![]() |
Đội tuyển bi sắt đang tập luyện. |
Chính HLV trưởng Bùi Công Phú cũng phải thừa nhận: "Tôi đang chỉ huy một đội tuyển ngộ nghĩnh". Nhưng anh nói thêm: "Chính cái "ngộ nghĩnh" này khiến tôi có lòng tin vào chiến thắng bởi những gian khổ trong cuộc sống đã tôi luyện cho những VĐV của tôi một ý chí chiến đấu thật tuyệt vời...". Vâng, cái ý chí đó đã làm Hoàng hậu Thái Lan - người bảo trợ cho đội tuyển bi sắt Thái Lan phải buồn bã nhìn những VĐV con cưng của mình gục ngã ngay trên sân nhà...
Họ là ai?
30 năm gắn với môn bi sắt, nhưng bác thợ hồ Hứa Ngọc Tý (55 tuổi) không bao giờ dám mơ đến một ngày nào đó, mình sẽ bước vào một giải đấu đàng hoàng chứ chưa nói đến việc khoác lên người chiếc áo đội tuyển quốc gia. Trong một thời gian dài bi sắt nằm ngoài danh mục các môn thể thao được thừa nhận và sân chơi của bác Tý khi ấy là những mảnh đất trống ở ''Nhị tỳ Quảng Đông'' (một nghĩa trang ở Quận 11) và vừa chơi phải vừa coi chừng... bị công an bắt.
Mãi đến khi Cung Văn hóa Lao động TP.HCM mở CLB bi sắt vào những năm cuối thập niên 90, bác mới thỏa chí cùng với trái bi tròn. Được chơi là đã sung sướng, nhưng sự kiện được gọi vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 21 đối với bác cũng giống như cơn động đất. Phải mất mấy ngày, bác mới hết "say" vì hạnh phúc. Năm 2002, bác lại tham dự giải châu Á - Thái Bình Dương. Bác Tý nói: "Mọi chuyện cứ như giấc mơ, không có bi sắt làm sao một người thợ hồ như tôi lại có cơ hội đi nước này nước kia... Vì vậy, chỉ có nỗ lực tập luyện hết mình để chiến thắng ở SEA Games 22 thì mới trả được ơn nghĩa cho mọi người...".
Trong khi đó, từ bé đến lớn, cô bé Thương không bao giờ dám nghĩ mình sẽ là VĐV bởi quanh năm suốt tháng, em phải phụ gia đình làm nghề biển. Thương kể: "Nhiều khi em phải theo ghe đánh cá cả tháng trời trên biển. Thế rồi thấy bọn con trai trong xóm chơi "chọi" những "cục sắt" đen đen, em mon men chơi thử. Một năm sau, em đã khoác lên mình chiếc áo đội tuyển''. Cùng với cô gái Bà Rịa Vũng Tàu này còn có hai ngư dân khác đồng hương với cô cũng tham gia đội tuyển là Phạm Thế Trung và Trầm Thanh Dũng.
Đội tuyển bi sắt còn hai thành viên ngộ nghĩnh khác. Đó là hai cô gái quê Sóc Trăng: Đa Rinh và Trần Thị Phượng Em. Chỉ mới tập hơn một năm nhưng Đa Rinh đã cùng Thúy Diễm xuất sắc đoạt HCV thứ hai liên tiếp cho đội nữ Việt Nam ở giải vô địch bi sắt châu Á - Thái Bình Dương. Còn Phượng Em bị gai cột sống nên sớm phải chia tay đội tuyển cử tạ. Không chịu đầu hàng, cô đã chuyển sang bi sắt và được gọi ngay vào đội tuyển nhờ không ngừng tiến bộ.
Và cuối cùng là Ngọc Phượngngười có "học vị" cao nhất trong đội: tốt nghiệp ĐH Sư Phạm TP.HCM và đang theo học ĐH tại chức ngoại ngữ. Sau những giờ học thể dục ở Cung Văn hoá Lao động TP.HCM, cô mon men sang sân tập bi sắt và nhanh chóng bị môn chơi này hút hồn. HLV Phú cho biết: "Phượng chính là người bắn quả bi cuối cùng đem về chiếc HCV châu Á vừa qua cho đội nữ. Ngoài thời gian tập luyện, Phượng còn là cô giáo dạy văn hóa cho các đồng đội trong đội tuyển".
