 |
Woo Sung Yong (giữa - HQ) tranh bóng với các cầu thủ Quốc Vượng, Tài Em và Hữu Thắng |
Đêm 19-10, bóng đá VN đã tạo nên "cơn địa chấn": Đội tuyển Olympic VN hạ gục "ông lớn" Hàn Quốc ở một giải đấu chính thức. Một giấc mơ không ai dám mơ đã trở thành hiện thực! Thế nên, có thể khẳng định, các cầu thủ trẻ của HLV Riedl đã viết nên một trang sử mới trong cuốn biên niên sử bóng đá nước nhà. Lịch sử vì trước đó lớp đàn anh của họ chưa từng làm được điều này; lịch sử vì một đội bóng độ tuổi Olympic thuộc vùng trũng của thế giới đã qua mặt một siêu cường châu Á.
Chiến thắng lịch sử
“Cơn địa chấn” đã xảy ra ở thủ đô Muscat (Oman): đội tuyển Olympic VN, từng bị Hàn Quốc đè bẹp ở lượt đi với tỷ số 5 - 0, đã xuất sắc vượt qua đội tuyển Hàn Quốc ngay trong trận đấu đầu tiên lượt về vòng loại bảng E giải vô địch châu Á 2004 với tỷ số 1-0. Bàn thắng duy nhất có giá trị bằng vàng do công của Phạm Văn Quyến ghi ở phút thứ 73 của trận đấu.
Theo tin điện của HLV phó Nguyễn Thành Vinh, trận đấu diễn ra vào hồi 20 giờ 15 phút (khoảng 23 giờ 15 phút giờ Việt Nam. Đội tuyển Olympic Việt Nam xuất quân với đội hình chiến thuật 4-4-2 với đầy đủ các vị trí trụ cột như thủ môn Thế Anh, hậu vệ Như Thành, Minh Phương, các tiền vệ Quốc Vượng, Tài Em và tuyến trên là cặp tiền đạo Văn Quyến – Thanh Bình…
Cũng giống như trận lượt đi tại Incheon (ngày 25-9), với đẳng cấp vượt trội, Hàn Quốc lấn lướt ngay từ đầu bằng lối chơi pressing khắp mặt sân. Tuy nhiên, trước sức ép dồn dập của đội bạn, các cầu thủ trẻ VN tỏ ra không hề nao núng, càng chơi càng tỏ rõ sự gắn kết và hoá giải thành công các pha bóng nguy hiểm trước khung thành thủ môn Thế Anh. Không những thế, Olympic VN còn tạo được những pha phản công hết sức nguy hiểm và nếu tỉnh táo hơn, Thanh Bình đã có thể mở tỷ số ngay trong hiệp 1 sau cú sút trống trải ở cự ly 8m.
Thế trận vẫn diễn ra theo kịch bản: Hàn Quốc lấn lướt, VN chống trả cho đến phút 73, thế cân bằng đã được phá vỡ. Nhưng thật bất ngờ, người phá vỡ thế cân bằng đó lại là các cầu thủ trẻ VN chứ không phải “đàn anh” Hàn Quốc. Từ một tình huống nỗ lực tranh cướp bóng, Quốc Vượng đẩy nhanh cho Tuấn Phong bên cánh phải chuyền vào trung lộ cho Văn Quyến băng tới tâng bóng qua đầu thủ môn đội bạn, ấn định chiến thắng cho ĐT Olympic VN.
Thắng lợi của Olympic VN trước Hàn Quốc khiến bất cứ một fan hâm mộ bóng đá nào vốn ưa mơ mộng trước đó cũng khó có thể hình dung ra được. Một đội bóng trẻ mà chiếc HCV khu vực vẫn còn là giấc mơ đã chiến thắng một gã khổng lồ đứng hạng Tư World Cup 2002. Và đặc biệt, ở trận lượt đi Hàn Quốc chỉ… đi dạo cũng có thể đá thủng lưới chúng ta với 5 bàn cách biệt.
Có thể nói rằng, đây là một chiến công mang tính lịch sử của bóng đá VN từ trước đến nay! Bóng đá VN đã tạo nên "cơn địa chấn" không chỉ gói gọn trong phạm vi khu vực và châu lục...
"Sự sỉ nhục cho bóng đá Hàn Quốc"
 |
Sau Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Văn Quyến có lẽ là một cái tên luôn khiến người ta phải nhắc đến cùng những chiến công lớn của bóng đá VN |
Tờ quốc báo của Hàn Quốc là Yonhap đã giật một cái tít như vậy sau trận thua của đội nhà. Còn các nhà bình luận bóng đá nước này kết luận: “Sau trận thua này, chúng ta đã không còn là đội bóng số 1 ở châu Á nữa..."
