Có ba lý do khiến cho chuyến đi này của ông Khatami trở nên rất quan trọng đối với Iran. Thứ nhất là chuyện Mỹ đã chiếm đóng Iraq và như vậy đã trở thành láng giềng trên thực tế của Iran trong khi quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn còn rất trục trặc. Thứ hai là số phận của người Shi'íte ở miền Nam Iraq vốn gắn bó với Iran. Cả ở đây cũng thể hiện sự bất đồng quan điểm giữa Iran và Mỹ. Iran muốn cộng đồng người Shi'íte này đóng vai trò quan trọng ở Iraq thời hậu Saddam, có nghĩa là Iraq tới đây tốt nhất theo mô hình thể chế chính trị Iran. Mỹ lại không muốn vậy và muốn áp đặt mô hình "dân chủ Phương Tây" vì chỉ có như vậy mới đảm bảo về lâu dài sự "trung thành" với Mỹ. Và lý do thứ ba là tầng lớp tăng lữ tôn giáo chính thống xung quanh Giáo chủ Khomenei khai thác triệt để tình thế căng thẳng hiện nay trong quan hệ với Mỹ để đối phó với Tổng thống Khatami.
Tổng thống Khatami hiện như một nghệ sĩ đi trên dây. Lebanon và Syria mà ông đến thăm đều là những nơi có các lực lượng, thậm chí cả chính quyền nằm trong ống ngắm của Mỹ. Mỹ lại đang làm găng với Iraq vì thế không thể không coi chuyến thăm này là một sự thách thức từ phía Iran đối với Mỹ. Tỏ thái độ găng với Mỹ, ông Khatami sẽ vô hiệu hoá được sự chống phá từ phía giới tăng lữ tôn giáo chính thống trong nước. Nhưng nếu cứ găng với Mỹ thì kế hoạch cải cách Iran của ông sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, tiến triển chậm hơn, khi đó thì phe của Giáo chủ Khomenei lại càng có thêm cớ để phê phán Tổng thống Khatami. Hơn nữa, nếu cứ găng với Mỹ thì việc thực hiện và đảm bảo lợi ích của người Shi'íte ở các nước trong khu vực, chứ không chỉ ở Iraq, sẽ khó khăn hơn và cộng đồng này lại là con bài chính trị mà ông Khatami không thể bỏ qua được cả về phương diện đấu tranh quyền lực nội bộ ở Iran lẫn vai trò tương lai của Iran ở khu vực.
Vì thế, chuyến đi này của ông Khatami giống như một vũ điệu trên dây. Ông Khatami vừa phải tranh thủ người Shi'íte, nhưng tránh để quá mức khiến Mỹ lo ngại. Ông phát đi những tín hiệu mới về phía Mỹ theo hướng thân thiện và sẵn sàng đối thoại hơn, nhưng không dám đề cập tới việc bình thường hoá trở lại quan hệ giữa hai nước. Ông hạ thấp ý nghĩa của các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Iran từ bấy lâu nay, nhưng lại chủ trương duy trì chúng. Ông muốn cải thiện quan hệ với Lebanon và Syria, nhưng lại tránh tạo ấn tượng Iran đi đầu trong việc tập hợp các nước trong khu vực "có vấn đề" với Mỹ. Ông làm việc đó thật ngoạn mục. Chỉ có điều chẳng có nghệ sĩ nào tài giỏi xuất chúng tới mức "vũ điệu" mãi được trên dây.
- Lục Quán Anh