 |
CLB Nam Định mang tên nhà tài trợ gạch men MIKADO ở V - League 2007. |
|
Cái nền móng quá yếu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ trở về thời kỳ cũ khi không có… tiền. Bóng đá chuyên nghiệp phải có tiền. Làm bóng đá chuyên nghiệp là để có thêm nhiều tiền, nhưng cái lý thuyết ấy hoàn toàn chỉ là ước mơ khi cứ sau một mùa giải, những người có trách nhiệm ở các CLB lại chạy ngược, chạy xuôi tìm nguồn tài chính cho đội bóng trụ lại thêm một năm nữa.
Trên thực tế, dù giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam đã đi được 7 năm, nhưng cái khó lớn nhất mà những người làm bóng đá Việt Nam vẫn chưa tìm được ra hướng giải quyết, đó là làm sao có đủ tiền để tiếp tục thêm một mùa bóng nữa. Khả năng quản lý cầu thủ của các CLB có giới hạn. Tiêu cực không có dấu hiệu sút giảm. Lương cầu thủ tăng lên không đi kèm với thu nhập từ tiền tài trợ. Số CLB do doanh nghiệp quản lý có xu hướng đứng lại và giảm đi. Các CLB có tên doanh nghiệp “so kè” cùng tên đội bóng ngày càng “biến chất” từ doanh nghiệp tư nhân thành doanh nghiệp Nhà nước, tài trợ theo kiểu “hữu hảo”. Tỷ suất xem truyền hình bóng đá nội giảm sút thê thảm, và cuối cùng là số lượng khán giả đến sân hạn chế tới mức tối thiểu.
Nói cách khác, sau 6 năm làm chuyên nghiệp, lương cầu thủ thì tăng lên, nhưng mọi thứ khác lại đi xuống, kể cả khán giả. Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp là thứ bóng đá đem lại tiền, thì việc sút giảm khán giả là thứ… mất tiền đầu tiên.
Đấy là một thực tế đáng báo động. Người ta tưởng rằng, với sự xuất hiện của GĐT.LA và HAGL, những công ty trong lĩnh vực tư nhân, đầu tư vào bóng đá chuyên nghiệp ở những năm đầu thì sẽ có thêm những doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, chỉ mới có thêm Hòa Phát gọi là dám đầu tư căn bản cho bóng đá. Kiểu như Hà Nội ACB chỉ là đầu tư nửa chừng, còn các loại hình như Becamex, Khatoco… đều chỉ là những doanh nghiệp Nhà nước tham gia bóng đá theo kiểu “đóng góp cho tỉnh nhà”. Còn như Thép Miền Nam cũng chỉ là kiểu quảng bá hình ảnh của một tổng công ty Nhà nước mà thôi. Những thương hiệu hàng đầu Việt Nam đều chỉ đổ tiền theo kiểu làm quảng cáo một mùa, hai mùa cho vui. Thấy hiệu quả thì làm tiếp, không hiệu quả thì rút lui và đa phần đều tuyên bố: Tiền mất - tật mang.
Thế nên, chưa thấy ai… chạy tới với bóng đá hồ hởi và quyết tâm như kiểu của Gạch, của Gỗ. Cái kiểu tài trợ nửa mùa ở các đội bóng bây giờ có khác gì hồi bóng đá bao cấp, hoàn toàn không có căn cơ, và “thể trạng” của các CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn trông chờ khá nhiều vào “bầu sữa” Nhà nước cho dù nó được “núp” dưới nhiều kiểu tài trợ khác nhau.
Thế nên, cứ chuẩn bị cho mỗi mùa bóng là các CLB lại lo sốt vó: tiền đâu mà thi đấu thay vì nghĩ năm nay thu được bao nhiêu tiền.
Mọi thứ chỉ vừa chạy, vừa xếp hàng hết ngày này qua ngày nọ chứ chẳng có chút định hướng. Thế thì làm sao làm được bóng đá chuyên nghiệp!
Có một chuyện khá khôi hài, cứ mỗi khi chuẩn bị lên kế hoạch tài trợ là tưởng rằng các đội bóng đang kiểm tra nhân khẩu vậy. Đại để như thế này: lên danh sách những doanh nhân có gốc gác ở tỉnh nhà hiện đang làm chức to tại những tổng công ty. Cứ nhắm vào đấy mà vận động “tình quê hương bản quán” để các vị ấy thuyết phục công ty đổ tiền cho đội bóng quê nhà. Trường hợp của Nam Định hồi “kết duyên” với Sông Đà là ví dụ rất cụ thể: Khi ông Đinh La Thăng còn làm Tổng Giám đốc, Sông Đà hồ hởi rót đến 4 tỷ mỗi mùa. Khi ông Thăng rời chức vụ thì Sông Đà cũng chia tay luôn. Rồi khi ông Thăng nắm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Petro Viet Nam, Nam Định được hưởng lợi khi Đạm Phú Mỹ (một công ty con của Petro Việt Nam) rót cho 7 tỷ đồng.
Nói chung, toàn chuyện quan hệ, “vận động” nhờ sự ủng hộ cả chứ chẳng có chút gì gọi là chuyên nghiệp, thành ra ở nhiều đội bóng chẳng có lấy bóng dáng một chuyên viên vận động tài trợ nào. Người đứng mũi chịu sào chuyện tiền nong chính là các vị Giám đốc (Phó Giám đốc Sở) kiêm Trưởng đoàn bóng đá.
Vẫn cứ tiếp tục chạy
Cho dù các doanh nghiệp hoàn toàn quay lưng, nhưng theo diễn biến trong cách điều hành bóng đá chuyên nghiệp của VFF thì rõ ràng, sự chờ đợi một ngày mai tươi sáng quá lâu sẽ khiến các doanh nghiệp nản.
Theo thông tin của chúng tôi có được, bản thân các đội bóng hăng hái nhất trong chuyện làm bóng đá chuyên nghiệp cũng đang lên kế hoạch rút lui… có điều kiện. Theo những doanh nghiệp này thì nếu 1-2 năm tới, nếu không có thêm doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thành lập các CLB chuyên nghiệp thì họ sẽ rút lui vì cảm thấy quá “cô đơn”. Hơn nữa, nếu xem bóng đá chuyên nghiệp là nơi để kinh doanh, thì việc chỉ có vài doanh nghiệp làm bóng đá sẽ làm cho môi trường làm ăn thiếu đi nhiều cơ hội.
Các doanh nghiệp là thế, nên những người quản lý các CLB còn mệt mỏi hơn. Sự rành rỏi của các doanh nghiệp khiến những nhà quản lý phải uyển chuyển hơn chứ không đơn giản chỉ là quan hệ. Có những buổi nói chuyện tưởng rằng đã đi đến kết luận, nhưng sau đó, khi đọc hợp đồng thì những nhà quản lý các CLB mới thấy lo. Như trường hợp ràng buộc thứ hạng tại V-League của Tài chính dầu khí với SLNA. Nếu đá đấm không tốt, tiền mất như chơi. Thép Pomina dù nặng tình quê hương với Tiền Giang cũng phải chia tay sau khi đội bóng rớt hạng.
Không ai có thể bỏ tiền một cách vô tội vạ trong thời buổi nhà nhà niêm yết trên thị trường chứng khoán thế này, dù cái tình thì vẫn có...
Kỳ 1: Ai mua đội bóng ? Tôi bán !
(SGGP)
|