Vươn lên bằng ý chí
![]() |
''Cô gái vàng'' Thuý Diễm trên sân tập. |
''...Nếu có trình độ học vấn tốt, tôi nghĩ các VĐV của mình sẽ còn tiến xa hơn nữa'', anh Phú nói. ''Do nhiều VĐV chưa học qua cấp 1 nên việc truyền thụ lý thuyết gặp rất nhiều khó khăn, tiến bộ của nhiều VĐV vì thế cũng còn hạn chế. Nhưng bù lại, ý chí tập luyện của họ thật tuyệt vời. Nắng, mưa, ngày nghỉ... họ cũng không bỏ tập. Một ngày, mỗi VĐV phải ném quả bi sắt có trọng lượng từ 0,67- 0,7kg không dưới 500 lần. Họ tự giác tập mà không cần đến sự giám sát của Ban huấn luyện", anh Phú tự hào kể. 500 lần - một con số đủ nói lên nỗ lực cho chiến thắng!
Ấn tượng nhất là tinh thần tập luyện của Thúy Diễm cô bé từng bán bánh mì ở trước cửa Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Trong những ngày chuẩn bị lên đường dự giải châu Á - Thái Bình Dương tháng 10 vừa qua, tin đồn thất thiệt về việc Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB bỏ trốn cũng không làm Diễm lay động tinh thần. HLV Phú kể: "Năm nay, nó nói với tôi 3 điều ước là: lấy HCV giải châu Á, HCV SEA Games 22 và mua nhà cho mẹ cùng các em ở. Do Diễm không có chứng minh thư nhân dân nên tôi phải đứng tên sổ gửi tiền ngân hàng cho nó. Tích cóp mãi, đến nay, Diễm đã có khoảng 60 triệu gửi ngân hàng. Ước mơ có nhà lớn như thế nhưng khi tôi hỏi: Con có rút tiền ở ACB không? Nó trả lời tỉnh bơ: Bây giờ con chỉ nghĩ đến giải châu Á thôi!".
Ý chí kiên cường như thế nhưng cũng có những lúc, Diễm thi đấu không thành công. Vừa rồi ở giải vô địch toàn quốc, Diễm bị loại khỏi bán kết. Tuy nhiên, khi đánh giải châu Á, mỗi khi cô bước vào vòng đấu là địch thủ nín thở. Nhiều HLV của các nước nói: "Mỗi khi cô bé này buông trái bi ra là chúng tôi đều có cảm giác trúng đích". Một HLV Pháp sau khi xem Diễm thi đấu đã nói: "Nếu tham dự giải thế giới ở lứa tuổi U-14, cô bé này chắc chắn vô địch". Thậm chí, khi bị tước mất chiếc HCV ngay trên sân nhà, cả đội nữ Thái Lan từng 3 lần vô địch thế giới vẫn hết lời khen ngợi Diễm".
Không chỉ toàn đội tập luyện hết mình mà ngay anh chàng Tuấn câm dù bị chấn thương gối do tai nạn giao thông trước khi dự giải châu Á và không thể tham dự SEA Games 22 cũng thường xuyên có mặt trong những buổi tập. Chân cà nhắc nhưng lâu lâu cũng vớ lấy bi, "bo" vài cái cho đỡ nhớ. Còn các anh Bé, Diệu... dù được về nhà vào chủ nhật nhưng vẫn tự giác "cấm trại" để tranh thủ tập thêm.
Rũ bỏ những mặc cảm về thành phần xuất thân của mình, toàn bộ đội tuyển ngộ nghĩnh này đang hướng đến SEA Games 22 với tất cả sức lực của mình. Cầu chúc cho họ thành công!
- Hoàng Vũ