Hồ sơ:
Việc Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) G. Tenet đột ngột từ chức với "lý do cá nhân , không hơn không kém" (theo tuyên bố từ chức của Tenet) không khỏi khiến báo giới đoán già đoán non về động cơ thực thụ đằng sau "lý do cá nhân" này. Giới quan sát trong và ngoài nước Mỹ nói gì về việc ra đi của người đứng đầu cơ quan quyền uy này?
Cho dù tổng thống G. Bush ra sức che đậy chuyện hậu trường bằng lời khen ngợi khi chấp nhận choG. Tenet từ chức ngày 3-6 rằng " Tenet là một lãnh đạo mạnh trong cuộc chiến cống khủng bố. Tôi sẽ cảm thấy thiếu ông ta" thì "thành tích" rành rành của Tenet dưới trào G. Bush vẫn là hai scandal lớn trong lịch sử tình báo Mỹ. Thứ nhất là các cáo buộc bùng nổ ngay sau 11-9 rằng CIA dưới quyền G. Tenet đã không thể ngăn chận cái chết của hàng nghìn người vô tội tại New York và Washington, khi đó báo giới đã kêu gọi Tenet từ chức, thậm chí có tờ còn đề xuất ứng viên thay thế.
Đánh giá chính thức đầu tiên hoạt động của tình báo Mỹ Tenet chỉ đưa ra nửa năm sau đó bằng tuyên bố CIA từ năm 1997 đã cảnh báo những ý định của Al Qaeda tổ chức khủng bố tại các sân bay, trên máy bay và những địa điểm công cộng khác. Scandal thứ hai có tên "Urangate", khi trong báo cáo "Về tình hình đất nước" ngày 28-1 năm ngoái tổng thống Bush đã nhắc tới âm mưu của Baghdad "mua Uranium từ một trong những nước châu Phi".
Thế nhưng ngày 6-7-2003 tờ The New York Times đã đăng bài báo của cựu đại sứ Mỹ tại châu Phi J. Wilson, với tư cách người từng được CIA giao điều tra vụ việc này năm 2002, đã phủ nhận khẳng định này và cáo buộc chính quyền Mỹ bóp méo thông tin. Sau đó, Nhà Trắng phải rút lại tuyên bố của tổng thống Bush và Tenet phải nhận trách nhiệm sử dụng những thông tin không chính xác.
Chính vì những thất bại này mà hầu hết các hãng truyền thông và báo giới (như CBS, Time, NY Times...) đều nhất trí rằng sự ra đi của Tenet là "bước đón đầu" của chính quyền Bush trước việc công bố các báo cáo khá ai tiếng về thành tích của tình báo Mỹ trước và sau sự kiện 11-9. Một báo cáo do Uỷ ban tình báo thượng viện Mỹ soạn thảo, sự kiến công bố giữa tháng Sáu này, mà ai cũng đoán ra là sẽ bao gồm nhiều chỉ trích nặng nề cho tình báo Mỹ, trong đó không chỉ có Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) mà còn cả CIA của G. Tenet, về việc tình báo Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chận cuộc khủng bố. Một báo cáo khác, dự kiến công bố vào 11-7 (khi việc từ chức của Tenet đã có hiệu lực) cũng sẽ chứa đựng nhiều phê phán cho công việc tình báo.
Thế nên, như CBS nói, việc từ chức của Tenet trước khi hai báo cáo rắc rối này xuất hiện sẽ khiến cho sự ra đi của ông ta "đường hoàng hơn".
Thực tế, bản thân việc ra đi của ông Tenet không gây bất ngờ bằng yếu tố thời điểm. Những người gần gũi với Tenet nói tin đồn về sự ra đi của Tenet đã xuất hiện từ trước năm 1998, khi có tin ông ta muốn ra tranh cử vào nghị viện bang NewYork. Sau đó, lại xuất hiện tin Tenet sẽ không ở lại CIA sau tháng 11 này, tức sau bầu cử tổng thống Mỹ.
 |
G. Tenet đã quá mệt mỏi vì những chỉ trích liên quan tới các sai lầm của CIA ? |
Cho nên khi chiều 3-6 G. Tenet đệ đơn từ chức và tổng thống G. Bush cũng nhanh chóng ưng thuận và chỉ thông báo việc này ngay trước khi bay đi Georgia (thay vì tại buổi họp báo sau cuộc gặp thủ tướng Úc) thì dư luận không khỏi nghĩ tới từ "vật tế thần chính trị" khi đề cập tới sự ra đi của Tenet. Cựu chủ tịch Uỷ ban tình báo trong chính quyền Reugan, Fritz Ermarth khẳng định: "Dĩ nhiên Tenet có trách nhiệm trước sự thiếu chuẩn bị của CIA cho sự kiện 11-9 và thất bại của tình báo Mỹ trong các báo cáo về vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD) của Iraq". Thế nhưng Ermarth nhận định thêm rằng trách nhiệm này phải chia đều cho ba nhân vật Tenet và hai tổng thống Clinton lẫn G. Bush. "Thế nhưng Tenet ra đi không vào giữa cuộc vận động tranh cử mà ngay từ đầu chứng tỏ ông ta rất trung thành với G. Bush".
Cựu giám đốc CIA Stansfield Turner dưới thời tổng thống Jimmy Carter và hiện đang là cố vấn cho ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ J. Kerry thì còn đi xa hơn khi khẳng định theo những tư liệu ông nắm được, Tenet bị buộc phải ra đi, mà theo đúng mô tả của Turner thì "ông ta bị tống khứ và biến thành vật tế thần". Lý do, theo ông này phân tích, là "tổng thống cảm thấy cần có ai đó mà ông ta có thể đổ tội, và Tenet đã không bỏ rơi tổng thống ngay trong mùa chuẩn bị tranh cử nếu chính tổng thống không đề nghị ông ta như thế".
Charles Schumer, Thượng nghị sĩ bang NewYork phát biểu trước các nhà báo hôm qua thì cho rằng việc Tenet từ chức là một quyết định quá dễ dàng cho chính quyền Bush. "Thật dễ trút hết tội lỗi lên một người rồi dẹp bỏ ông ta", mà theo Schumer, "thất bại của chính quyền Bush trong cuộc chiến chống khủng bố, ở Iraq cũng như ở Afghanistan không chỉ là tội của mỗi một tgiới tình báo". Theo ông, đó là "sự sụp đổ của cả một chính sách bởi giới tình báo không có quyền chọn lựa chính sách của mình".
Những nhận định này cho thấy Tenet có vẻ không phải là nhân vật duy nhất trong chính quyền Bush phải ra đi. Sáng nay (giờ VN) lại có tin thêm một nhân vật thứ hai trong CIA xin từ chức. Đó là James Pavitt, phó giám đốc tác chiến, người chịu trách nhiệm về các điệp viên của CIA!.
DUY VĂN tổng hợp