 |
Qusay Mowhoush nói rằng anh đã bị lính Mỹ đánh khi thẩm vấn và cha anh đã chết trong nhà tù Mỹ. |
Tại trung tâm nhân quyền Iraq, có các bức ảnh chụp những ngón tay bị nhiễm trùng và băng to tướng; hình một người chồng bị bỏ tù; ảnh thi thể một cựu tướng Iraq chết trong nhà tù Mỹ năm ngoái, vết khâu hình khoá kéo dài từ xương hàm cho đến cổ. Và có cả những tiếng kêu than.
“Tôi không muốn đền bù. Tôi chỉ cần chồng tôi thôi!” Hadiya Taha, 45 tuổi hét lên. Taha không nhìn thấy Badr Hassan Ali, chồng bà, kể từ khi ông ấy bị lính Mỹ bắt giữ hồi tháng giêng. “Tôi không biết họ gán cho anh ấy tội gì! Tôi không biết gì hết!”, người phụ nữ nói.
Tại cuộc họp báo của tổ chức Nhân quyền Iraq, những cựu tù và gia đình của hàng nghìn người hiện bị giam cầm trong các nhà tù do người Mỹ quản lý đã đến để bày tỏ sự tức giận. Cuộc họp báo được tổ chức sau khi những bức ảnh chụp cảnh tù nhân bị làm nhục và ngược đãi tại nhà tù Abu Ghraib được công bố.
Trong nhiều tháng liền, các tổ chức nhân quyền và các nhà lãnh đạo Iraq nói rằng họ đã khiếu nại lên các quan chức Mỹ về tình trạng ngược đãi tù nhân. Tuy nhiên, những lời phàn nàn đó không được chú ý và họ thừa nhận là không biết nhiều về các trường hợp nghiêm trọng như vụ các tù nhân bị lột quần áo và buộc phải làm các động tác ô nhục.
Nhưng giờ đây, vụ scandal đã tạo ra một diễn đàn mới cho những người khiếu nại. Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã hứa trong phiên điều trần tại Thượng viện tuần trước là sẽ đền bù cho các tù nhân bị ngược đãi. Động thái đó đã khuyến khích người ta đứng ra tố cáo, mặc dù ngày càng khó phân biệt đâu là nạn nhân thực sự và đâu là những kẻ cơ hội.
Nguyên nhân của sự tức giận là những bức ảnh chụp được tại nhà tù Abu Ghraib dường như củng cố niềm tin của người Iraq rằng lính Mỹ, những người vẫn vác súng đi tuần trên phố, thường lạm dụng vũ lực đối với người dân Iraq.
“Các đối xử hung dữ đã trở thành thông lệ”, Stewart Vriesinga, một quan chức của Đội gìn giữ hoà bình Thiên chúa - tổ chức nhân đạo do Mỹ và Canada thành lập - nói.
Tổ chức Nhân quyền Iraq nói rằng họ mới chỉ nhận được 2 lá đơn của các cựu tù Iraq phàn nàn về lính Mỹ mặc dù con số này chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng.
Mặc dù đa số lời khiếu nại được đưa ra tại cuộc họp báo hôm chủ nhật tập trung về các cuộc bắt giữ và thân nhân các tù nhân không được vào thăm người nhà trong tù, nhiều người cho hay họ là nạn nhân của những trò lạm dụng nghiêm trọng hơn. Ít nhất 2 người nói rằng thân nhân của họ đã chết trong trại giam của Mỹ.
3 người con của cựu tướng Iraq Abed Hamed Mowhoush đưa ra những bức ảnh chụp thi thể của cha họ. Những người này nói rằng thi hài đó được đưa đến bênh viện của thành phố Qaim, gần biên giới Syria và bị mổ khám nghiệm. Gấy chứng tử do bệnh viện cấp nói rằng ông chết vì đau tim trong khi thẩm vấn. Còn những bức ảnh lại cho thấy những vết bầm tím trên mặt và chân người đàn ông này.
Mowhoush, chết ngày 26/11/2003, là một trong số 25 tù nhân thiệt mạng tại Iraq và Afghanistan kể từ năm 2002 mà giới chức quân sự Mỹ nói rằng họ đang điều tra. “Những điều tương tự vẫn đang xảy đến đối với những người khác ở trong tù”, Hussam, 27 tuổi, một trong 3 người con của Mowhoush nói.
Các quan chức quân sự Mỹ nói rằng họ tin tưởng là tướng Mowhoush đã hậu thuẫn về tài chính cho lực lượng nổi dậy Iraq. Các con trai ông bác bỏ cáo buộc đó và nói rằng 4 người con trai và một người họ hàng nữa là vô tội khi bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp ở Qaim hồi tháng 10 và đến lượt cha họ bị bắt ít ngày sau đó.
Các con trai của ông nói rằng những người thẩm vấn đánh đập họ bằng gậy lùa gia súc và bắt họ khai về nơi ở của người cha và muốn biết liệu họ có liên quan đến hoạt động nổi dậy hay không. Qusay, một trong 3 người, nói rằng các cuộc tra hỏi trở nên đặc biệt thô bạo sau một cuộc tấn công nhằm vào lính Mỹ trong khi họ đang có mặt tại một căn cứ quân sự Tiger Base gần Qaim. Một binh sĩ Mỹ đã bảo Qusai: “Chúng tao sẽ xử tử tất cả bọn mày trong ngày hôm nay”.
Qusay cho biết sau đó anh được một binh sĩ tự nhận là “Devil" (ma quỷ) dẫn đến một phòng thẩm vấn.
