Để được người ta chú ý, các thành viên đảng Dân chủ ngày nay chỉ có thể tuyên bố ra tranh cử tổng thống, công khai thách thức Bush và đi khắp đất nước bắt tay hết người này đến người khác. Không bao giờ chiếm được những hàng tít lớn trên các báo, uy thế của họ thua xa những nhân vật nổi tiếng trong đảng như vợ chồng Clinton và Al Gore.
Cựu tổng thống Clinton, thượng nghị sĩ New York Hillary Rodham Clinton và cựu phó tổng thống Al Gore hoàn toàn lấn át nền chính trị của đảng Dân chủ, điều này 9 ứng cử viên vào Nhà Trắng chỉ có thể thấy trong mơ. Thậm chí ngay cả khi Hillary và Al tuyên bố không ra tranh cử năm 2004, hình như cũng không có ai tin hai người này. “Bóng của họ lớn đến mức cho dù những ứng cử viên còn lại đứng chồng lên vai nhau cũng không bằng”, Lee Miringoff, giám đốc Viện Dư luận Marist, bình luận.
Dẫn đầu trong số 9 ứng cử viên yếu thế của đảng Dân chủ hiện nay là cựu thống đốc bang Vermont Howard Dean. Từ chỗ ít được biết đến, ông nổi lên nhờ tư tưởng tự do và hay thẳng thừng đả phá Bush. “Howard Dean đã tận dụng được sự tức giận của các thành viên đảng Dân chủ đối với George Bush, vụ tranh cãi phiếu bầu Florida năm 2000, chuyện Iraq... tất cả”, nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Virginia Larry Sabato nhận xét. Trong các cuộc trưng cầu dân ý gần đây, ông Dean đang dẫn trước các chính trị gia nổi tiếng như hạ nghị sĩ Richard Gephardt và thượng nghị sĩ Joseph Lieberman - người sát cánh bên Al Gore trong lần tranh cử năm 2000.
Joseph Lieberman phê phán cách tranh cử của ông Dean là “không đi đến đâu cả”. Theo thượng nghị sĩ bang Connecticut này, những quan điểm tự do có thể được lòng các nhà hoạt động Dân chủ, nhưng sẽ cản trở Dean trong cuộc đọ sức với Tổng thống Bush. “Chúng ta sẽ không thể chiến thắng bằng cách phản đối tất cả các hình thức giảm thuế để rồi tăng thuế đối với các tầng lớp trung lưu Mỹ. Chúng ta sẽ không thể giành được lòng tin của người Mỹ khi ba phải trong vấn đề quốc phòng”, Lieberman nói.
Chân dung các ứng cử viên nổi bật
 |
Howard Dean. |
Howard Dean sinh ngày 11/7/1948. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Albert Einstein năm 1978, ông chuyển từ New York tới Vermont. Năm 1981 ông cùng vợ là Judith mở phòng khám ở Shelburne, Vermont.
Dean bắt đầu tham gia chính trường khi tình nguyện vận động cho chiến dịch tái tranh cử của Jimmy Carter. Ông là đại biểu trong Hội nghị đảng Dân chủ Quốc gia. Năm 1982, Dean vào Hạ viện Vermont và trở thành phụ tá lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện bang năm 1985.
Ông được bầu làm Phó thống đốc Vermont năm 1986 và trở thành thống đốc năm 1991, khi thống đốc bang Richard Snelling đột ngột qua đời. Sau 5 lần tái đắc cử, Dean quyết định không tranh cử nhiệm kỳ 6 năm 2002 để theo đuổi giấc mơ làm tổng thống. Ông là một trong những thống đốc có tư tưởng tự do nhất nhưng lại thích cho mình là người bảo thủ trong chính sách tài khoá. Dean chống lại việc chính phủ chi thêm tiền, đồng thời theo đuổi những kế hoạch xã hội tự do, khiến cả cánh tả lẫn cánh hữu đều chỉ trích, nhưng được kính trọng vì sự thẳng thắn.
 |
Joe Lieberman. |
Joe Lieberman sinh ra và lớn lên ở Stamford, Connecticut. Ông sớm say mê hoạt động chính trị nên có biệt danh là “Thượng nghị sĩ” từ khi học đại học. Ông nhận bằng cử nhân nghệ thuật năm 1964 và bằng luật năm 1967, đều tại Đại học Yale.
Ở tuổi 28, sau khi hành nghề luật được 3 năm, Lieberman giành được một ghế trong Thượng viện của bang. Đến năm 1975, ông được bầu làm lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Connecticut. Năm 1980, ông bị đánh bại trong cuộc đua vào Hạ viện Mỹ và trở lại với nghề luật. 2 năm sau, Lieberman được bầu là tổng chưởng lý bang, chức vụ ông giữ cho đến năm 1988, khi giành được một ghế trong Thượng viện Mỹ, đánh bại thượng nghị sĩ đương chức là Lowell Weicker.
Lieberman kết hôn với Hadassah, người vợ thứ hai của ông, năm 1983. Năm 2000, ông được bầu nhiệm kỳ 3 vào Thượng viện Mỹ. Cùng thời gian đó, Lieberman trở thành ứng cử viên gốc Do Thái đầu tiên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử chức phó tổng thống cho Al Gore.
Là một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ, Lieberman có tiếng là một người trung dung. Ông tích cực ủng hộ cuộc chiến Iraq, vì vậy một số người cho rằng ông giống một người đảng Cộng hoà hơn là đảng Dân chủ.
 |
Richard Gephardt. |
Richard Gephardt sinh ra và lớn lên ở St Louis, Missouri. Ông nhận bằng luật ở Đại học Michigan năm 1965. Cùng năm đó, ông kết hôn với Jane Byrnes.
Bước khởi đầu trong lĩnh vực chính trị của Gephardt là phụ trách một quận, sau đó ông được bầu vào Hội đồng thành phố St Louis năm 1971. Năm 1976, Gephardt vào Hạ viện Mỹ. Giữa những năm 1980, ông giúp thành lập Hội đồng Lãnh đạo đảng Dân chủ. Năm 1984, ông được bầu làm người đứng đầu ban lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện. Năm 1989, ông trở thành lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Mỹ.
Trải qua năm tháng, Gephardt đã có nhiều thay đổi trong quan điểm. Ông tỏ ra là một nhà dân tuý cần cù và gây dựng được một mạng lưới những người ủng hộ và hỗ trợ tài chính đáng nể.
Sau khi đảng Cộng hoà tiếp quản Hạ viện năm 1994, Gephardt được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số. Năm 2002, ông từ chức để tranh cử tổng thống.
Các ứng cử viên tổng thống khác trong đảng Dân chủ bao gồm: thượng nghị sĩ bang North Carolina John Edwards, thượng nghị sĩ bang Florida Bob Graham, thượng nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry, hạ nghị sĩ bang Ohio Dennis Kucinich, cựu thượng nghị sĩ bang Illinois Carol Moseley Braun và ông Al Sharpton ở New York.
Minh Châu (theo US Congress, VOA)
|