 |
Chiến đấu cơ Azarakhsh Ảnh: FARS |
Từ nhiều năm qua, Iran đã không ngừng hiện đại hóa hệ thống vũ khí của mình nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Giới lãnh đạo nước này nhiều lần tuyên bố đã chế tạo thành công máy bay, tên lửa, bom hiện đại. Vậy đâu là sự thực?
Bom thông minh
Chủ nhật tuần trước, Bộ Quốc phòng Iran đã khai trương một dây chuyền sản xuất bom Qased (Sứ giả), một loại bom được miêu tả là cực kỳ hiện đại do nước này chế tạo. Qased có trọng lượng 900 kg, được giới chức Iran gọi là “bom thông minh”. Hãng tin FARS dẫn lời chuẩn tướng Mostafa Mohammad
Najjar cho biết “Qased là loại bom không đối đất tầm xa có điều khiển, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay”. Một khi Qased được triển khai, máy bay chiến đấu của Iran có thể bắn phá mục tiêu kẻ địch từ xa mà không cần mạo hiểm xông vào tầm bắn của đối phương, theo tướng
Najjar. Ông còn cho biết đây là loại bom hoàn toàn do Iran sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường vũ khí hiện đại cho không quân nước này.

“Thần sấm” Saeqeh-80 đang diễn tập phóng tên lửa - Ảnh: ISNA
|
Trước khi khai trương dây chuyền sản xuất hôm 26.8, báo chí Iran cho biết quân đội nước này từng thực hiện nhiều vụ thử thành công với Qased. Trong đó, máy bay của không quân Iran đã điều khiển bom Qased bắn trúng các mục tiêu ở rất xa. Giới chức Iran cho biết Qased có thể được gắn trên những chiếc chiến đấu cơ F-4 và F-5.
Việc cho ra đời bom thông minh là bước tiến mới nhất trong ngành công nghiệp vũ khí của Iran, vốn chỉ mới hình thành từ giữa cuộc chiến Iran-Iraq cách đây hơn 20 năm, sau khi Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia vùng Tây Nam Á. Từ đó đến nay, Tehran không ít lần tuyên bố đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong các lĩnh vực sản xuất máy bay, chế tạo tên lửa, bom và các loại vũ khí khác.
Năm ngoái, giới chức quân sự Iran cho biết đã thử thành công một loại tên lửa mới, hai loại thủy lôi cực mạnh. Sau đó họ còn công bố việc thử thành công tên lửa Fajr-3 có khả năng qua mặt hệ thống ra-đa của đối phương và cùng lúc bắn trúng nhiều mục tiêu khác nhau nhờ được gắn nhiều đầu đạn. Theo nhiều nguồn tin, Iran hiện đã xuất khẩu vũ khí.
Chiến đấu cơ hiện đại
Năm 1997, chuẩn tướng Arasteh – Tham mưu phó không lực Iran – cho biết nước này đã thiết kế, chế tạo và bay thử thành công một loại máy bay tiêm kích hiện đại. Đó là chiếc Azarakhsh (Tia chớp). Theo một báo cáo của Đại học Tel Aviv (Israel), cuối năm 1997, Iran đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại máy bay này tại Công ty công nghiệp hàng không Iran (HESA). Đầu tháng 8.2007, máy bay Azarakhsh
đã có màn bay ra mắt trước báo giới trong nước. Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, Azarakhsh có nhiều điểm khác biệt so với F-5 của Mỹ, chẳng hạn như có thân dài hơn, cánh có hình dạng khác. Nhưng nhìn chung đây là loại máy bay được phát triển trên cơ sở F-5 hoặc F-4.
Ở đây có một điểm cần lưu ý là dù Iran hiện nay đang ở thế đối nghịch với Mỹ và bị Washington cấm vận vũ khí, nhưng quốc gia vùng Tây Nam Á này vẫn sở hữu khá nhiều máy bay quân sự của Mỹ, phần lớn được bán cho Iran trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng Azarakhsh hoặc một số loại máy bay khác mà Iran tuyên bố là “tự thiết kế, chế tạo” thực ra là bản nâng cấp, phiên bản của các loại máy bay Mỹ như F-4, F-5, F-14... Giới phân tích nước ngoài cũng cho rằng Azarakhsh không đơn thuần là máy bay tiêm kích mà có thể là loại tiêm kích-bom. Theo website quân sự GlobalSecurity.org, hiện không lực Iran có 6 chiếc Azarakhsh.
Tháng 7.2004, Iran lại bay thử một máy bay chiến đấu mới, chiếc Saeqeh-80 (Thần sấm). Theo Mạng lưới tin tức Iran (IRINN), loại máy bay này đã chính thức được triển khai vào tháng 9.2006. Một cuộc tập trận với sự tham gia của Saeqeh-80 vào cuối năm 2006 được giới chức quân sự Iran đánh giá là “rất thành công”. Dù vẫn được miêu tả là “máy bay được thiết kế và chế tạo tại Iran”, nhưng Saeqeh-80 nhìn bề ngoài trông giống một phiên bản của F-5E Tiger II.
