Sau khi có những ý kiến khác nhau về đề thi và đáp án môn Văn khối D , TS đã có trao đổi với những giáo viên đang trực tiếp chấm thi môn này. Tổ trưởng tổ ra đề thi khẳng định dùng khái niệm là tuỳ theo cảm nhận của người dùng, trong khi những ý kiến đóng góp khác cho rằng đề thi không thể dùng khái niệm một cách cơ giới, theo quán tính. Tuy nhiên, các ý kiến này đều khẳng định: việc chấm bài sẽ không "cứng" theo đáp án mà sẽ bảo vệ quyền lợi của thí sinh.
Chấm văn không "cứng" như đáp án
GS. Lê Văn Lân, tổ trưởng tổ ra đề thi, Bộ GD - ĐT:
Về nguyên tắc chấm là tổ chấm thi sẽ thảo luận đáp án và đề xuất cách chấm. Nhưng trường hợp chấm bài văn chương thì đáp án không quy định đóng khung mà phải định hướng và định tính cho người chấm. Như vậy, đáp án sẽ có độ mở nhất định. Ngoài ra, không có đáp án nào như đáp án của môn Văn, đã có phần lưu ý chung ở phía dưới.
Trong sách giáo khoa hướng dẫn học 2 bức tranh, còn trường hợp học sinh nói đến nhiều bức tranh thì khi chấm mới cần đến chuyên môn nhiều hơn, trường hợp đó có hiện tượng người cho điểm cao, người cho điểm thấp, lúc đó sẽ có người thứ 3, đọc và khép điểm của 2 người. Tôi nói thật, khi chấm thi, việc chấm oan cho học sinh cũng có, vì nhiều người chuyên môn chênh lệch, nên có khi 1 bài phải chấm 3 người. Để tránh sơ suất, các trường hợp thế này phải lường trước.
GS Trần Ngọc Vương, cán bộ chấm thi môn Văn, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)
Khi chấm, các thầy không câu nệ vào đáp án. Người chấm văn có mẫn cảm riêng, đó là sự cân bằng động để thẩm thấu văn chương. Ngay cả người ra đề cũng có thể chưa hình dung được các khả năng của đáp án. Có đáp án mạch lạc thì khi đối thoại của cặp chấm sẽ thuận tiện hơn.
Chúng tôi đã từng chấm nhiều bài của sinh viên có ý tưởng mà không có trong đáp án. Khi đưa ra hội đồng, đọc lên ai cũng nhất trí cho bài làm này được 10,5 điểm. Nhưng suy đi tính lại, chúng tôi lại cho 9,5 điểm. Ở đây cũng có một lưu ý, báo chí có đặt vấn đề thí sinh có thể bị mất 5 điểm nhưng thực ra, sẽ không có thầy giáo nào chấm như vậy cả.
Thạc sỹ Phạm Thành Hưng, cán bộ chấm thi môn Văn, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội):
Người chấm thường chấm thăm dò, có thể đọc mỗi trang vài dòng là có thể ước chừng điểm số cho bài văn đó. Đáp án là một sự gợi ý tiếp cận, còn cho điểm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người chấm. Tôi chỉ xem gợi ý khi ước tính bài thi mình đang chấm từ 6 điểm trở lên.
Dùng khái niệm là: Tuỳ theo người nào cảm thế nào thì dùng
Đây là quan điểm của GS Lê Văn Lân khi trao đổi với TS về cụm từ "bức tranh mùa thu" trong đề thi và đáp án. Ông Lân cho biết:
Ở đây có 2 bức tranh rất rõ, đoạn thơ thứ nhất là mùa thu cách mạng qua hoài niệm của nhà thơ. Còn từ câu "Mùa thu nay khác rồi..." tức là mùa thu mà nhà thơ đi vào kháng chiến là mùa thu thứ hai.
Việc dùng khái niệm là tuỳ theo người nào cảm thế nào thì họ dùng. GS Hoàng Như Mai, thầy dạy của tôi thì dùng là hình ảnh mùa thu, chúng tôi dùng bức tranh mùa thu vì có nhiều cảnh, nhiều hình ảnh ghép lại và nó gây ấn tượng thì tôi cứ gọi đây là bức tranh. Không thể hiểu rằng hai khái niệm ấy lại làm lệch đi cách hiểu về đoạn thơ trên.
Thực ra, bức tranh và hình ảnh có khác nhau về sắc độ nhưng không quan trọng lắm. Dùng bức tranh hay cảnh thì nghĩa cũng không phản nhau. Về mặt văn học không nên bắt bẻ nhau. Chẳng hạn có thể nói "cảnh Bờ Hồ đẹp lắm", nhưng người văn vẻ hơn thì nói "bức tranh Bờ Hồ đẹp lắm". Việc dùng từ còn phụ thuộc vào từng người, từ ngữ tạo nên tính cách của anh, miễn anh dùng cho xác đáng.
Đề thi đã dùng khái niệm cơ giới, theo quán tính
Ông Nguyễn Hùng Vỹ và những người có ý kiến đóng góp về đề thi và đáp án cho rằng, không phải họ muốn bắt bẻ và "chẻ" từ ngữ mà chỉ muốn khẳng định: Nếu đã nói đề thi là "bí mật quốc gia", được soạn thảo kỹ và dùng cho hàng triệu thí sinh trong cả nước thì phải đảm bảo sự chặt chẽ và tính khoa học. Mà xét theo yêu cầu này thì chỉ nói riêng ở câu số 2 đề thi môn Văn khối D chưa đạt được.
Giáo sư Trần Ngọc Vương: Dùng khái niệm quán tính, cơ giới
Về mặt ngữ dụng học, bức tranh và hình ảnh khác nhau. Các nhà nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam không có ngoại ngữ để đọc, các khái niệm dùng theo quán tính, đầy cảm tính. Đoạn trích tổng hợp và đồng hiện hàng loạt tâm trạng khác nhau. Dùng từ "bức tranh" trong đề thi là cách dùng "sáo ngữ" , theo cái lối tập làm văn phổ thông, cứ quen đi rồi thành một trạng thái diễn đạt. Về mặt kỹ thuật, đề thi và đáp án
Thạc sĩ Nguyễn Ái Học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Chưa có khái niệm "bức tranh" trong lý luận văn học
Ở đây phải thấy chưa có khái niệm lý luận văn học nào là "bức tranh" trong thi ca cả. Có thể nói là "thi trung hữu hoạ" nhưng không thể đưa khái niệm của lĩnh vực này sang lĩnh vực kia. Trong đáp án, có nhiều chỗ khá lủng củng, thừa và khó hiểu, không logic. Với đề này thì hạn chế hết khả năng, học sinh máy móc sẽ bỏ qua những phần hay nhất. Nói là "phân tích bức tranh", học sinh chỉ chọn cách giải thích hình ảnh mà nương nhẹ các biện pháp nghệ thuật như nhịp điệu, điệp từ, điệp ngữ, v.v...
Theo thông tin mà chúng tôi có được, Bộ GD - ĐT chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này nhưng sẽ tổ chức trao đổi về mặt chuyên môn giữa giảng viên Nguyễn Hùng Vỹ và tổ ra đề thi môn Văn sau thời gian chấm thi nếu thấy cần thiết.
|