Không còn là hứa hẹn xa vời, thoả thuận độc lập cho Iraq giữa chính quyền thân Mỹ và lực lượng chiếm đóng đã đáp ứng yêu cầu nhanh chóng chuyển giao quyền lực của người dân sở tại. Nó cũng giải quyết sức ép đòi chính quyền Bush đưa ra chiến lược rút khỏi Iraq đúng thời điểm mùa tranh cử tổng thống.
Trong khi một số lượng đáng kể lính Mỹ vẫn có mặt ở Iraq sau khi chính phủ mới được thành lập, thì Chính quyền lâm thời liên quân do Paul Bremer đứng đầu sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 1/7/2004. Quốc hội lâm thời sẽ đề cử phái đoàn gồm 15 thành viên soạn thảo hiến pháp. Bầu cử quốc gia sẽ được tổ chức vào cuối năm 2005. "Chúng tôi không muốn liên quân rút đi vội vã", Ebrahim al-Jafiri, thành viên Hội đồng Điều hành đại điện đảng Dawa của người Shiite, nói. "Việc rút đi vội vàng sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực".
Tuy nhiên, người ta đang đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc kế hoạch chính phủ lâm thời - vốn chỉ cách đây vài ngày vẫn bị quan chức Mỹ bác bỏ với lập luận nó gây ra bất ổn và lộn xộn chính trị - sẽ giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của Iraq như thế nào. Những thách thức lớn nhất bao gồm an ninh, phục hồi kinh tế và tính hợp pháp của chính phủ mới.
Các thành viên Hội đồng Điều hành Iraq cho biết sẽ quan tâm đến vấn đề an ninh hơn, bằng cách giám sát quá trình chuyển giao chức năng giữ trật tự từ liên quân cho lực lượng Iraq, và sẽ chịu trách nhiệm thực thi các bước đi tiến tới một chính phủ lâm thời trong 7 tháng.
Mô tả an ninh là vấn đề "không thể chờ đợi", Mahmoud Othman, thành viên Hội đồng Điều hành Iraq, người Kurd theo giáo phái Sunni, cho rằng, nếu được phép, người Iraq sẽ giữ trật tự tốt hơn liên quân vì họ hiểu rõ đất nước và nhân dân mình. "Đa phần người Iraq nhìn nhận người Mỹ như một lực lượng bảo hộ", ông Othman nói. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ có thể truy lùng cái này, lục soát ngôi nhà kia, hay tấn công địa điểm này địa điểm nọ. Việc đó phải dành cho người Iraq".
Một số người Iraq coi việc thiết lập quốc hội là biện pháp chấm dứt bất ổn. "Đa phần dân số không được đại diện (bởi Hội đồng Điều hành) giờ có cơ hội được đại diện đầy đủ. Thực tế đó sẽ nhấn chìm lập luận của những kẻ phản đối chính phủ (đương nhiệm)", Bộ trưởng Thương mại Iraq Ali Allawi nói.
Jafiri, thành viên của nhóm người Shiite dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất Iraq Ayatollah Ali al-Sistani, nhất trí rằng việc thành lập một chính phủ hợp pháp sẽ làm hầu hết người dân đất nước vùng Vịnh hài lòng. Tuy nhiên, ông cảnh báo tiến trình tiến tới một chính phủ mới, mang tính đại diện hơn cũng có thể làm lực lượng gây bất ổn tức giận, và vì vậy dẫn đến nhiều cuộc tấn công hơn trong thời gian tới. "Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, thì tiến trình chính trị sẽ giúp củng cố tình hình an ninh", Jafiri nói. Ông này cho biết tình trạng tội phạm đã giảm ở Baghdad và một số nơi. Những vụ tấn công của lực lượng phản kháng, mặt khác, có thể tăng trong khi người Iraq chứng tỏ thành công trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh. "Phương diện chính trị càng thành công, thì các vụ tấn công có thể càng độc ác", nhà phân tích nhận định.
Hội đồng Điều hành Iraq gồm 24 thành viên - cơ quan sẽ chịu trách nhiệm đưa đất nước tiến đến độc lập - cũng là một vấn đề. Mới tuần trước, các quan chức Mỹ mô tả cơ quan này là không thích hợp và quan tâm đến những chuyến đi nước ngoài hơn là điều hành đất nước. Tuy nhiên, ngay cả một số thành viên nhất trí với chỉ trích của Mỹ cũng hy vọng sẽ có thay đổi. Một uỷ ban có quyền lực thực sự định hình tương lai Iraq sẽ hoạt động khác với cơ quan có vai trò phụ thuộc. "Chúng tôi đã không thể giải quyết các vấn đề (của Iraq) vì nhà chức trách hoạt động bên cạnh Chính quyền Lâm thời Liên quân", Othman nói. "Chúng tôi đã gặp các bộ ngành hàng tuần. Tuy nhiên, chúng tôi không có quyền giải quyết các vấn đề, thậm chí một số thành viên còn không muốn đến dự họp".
Một số quan chức Mỹ ở Baghdad lại nhìn nhận khác. "Tổng thống Bush đang đặt mình vào thế khó tại Iraq", một quan chức Chính quyền lâm thời liên quân nói. "Chúng tôi chi 87 tỷ USD - khoản tiền mà tổng thống đã cố gắng giành được - và thương vong đang tăng. Đã đến lúc người Iraq trong hội đồng đẩy mạnh hoạt động".
Othman cho biết, nhiều nhà lãnh đạo Iraq lập luận "một số vấn đề có thể chờ, nhưng những vấn đề khác như an ninh thì không". Họ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến giảm bớt thời gian soạn thảo hiến pháp hai năm, trong khi một chính phủ lâm thời hoạt động theo luật cơ bản sẽ giải quyết vấn đề an ninh và phục hồi kinh tế ngay lập tức.
Tuy nhiên, một khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình là câu hỏi về quyền của người Kurd phía bắc thiết lập quyền tự trị dưới hệ thống liên bang. Một vấn đề khác là chính xác là ai sẽ soạn thảo hiến pháp Iraq và liệu người Shiite chiếm đa số có cảm thấy được đại diện đầy đủ trong tiến trình và chấp nhận kết quả cuối cùng hay không.
Nguyễn Hạnh (theo CSM)
|