Lâu nay chúng ta luôn bàn đến vấn đề cải cách giáo dục, cải cách phương pháp dạy và học.v.v… Nhưng tôi thấy, hình như (rất mong chỉ là hình như) phần bàn luận lý thuyết thì nhiều, song phần thực hành thì cần xem lại.
![]() |
Ánh mắt trẻ thơ |
Đối với bậc tiểu học: Ngày trước, trẻ con trước năm tuổi vẫn đi nhà trẻ, mẫu giáo; sáng đi chiều về. Ở lớp các cháu được cô dạy hát, dạy múa... phù hợp với lứa tuổi. Tối về nhà, các cháu chỉ mỗi việc tắm rửa, ăn và chơi đùa với gia đình. Ngày nay, (tôi xin được nói là vào thời điểm này), khoảng thời gian sinh hoạt với gia đình vào buổi tối hầu như bị mất, vì các cháu phải đi học thêm để chuẩn bị… vào lớp một?!
Chuyện xin vào lớp một đã là một cửa ải khó khăn đối với các bậc phụ huynh (xin được không bàn luận ở đây). Đến khi vào được rồi thì tất cả các cháu đều phải… biết nhận mặt chữ cái và biết viết? Cháu nào không biết thì coi như… bị tụt hậu! Và, có cháu sợ phải đi học vì bị cô la là không biết đọc?
Như chúng ta đã biết, lớp một là lớp mà con trẻ được cô giáo tập viết; tập đánh vần; tập đi ngay hàng, thẳng lối… Nói chung, đây là khối lớp được đánh giá là khó nhất đối với giáo viên. Tất cả những gì cô giáo truyền đạt đều có ảnh hưởng rất lớn đến cách viết, đọc và cả phong cách cư xử của trẻ sau này. Có trẻ về nhà đọc dấu hỏi và dấu ngã lộn tùng phèo
Tóm lại, vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây: Chúng ta đừng bắt con trẻ sớm phải “đua nước rút”, thi thố "bon chen" ngay khi chúng chưa bước vào học lớp một như vậy. Hãy để chúng được phát triển bình thường, vui chơi bình thường như “bản chất” vốn có lứa tuổi của chúng. Hãy để cô giáo lớp một dạy học sinh như các cô giáo dạy chúng ta thủa xưa. Xin đừng để những buổi học đầu đời trở thành nỗi khiếp hãi trong đôi mắt trẻ thơ (và cả người lớn) mỗi khi nhắc đến chuyện học hành!
Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Thú thực, tôi cảm thấy rất lo và bức xúc cho con cái của chúng ta về vấn đề này (và còn nhiều, nhiều những vấn đề khác nữa)!
-
Hoàng Lan