Sự kiện và Dư luận:
 |
Cảnh sát giao thông Đồng Nai đang làm biên bản trên mui chiếc xe tải nhỏ (chở học sinh) đã bị xé nát - Ảnh: L.A.Đ. |
Sáng chủ nhật 7-3 khi đọc báo
TS tôi đã bàng hoàng trước tin sáu học sinh lớp 10 Trường TH Trần Quốc Tuấn, Trảng Bom, Đồng Nai chết và 13 em khác bị thương trong tai nạn giữa chiếc xe chở các em và một chiếc xe tải. Đến sáng thứ hai, số các em thiệt mạng đã là bảy.
Nói thật, tôi chỉ nhìn bài báo chi tiết trên TS chứ lòng dạ không nỡ đọc, không thể đọc. Trên trang báo này có lần tôi đã viết là xin đừng hững hờ vô tâm với sự an toàn của các em nhỏ. Vậy mà đây đó luôn luôn vẫn là tin dữ về những cái chết thương tâm của các em. Xin nhắc lại con số thống kê lạnh lùng: cứ mỗi 20 phút có một trẻ em VN chết. Một tiếng có ba em, và một ngày, một năm có bao nhiêu? Thật hãi hùng.
Trở lại chuyện đau lòng ở Trảng Bom, tôi muốn nói đến chiếc xe chuyên chở học sinh định mệnh. Rồi cảnh sát giao thông sẽ kết luận lái xe tải sai ra sao. Ở đây, theo một góc độ khác, chúng ta hãy nhìn lại tất cả loại xe hiện đang được sử dụng cho chuyên chở học sinh và sẽ thấy đó chỉ là những chiếc xe cũ kỹ, thậm chí rách nát bị thải hồi từ cuộc cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường chuyên chở hành khách: khách nước ngoài, xe chất lượng cao, xe khách thường (xe đò), xe buýt...
Vâng, xã hội, nhà trường và cha mẹ đã quá vô tình giao sự an toàn của các em cho những chiếc xe chất lượng thuộc loại thấp nhất. Còn nữa là sự quá tải. Xe thì đã như vậy mà chất trên đó hàng hai chục em và vô tư chạy trên quốc lộ thì quả thật nguy hiểm.
Nhất thiết cần phải tổ chức lại hệ thống chuyên chở học sinh bằng sự cố gắng cao nhất của xã hội và nhà trường rồi mới đến gia đình học sinh. Tôi nói vậy vì trong mọi trường hợp, nhà trường quyết định sao thì gia đình học sinh phải theo, có ý kiến thì cũng chỉ là ý kiến thôi. Có thiếu thì ban giám hiệu nhà trường cũng cần vay vốn Nhà nước đầu tư cho được những xe chuyên chở học sinh vững chắc, tuân thủ nghiêm ngặt những qui định giao thông.
Học sinh là tương lai của nước nhà, là sự chờ mong của gia đình. Cái học của các em mà xã hội chúng ta vẫn thường xác định là chăm lo thì đây, tại sao chúng ta có thể xây trường học cao to mà lại để tồn tại những xe chuyên chở học sinh tệ hại? Năm ngoái cả nước đã mua công trái giáo dục thì đây cần là một khoản mục để cải thiện ngay.
NGUYỄN TRÍ DŨNG
Hãy chấm dứt thảm cảnh này
Đọc bài “Tuổi học trò và nỗi đau xé lòng” (TT, 8-3), tôi giận đến run người và chỉ kịp nghĩ: chiến tranh đã đi xa, sao cái chết tập thể cứ hằng ngày diễn ra trên đất nước này như thế?
Ở nước ta, mật độ tai nạn giao thông cao nhất nhì thế giới. Còn đau lòng hơn khi các nạn nhân tuổi đời còn quá trẻ, bởi đây là lực lượng chính lưu thông trên đường. Ra đi, họ không những mang theo hoài bão của tuổi thanh xuân mà còn chôn vùi cả niềm hi vọng của những người thân yêu nhất.
Hãy hình dung đi, ngày nay mỗi gia đình chỉ sinh 1 - 2 con. Nhiều người con đến tuổi này các bà mẹ đã hết khả năng sinh nở, có người con không những là niềm tự hào của đấng sinh thành mà còn là sự mong chờ của cả một dòng họ. Và ai đó hãy một lần ghé khoa hiếm muộn ở bệnh viện phụ sản để thấy có được đứa con nhiều gia đình phải nhọc nhằn đến thế nào.
Nguyên nhân của thảm họa này đa số do hung thần xa lộ (môtô và xe tải) gây ra. Luật pháp của ta quá nhẹ tay, chưa có mức án cao nhất dù hậu quả họ gây ra làm chết hàng chục người. Mất tài sản ư, tù tội vài ba năm ư, không là gì bởi còn người thì còn của, hết hạn treo bằng sẽ làm lại từ đầu. Để trị các hung thần này, theo tôi, luật pháp phải răn đe mạnh hơn.
Tôi tin nếu pháp luật nghiêm khắc hơn sẽ giảm bớt sự ngông cuồng của một số tài xế, bởi họ ý thức được rằng số phận của mình gắn liền với những số phận đang lưu thông đằng trước mũi xe. Chúng ta không ngại gì cả, bởi bảo vệ tính mạng của người trẻ tuổi lương thiện là việc làm nhân đạo nhất trong tất cả các việc làm nhân đạo.
leha0714@
Một tội ác!
Trên xa lộ ngày nay, bất cứ ngày nào bạn cũng có thể thấy những chiếc xe vận tải nặng hoặc nhẹ, kể cả xe con, gầm rú, giành đường chạy rầm rầm như những con trâu điên. Họ chủ yếu lấy thịt đè người bất chấp hậu quả. Đồng tiền và lợi ích cá nhân đối với họ là trên hết. Tịch thu bằng lái xe là không đủ mạnh để răn đe những người này.
L.N.V
Tai nạn cho học sinh, CSGT Đồng Nai ở đâu?
Đoạn quốc lộ 1 đi ngang qua tỉnh Đồng Nai có thể nói là đoạn đường tử thần, nhất là từ ngã ba Tam Hiệp đến ngã ba Dầu Giây. Ai thường đi qua con đường này đều phải rùng mình vì chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, bằng chứng là trên mặt đường luôn chằng chịt vết sơn đánh dấu tai nạn giao thông. Điều đáng nói là đoạn đường này rất ít khi thấy cảnh sát giao thông Đồng Nai tuần tra, nên các phương tiện giao thông vi phạm luật vẫn ngang nhiên lưu thông mà không bị xử lý.
Tôi thường xuyên đi qua đoạn đường này và thấy một chuyện buồn liên tục tiếp diễn là CSGT cứ chốt chặn các điểm tại ngã ba Dầu Giây, trạm cân Trảng Bom và Khu công nghiệp Biên Hòa nhưng họ chỉ chặn xe lại rồi tài xế vào đưa cái gì đó..., chứ hiếm khi thấy CSGT đứng ra phân luồng hoặc điều khiển các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.
NGUYỄN THÙY XUÂN
Tính đến 16g ngày 8-3-2004, bạn đọc TS đã đóng góp 42.780.000 đồng và 100 USD cho gia đình các em nạn nhân vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 ở Đồng Nai ngày 6-3.
Trong đó, gia đình nhà may Liên Hương đóng góp 20 triệu đồng, bạn đọc Thái Việt ở Q.3, TP.HCM đóng góp 5 triệu đồng. Chúng tôi sẽ chuyển sớm số tiền này đến tận tay gia đình các nạn nhân.
|