Tờ Yonhap viết thêm: “Mảnh đất dưới chân đội tuyển Hàn Quốc đang rung chuyển. Danh hiệu số 1 châu lục của đội bóng từng lọt vào tới bán kết World Cup 2002 đang bị lung lay dữ dội”.
Và đương nhiên, HLV người Bồ Đào Nha Humberto Coelho của Hàn Quốc đang là tâm điểm của mọi sự chỉ trích bởi trong tay ông là những cầu thủ xuất sắc của bóng đá nước này dù cho phần lớn những người hùng ở World Cup năm ngoái đã sang chơi bóng ở châu Âu hay nước ngoài.
Bình luận viên bóng đá nổi tiếng của Hàn Quốc là Shin Mun-Sun nói trên kênh truyền hình SBS TV: “Đội tuyển Hàn Quốc là số 1. Lý do thua trận ư? HLV không thể đổ lỗi cho việc các cầu thủ không được tập luyện đến nơi đến chốn. Ông ta phải xem xét lại mọi thứ, phải tìm ra chiến thuật hợp lý tận dụng tối đa tiềm năng các cầu thủ để chứng minh mình là người tài giỏi!”.
“Phải chăng họ (các cầu thủ) tự mãn hay HLV Coelho đã đánh giá quá thấp đối thủ của mình?”, một quan chức của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (đề nghị được giấu tên) phân tích. “Đây là nỗi thất vọng lớn không của riêng ai, chúng tôi cũng như toàn nhân dân Hàn Quốc. Nhưng cũng không nên hất nhào tất cả mọi thứ chỉ sau có một trận đấu”, ông này nói thêm.
Trong trận đấu này, đội tuyển Olympic VN đã tạo ra được 4 cơ hội ghi bàn và Văn Quyến tận dụng thành công 1 lần trong khi đội tuyển Hàn Quốc tạo ra được hơn cả 1 chục cơ hội nhưng lại không ghi được bàn nào. Cộng với lịch sử những lần bóng đá 2 quốc gia VN và Hàn Quốc chạm trán với nhau và dù là ở cấp độ nào thì chiến thắng cũng thường thuộc về Hàn Quốc với tỉ số 4 hay 5 -0. Thế nên, chuyện đội tuyển Hàn Quốc bị chỉ trích nặng nề cũng có thể hiểu được.
Nhưng có lẽ giới chuyên môn ở Hàn Quốc đã “quá miệng” khi họ cố tình quên đi hoàn cảnh của “nỗi sỉ nhục” này là khi mà tính tranh đấu của bảng E trong cuộc đua giành 2 vé đi Trung Quốc dự VCK năm sau đã không còn như lúc ban đầu khi Hàn Quốc gần như đã có 1 vé trong tay sau 3 chiến thắng liên tục ở lượt đi (thắng Olympic VN 5-0, Nepal 16-0 và Oman 1-0).
Olympic VN: Hãy tự tin nhưng đừng ru ngủ mình!
 |
Tuyển U -23 VN đã ghi điểm son cho lịch sử bóng đá nước nhà |
Thắng Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc bóng đá VN đã thực sự trở thành một thế lực mới trên đấu trường châu Á?
Xét cho cùng, chiến thắng lịch sử của Olympic VN không thể ngay trong chốc lát đưa chúng ta lên thẳng tầm cao của châu lục, ngược lại kéo bóng đá Hàn Quốc về vùng trũng của thế giới. Điều đó có nghĩa trận thắng của Olympic VN nên được xem là điều kỳ diệu xảy ra trong "tai nạn" của đội tuyển Hàn Quốc thì chính xác hơn một cuộc so tài thật sự về đẳng cấp mà người chiến thắng là kẻ mạnh hơn. Có lẽ các cầu thủ Hàn Quốc sẽ phải trả giá cho trận thua đau đớn này bởi sự coi thường đối thủ (!?).
Trên lý thuyết, ở lượt đấu vào ngày 21-10 tới, nếu các cầu thủ của chúng ta thêm một lần nữa hạ được Nepal, còn Hàn Quốc thắng Oman, Olympic VN sẽ đồng điểm với đội chủ nhà. Trong trường hợp đó, trận gặp giữa hai bên vào thứ sáu, 24-10, sẽ quyết định đội nào giành vé theo chân Hàn Quốc tới Bắc Kinh dự giải bóng đá vô địch châu Á 2004.
Chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào một điều kỳ diệu nữa sẽ xảy ra, nhưng đừng quên đẳng cấp thật sự của chúng ta vẫn chưa vượt qua tầm khu vực và mục tiêu lớn nhất của đội tuyển Olympic VN vẫn là SEA Games 22.
Theo VNN, Thể Thao VN, VNE