 |
Mohammad Yousof Asefi đang lau bức họa miêu tả cuộc sống mà ông đã vẽ phủ bằng màu nước dưới thời Taliban. |
Đó là một bức họa theo trường phái ấn tượng buồn thảm, miêu tả một đường phố rải đá, nghiêng dài trên sườn đồi hoang vắng. Khi Mohammad Yousof Asefi dùng khăn ướt lau nhẹ lên mặt tranh, một người phụ nữ lộng lẫy mặc áo choàng đỏ và xanh da trời dần dần hiện ra.
Sau đó là hai khuôn mặt nữa, rồi 10 khuôn mặt, cho đến khi có thể thấy cả khung cảnh cuộc sống nhộn nhịp trên đường phố. Vậy là một tác phẩm giá trị khác của Afghanistan trong phòng trưng bày quốc gia đã được cứu thoát khỏi bàn tay hà khắc của phong trào Hồi giáo cực đoan ở nước này, để cho thế hệ hôm nay và mai sau thưởng thức.
Bức họa trên thật may mắn, không như hàng chục nghìn tác phẩm khác - phim, ảnh, bản vẽ, sách, tượng, đĩa nhạc, các di sản và địa danh khảo cổ của Afghanistan - bị Taliban tàn phá.
Tất cả là nhờ Asefi - nhà vật lý, họa sĩ hàng đầu ở Afghanistan - và nhiều người khác đã liều mình cứu các tác phẩm nghệ thuật, bằng cách đánh lừa quân Taliban. Biết Taliban cấm tất cả các hình ảnh miêu tả cuộc sống, từ phim tài liệu cho tới những hình vẽ thơ ngây của trẻ em về động vật, Asefi đã dùng màu nước ngụy trang 80 bức tranh sơn dầu. Lúc đó, Taliban đang có ý định phá bỏ hai pho tượng phật lớn nhất thế giới ở trung tâm thị trấn Bamyian Vì vậy, Asefi đoán rằng phòng trưng bày quốc gia rồi sẽ đến lượt.
Asefi thận trọng phủ màu lên các khuôn mặt, bò, khỉ, chim chóc và những sinh vật sống khác. Ông làm việc đó trong một căn phòng lạnh lẽo, tránh sự dò xét của các quan chức Taliban. Công trình rất hoàn hảo: Cảnh bầy thú đang nhởn nhơ gặm cỏ trên bờ sông trở thành một không gian hoang vắng và ảm đạm. Asefi phải mất vài giờ mới vẽ phủ xong một bức.
Lục soát thường xuyên
Asefi nhớ lại, cảnh sát Taliban thường xuyên đến khám, kiểm tra xem các hiện vật có theo đúng tư tưởng của họ hay không. May thay, quân Taliban phần lớn đều mù chữ nên không phát hiện ra việc làm của ông. 4 năm trước đó, người họa sĩ này cũng đã vẽ đè lên 40 bức tranh trưng bày ở Bộ Ngoại giao mà không một ai trong chính quyền Hồi giáo cực đoan biết. Nếu Taliban phát hiện ra, Asefi có thể bị đánh đập, tù đày, thậm chí xử tử ngay. Quân Taliban đã tống giam, tra tấn rất nhiều người Afghanistan chỉ vì tội bán sách có tranh ảnh ngoài bìa.
“Tôi không cho mình là người dũng cảm”, Asefi tâm sự. Nhà vật lý - họa sĩ 40 tuổi này đã mắc bệnh ho và căng thẳng kinh niên vì lo đối phó với các cảnh sát tôn giáo Taliban. Theo ông, đây là một sứ mệnh và “không thể dửng dưng để cho lịch sử và văn hóa bị phá hoại”.
Nhân viên UNESCO gần đây đã tới Kabul, điều tra thiệt hại về văn hóa của Afghanistan. Họ gọi những tác phẩm bị phá ở quốc gia này là “mất mát trong kho tàng di sản văn hóa của thế giới”.
Bảo tàng Kabul đã treo ngoài cửa tấm biển đề: “Một dân tộc sẽ trường tồn khi giữ gìn được nền văn hóa”. Shah Mohammad, chủ hai hiệu sách ở thủ đô, ngậm ngùi: “Họ (Taliban) đã làm chúng tôi mất bao tài nguyên tri thức”. Nhiều nhà văn, ca sĩ và các họa sĩ đã chạy khỏi đất nước để tránh chiến tranh.
Đối phó với cảnh sát tôn giáo
Shah Mohammad cho biết hai người anh em của ông đã bị bỏ tù và đối xử dã man. Quân Taliban cũng đã bắt 3 nhân viên hiệu sách của Shah vì dám tàng trữ các cuốn sách vi phạm luật Hồi. Tuần nào cảnh sát tôn giáo Taliban cũng tới các cửa hàng tìm những người chống đối. Đến giờ, trong hiệu sách Shah Mohammad vẫn còn những cuốn sách mà Taliban đánh dấu đen vào các bức ảnh ngoài bìa. Năm 1999, họ đã cướp của ông một số sách trị giá 40.000 USD rồi đốt giữa phố.
Tuy vậy, người chủ hiệu sách này vẫn duy trì công việc kinh doanh, bằng cách in bưu thiếp về danh nhân và các hình ảnh khác của Afghanistan. Ông nói: “Tôi yêu tổ quốc và sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào vì quê hương”.
Phá hoại nền điện ảnh
Không lâu sau khi hai pho tượng Phật lớn nhất thế giới bị phá sập, các quan chức Taliban hướng sang nền điện ảnh của Afghanistan, cụ thể là xưởng phim quốc gia. Mỹ đã giúp Afghanistan xây dựng cơ quan này và đưa vào hoạt động hồi năm 1968. Ở đây còn có kho lưu trữ phim được sản xuất trước đó. Mùa xuân năm ngoái, cảnh sát Taliban đã đốt phá thư viện phim, trong có 1.000 bộ. Khu lưu trữ đến nay vẫn còn đầy những dải phim rối bị Taliban lôi ra khỏi hộp, vứt vương vãi khắp nơi; đây đó là những đống tro tàn của các bộ phim mà Taliban đốt.
Có 8 người trong số 160 nhân viên của xưởng phim quốc gia đã bí mật cất giấu được nhiều bộ phim, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Hồi giáo cực đoan. Họ nhét băng hình vào những camera bị hỏng, sau các thiết bị âm thanh và trong các góc khuất nẻo của nhà kho. Ngoài ra, họ cũng phá hủy hệ thống ánh sáng của tòa nhà, cản trở Taliban lục soát. Abdul Jamil Sarwa, giám đốc xưởng phim, cho biết: “Lính Taliban đều mù chữ nên không biết chúng tôi có bao nhiêu bộ phim”.
Giờ đây khu xưởng lạnh lẽo vẫn giữ được một ít phim. Đây là những mẩu lịch sử bằng hình ảnh còn lại của Afghanistan. Ông Sarwa nói: “Chúng tôi phải cứu các tác phẩm điện ảnh, mặc dù điều đó rất nguy hiểm”. Ông cũng khẳng định hành động đó không phải xuất phát từ lòng dũng cảm mà chỉ đơn thuần là “trách nhiệm”.
Tú Đạt (theo Washington Post)
|