháp, dân chúng vẫn còn thú chơi câu đối tết. Không những câu đối bằng chữ Hàn mà còn viết bằng chữ Việt nữa khá bay bướm. Nhiều tờ báo tết, mục câu đối cũng là một nhu cầu của bạn đọc, không thể thiếu được.
Bùi Hà - (Theo An ninh thế giới)
|