Sau hai sản phẩm trên, giờ đây người Iran đang hướng tới Shafaq (Trước bình minh), một máy bay phản lực đa năng, vừa có thể sử dụng để huấn luyện hoặc chiến đấu. Shafaq do một nữ kỹ sư tại bộ phận hàng không thuộc Đại học Công nghệ Malek Ashtar thiết kế. Hiện máy bay này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và có thể sẽ được xuất xưởng trong năm tới. GlobalSecurity.org dẫn các nguồn tin từ Iran cho hay Shafaq có thể được xếp vào nhóm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, với phần vỏ hấp thụ sóng ra-đa và các tính năng chiến đấu đa dạng. Một số nguồn tin nước ngoài nói rằng loại máy bay này được phát triển trên cơ sở một dự án máy bay chiến đấu của Nga đã bị hủy bỏ cách đây 10 năm. Shafaq sử dụng động cơ Klimov RD-33 của Nga.

Bom thông minh Qased - Ảnh: Reuters
|
Nằm trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, ngành công nghiệp quốc phòng Iran cũng đã cho ra đời một số loại máy bay trực thăng. Trong đó có Panha Shabaviz 2061 là phiên bản của một loại trực thăng của Mỹ - chiếc Bell 206 JetRanger - và Panha Shabaviz 2-75, Panha 2091... Website quân sự Armcontrol.ru của Nga cũng dẫn các nguồn tin từ Iran cho biết nước này đã chế tạo thành công một số loại máy bay không người lái.
Tham vọng tên lửa
Với nỗ lực và tham vọng cao, Iran đã thành công trong nhiều chương trình sản xuất tên lửa. Sau hơn 20 năm, họ đã cho ra đời nhiều thế hệ tên lửa, từ tên lửa vác vai, tên lửa đối hạm, tên lửa phòng không tầm ngắn đến tên lửa đất đối đất tầm ngắn, tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tháng 3 năm ngoái, trong một cuộc tập trận của lực lượng Vệ binh Cách mạng, Iran đã trình làng tên lửa Fajr-3. Hãng tin FARS dẫn lời Tư lệnh không quân, tướng Hossein Salami, nói rằng việc bắn thử đã thành công mỹ mãn, cho thấy “loại tên lửa này hơn hẳn những thế hệ do Iran sản xuất trước đây”. Điều này có nghĩa Fajr-3 hiện được coi là đỉnh cao về công nghệ tên lửa của Iran. Tướng Salami còn cho biết Fajr-3 có thể qua mặt hệ thống ra-đa đối phương và với 3 đầu đạn, nó có thể diệt 3 mục tiêu cùng lúc. Giới chuyên môn quốc tế chưa xác định được tầm bắn của Fajr-3, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung.
Trước khi Fajr-3 ra mắt, Iran cũng đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 trên cơ sở hai thế hệ trước đó là Shahab-1 và 2. Nếu như Shahab-1, Shahab-2 mô phỏng tên lửa Scud-B, Scud-C của Liên Xô và có tầm bắn từ 300 km đến 800 km thì Shahab-3 có tầm bắn lên tới 2.100 km. Với tầm bắn này,
Shahab-3 có thể đưa toàn bộ bán đảo Ả Rập, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, một phần nước Nga, Pakistan, Afghanistan và một số nước khác vào “vùng phủ sóng”. Shahab-3 được công bố lần đầu tiên trong một cuộc duyệt binh vào năm 1998. Tháng 11.2006, Iran đã bắn một số tên lửa trong một cuộc tập trận quy mô. Sau đó, đài truyền hình trung ương nước này cho biết các loại tên lửa được bắn là Shahab-2 và 3. Hiện Iran đã sản xuất hàng loạt các phiên bản Shahab-3A, 3B, 3C và 3D.
Sau khi các loại tên lửa trên bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, Iran hiện đang tập trung phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr-110, có tầm bắn từ 2.000 tới 3.000 km. Các dự án tên lửa đạn đạo Shahab-4,
Shahab-5 và Shahab-6 với tầm bắn từ 5.000 đến 10.000 km cũng đang ở trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Một khi Iran thành công với những thế hệ này, các lá chắn tên lửa của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới chắc chắn sẽ bận rộn hơn.
Hiện đại tới mức nào?
Sau mỗi vụ thử nghiệm vũ khí và các phương tiện quân sự, giới chức Iran đều tuyên bố đã đạt được “thành công vang dội”. Họ thường nói rằng đã ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, đem lại tính năng vượt trội cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ và Israel thì trong nhiều trường hợp, có thể Iran đã nói vống lên để lấy tiếng. Chẳng hạn như các loại Azarakhsh, Saeqeh-80 mà Iran gọi là chiến đấu cơ hiện đại thì giới phân tích Mỹ cho rằng nó chỉ tương đương F-4 và F-5, những loại máy bay mà Mỹ đang dần đưa ra bãi phế liệu. Các loại tên lửa Fajr-3 và Shahab-3 cũng bị nhiều nước phương Tây nghi ngờ về công nghệ, tầm bắn và hiệu quả thực tế. (Đ.H)
|
C.M.L
|