![]() |
Cái chết của cua-rơ Đỗ Xuân Tâm cho thấy vẫn còn hàng loạt bất cập trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games. |
1. Nhưng ác nghiệt thay, mới chỉ đang đi trên con đường dẫn tới trận chiến lớn ấy, chúng ta đã phải gánh chịu những mất mát quá sức tưởng tượng! Ngày 16/6/2003, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã ngã xuống sau hơn 3 tháng nằm liệt giường, xuất phát từ một tai nạn trên thao trường . Anh là Trần Thanh Ngời, 22 tuổi, gương mặt ưu tú của đội tuyển judo VN, hy vọng vàng của TTVN ở hạng cân 55kg. Chấn thương đốt sống cổ đã khiến Thanh Ngời từ một thanh niên cường tráng trở thành một ông già hom hem trước khi trút hơi thở cuối cùng . Trên cả sự xót xa, chàng trai Đồng Tháp đã để lại nỗi trăn trở cho không chỉ riêng ai, đồng thời gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho những người có trách nhiệm.
Vậy mà chỉ 4 tháng sau, vào ngày 10/10 mới đây, nối gót Trần Thanh Ngời, chiến sĩ thứ hai đã vĩnh viễn không bao giờ còn được chứng kiến trận đánh lớn của cuộc đời mình nữa. Anh là Đỗ Xuân Tâm, tuyển thủ xe đạp người TP.HCM, đã quỵ xuống trước vạch đích
Xen giữa hai người đồng nghiệp xấu số là nữ đô vật Lê Thị Huệ . Nói rằng cô may mắn hơn họ vì dù sao cô đã không phải trả giá cho sự nghiệp của mình bằng một cái chết. Thế nhưng, từ một thiếu nữ sức vóc dồi dào, giờ đây Huệ đã trở thành một phế nhân trên giường bệnh mà từng bước đi, hầu hết mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân.
Hai chiến sĩ hy sinh và một người mãi mãi là “thương binh” hạng nặng. Đó là sự mất mát quá lớn và vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả chúng ta. Sau mỗi lần như vậy, những bài học cũ dường như vẫn chưa tìm được lời giải xác đáng, ngoài sự bàng hoàng, hốt hoảng và câu nói lặp đi lặp lại như một điệp khúc: đã rút ra một bài học xương máu!
2. Những người phải chịu trách nhiệm về mất mát của Đoàn TTVN trước trận chiến lớn khó có thể tìm ra lý do để biện minh cho hàng loạt bất cập dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thật vậy, nếu như chấn thương trong tập luyện của Trần Thanh Ngời, Lê Thị Huệ còn được xem như những biến cố bất ngờ không thể lường trước trong tập luyện thì cái chết của Đỗ Xuân Tâm sẽ được giải thích ra sao? Người ta cho rằng, thời tiết nắng nóng và áp lực tâm lý căng thẳng đã khiến anh qụy ngã trong nỗ lực "chỉ còn một chút thôi" là với tay tới chiếc HCV. Nhưng sự thật là Tâm đã không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tình trạng suy tim cấp, ôxi không đủ cho não và tình trạng sức khoẻ ngày một diễn biến xấu đi kể từ thời điểm xảy ra biến cố. Và liệu còn nguyên nhân nào vô cùng tế nhị mà người ta chưa thể nói ra hay không?
Có nghĩa là các nhà tổ chức của chúng ta đã quá tắc trách, chủ quan (hay không thể lường trước) được mọi tình huống có thể xảy ra trong các cuộc thi đấu. Giá như lúc Xuân Tâm xuất hiện dấu hiệu suy sụp có mặt một đội ngũ nhân viên y tế giỏi nghề; giá như lúc ấy chúng ta có một chiếc xe cấp cứu với đầy đủ thiết bị y tế hiện đại để hỗ trợ cho cua-rơ này; và giá như... Chúng ta luôn đề cập đến hai từ "giá như" khi mọi việc đã muộn! Và khi ấy các cuộc họp để giải quyết sự cố mới gấp gáp được tổ chức - lại rút kinh nghiệm, lại to tiếng với nhau và kết quả là vấn đề cũng được giải quyết rốt ráo. Nhưng tất cả sự rốt ráo đó liệu có đủ trang trải cho những bất cập có tính hệ thống từ bấy lâu mà cho đến giờ chúng ta vẫn chưa lường hết?
3. Suy cho cùng, mọi sự tắc trách và bất cập trước hết vẫn chính là do trình độ và nhận thức của con người. Để chuẩn bị cho một trận chiến lớn có ý nghĩa trọng đại, chúng ta đã chưa thật sự đủ “lực” để tính toán hết từng khâu công việc. Ở thế luôn phải ứng phó và dễ dãi trong nhiều vấn đề đáng ra phải hết sức chi ly, chúng ta đã phải trả nhiều giá đắt. Sau Trần Thanh Ngời, Lê Thị Huệ và Đỗ Xuân Tâm, sự mất mát dường như vẫn chưa dừng lại. Vừa mới đây thôi, hai sinh mạng nữa đã phải hiến mình cho SEA Games 22, dù họ không phải là chiến sĩ đích thực. Họ là những công nhân, đã phải chịu tai bay vạ gió khi giàn giáo sân quần vợt Lan Anh (TPHCM) đổ sập trong lúc đang thi công.
Thật nguy hiểm khi mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực đều đang rơi vào sự cấp tập, nên đôi khi nó đã tuột khỏi tầm kiểm soát của những người có trách nhiệm. Vậy mà cho đến thời điểm này, hàng loạt công tác chuẩn bị then chốt của chúng ta vẫn đang bị đình trệ bởi những lý do chủ quan và khách quan, trong khi ngày khai mạc SEA Games chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi.
Một trận chiến lớn đã làm chúng ta hốt hoảng và luôn phải giải quyết công việc trong sự đối phó. Nhắc lại sự cẩn trọng không thừa, song chúng ta cũng luôn phải nguyện cầu để TTVN đừng xảy ra thêm mất mát nào nữa!
· Triệu Vân