“Anh ta đứng đối diện với tôi, nắm thành ghế và bảo tôi là: "Nói cho tao biết cha mày đang ở đâu". Tôi bảo anh ta là tôi không biết và nói rằng có thể ông ấy cũng đang ở tù”, Qusay nói.
Sau đó, 6 binh sĩ bắt đầu đánh đập anh.
“Devil không rời khỏi chiếc ghế. Hình như anh ta thấy buồn tẻ rồi đứng lên và nói bằng tiếng Ảrập, "Kẻ nói dối, mujahadeen, Mowhoush"”.
Viên lính này rút súng ra và nhằm vào thái dương Qusay. “Anh ta lên cò nhưng đó chỉ là một tiếng "cách"”.
Sau 7 tháng bị chuyển hết nhà tù này sang trại giam khác, từ Haditha và Abu Ghraib gần Baghdad đến Bucca tại thành phố Um Qasr gần biên giới Kuwait, cuối cùng 3 người con của Mowhoush đã được trả tự do.
Hussam Mowhoush nói: “Sau khi chúng tôi được phóng thích và cha tôi chết, họ nói rằng họ không tìm được bằng chứng nào chống lại chúng tôi và rằng họ xin lỗi”.
Cũng trong cuộc họp báo hôm chủ nhật, Abbas Farhan, 54 tuổi, mang một tập tài liệu , gồm cả giấy chứng tử của đứa con 26 tuổi của ông là Mousa đến. Tờ giấy nói rằng Mousa chết tại nhà tù Abu Ghraib ngày 14/4 vì một vết thương do súng ngắn, đó là tất cả những gì ông biết về cái chết của đứa con trai.
“Chúng tôi không hề biết những gì đã xảy ra. Không gì cả”, Farhan nói.
Ông cho hay Mousa, làm bảo vệ, bị bắt ngày 1/4 không phải vì tấn công lính Mỹ mà vì giúp chuyển thi thể của một người Iraq đã bị những người Mỹ giết hại. Farhan nói rằng ông không biết có phải lính Mỹ đã gây ra cái chết của con trai ông hay không nhưng ông không ngạc nhiên trước những bức ảnh, bằng chứng của sự dã man tại nhà tù Abu Ghraib.
“Đó không phải là hành động hiếm gặp của họ”, ông nói.
Abdul Rahman Muhammad Saleh, một trong 2 người đàn ông nộp đơn khiếu nại về sự ngược đãi của lính Mỹ, đã không tham dự buổi họp báo. Saleh, 38 tuổi, cho hay lý do là anh cho rằng hầu hết những người có mặt tại đó là muốn được đền bù. Nhưng để đổi lấy tình trạng bị lạm dụng mà anh phải chịu đựng trong suốt 4 tháng trong tù, anh chỉ muốn một điều: lính Mỹ rút khỏi Iraq.
“Đó là hình thức đền bù cho chúng tôi”, Saleh nói.
Saleh cho hay anh bị bắt ngày 18/6/2003 và bị cáo buộc tham gia một nhóm vũ trang, Saleh bị còng tay và đánh ngay trong đêm đầu tiên tại một căn cứ quân sự Mỹ gần nhà anh gần Baghdad.
“Một binh sĩ đã đá bụi vào miệng tôi. Một người khác cho ngón tay vào miệng tôi để bắt tôi mở miệng để người lính kia tiếp tục nhét bụi đất vào miệng tôi. Tôi bắt đầu nôn và bất tỉnh”.
Hai ngày sau, Saleh được đưa đến trại giam tại sân bay Baghdad, nơi giam giữ khoảng 400 người Iraq. Anh bị giam 8 ngày trong một sà lim rộng gần một mét vuông và không thể nào duỗi nổi người.
Sau đó, 5 người thẩm vấn dẫn anh đến một căn phòng rộng hơn.
“Họ hỏi tôi rằng Saddam Hussein ở đâu, Uday và Qusay ở đâu. Tôi bảo họ rằng tôi chỉ là dân thường, tôi không biết gì cả. Họ nói rằng họ sẽ cho tôi một viên đạn vì tôi bị cáo buộc giết lính Mỹ”, Saleh nói.
Một người thẩm vấn rút súng ra và bắn từ cách đó vài mét. Saleh cho biết anh cảm thấy như có dòng điện chạy qua người và ngất đi. Sau một vài giờ trong bệnh viện, anh bị giam tiếp trong xà lim 4 ngày nữa.
“Vài ngày sau, một trong số họ mang cho tôi một cốc nước nóng và tôi nói với anh ta rằng có lẽ tôi sắp chết. Tôi có gia đình và đó là những người tôi yêu quí. Nếu tôi có thông tin gì, tôi sẽ bảo ông ta”.
3 tháng sau đó, anh được chuyển chỗ giam hai lần giữa sân bay Baghdad và trại giam ở Umm Qasr. Anh không bị thẩm vấn nữa và bắt đầu mất hy vọng được trả tự do. Cuối cùng, một chỉ huy Mỹ tại Umm Qasr xem xét trường hợp của anh và quyết định phóng thích Saleh tại Baghdad.
Saleh nói rằng anh đã trở lại làm thanh tra thực phẩm cho Bộ thương mại và kiếm được nhiều tiền hơn thời Saddam Hussein. Nhưng điều đó không làm dịu đi sự tức giận của người đàn ông này đối với lực lượng chiếm đóng Mỹ.
“Tôi nhận ra rằng họ đến đây để phá huỷ toàn bộ xã hội và nền văn minh này. Đó là sự thật. Họ đang tìm cách huỷ hoại xã hội này”.
Ngọc Sơn (theo New York Times)
|