 |
Tommy Franks trong buổi họp báo ngày 8/11. |
Trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, các phóng viên đề nghị tướng Lục quân Tommy R.Franks thử tự so sánh mình với H. Norman Schwardkopf, vị chỉ huy tiếng tăm trong chiến tranh Vùng Vịnh. “Tommy Franks không phải là Norman Schwarzkopf”, ông tuyên bố. Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đứng cạnh nói thêm: “Và ngược lại”.
Người ta thích so sánh ông, một nhân vật kín đáo, ít lời, với vị tư lệnh “Bão táp Sa mạc” cộc cằn, hướng ngoại. Và đối với nhiều người cả trong lẫn ngoài Lầu Năm Góc, ông không bằng Schwarzkopf.
Tiểu sử chính thức của ông cũng kín đáo như tính cách của ông. Gia nhập Lục quân Mỹ năm 1967, trong lực lượng pháo binh, tham chiến một thời gian ngắn ở Việt Nam, kịp học lấy bằng quản trị kinh doanh, rồi làm nhiệm vụ ở Đức, và sau đó là Lầu Năm Góc.
Đến chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, ông vẫn chỉ là một trợ lý chỉ huy sư đoàn được ít ai để ý. Nhưng sau đó, Franks lên như diều gặp gió. Đến tháng 6/2000, ông đã trở thành một vị tướng 4 sao, quân hàm cao nhất trong Lục quân.
Ông lên tiếp quản vị trí đứng đầu Sở Chỉ huy Trung ương Mỹ (Centcom), sau khi tướng Thủy quân Lục chiến Anthony C.Zinni thôi chức tháng 8/2000.
Trên thực tế, ban đầu Franks không phải là sự lựa chọn hàng đầu, khi Lầu Năm Góc tìm một vị phó để chuẩn bị thay thế ông Zinni. Lẽ ra một tướng lĩnh khác trong Lục quân sẽ lên đảm nhiệm. Theo truyền thống, vị trí đứng đầu Centcom thường được các tướng lĩnh Lục quân và Thuỷ quân lục chiến thay nhau nắm giữ.
Tuy nhiên, Lục quân sau đó rút lại ứng cử viên của mình. Vậy là trong hai năm ròng, một sĩ quan Không lực rồi một sĩ quan Lục quân lên thay nhau làm Phó Chỉ huy Centcom. Đến lúc ông Zinni về hưu năm ngoái, không tìm được ai, Lầu Năm Góc xoay sang ông Franks, bấy giờ đang chỉ huy chi nhánh Lục quân trong Centcom.
Là một trong những 9 sở chỉ huy chiến đấu có phạm vi hoạt động khắp thế giới, Centcom phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ trên 25 nước, ở châu Phi, Trung Á và Trung Đông, bao gồm cả Afghanistan. Thông thường, tham gia vào các hoạt động của Centcom có khoảng 18.000 đến 25.000 người, 25-30 tàu chiến, và hơn 200 máy bay. Trụ sở ở căn cứ Không lực MacDill ở Tampa, Florida (Mỹ).
Ông chỉ dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Tổng tư lệnh, Tổng thống Bush (ở Mỹ, chức tổng thống kiêm luôn vị trí tổng tư lệnh). Cả ba nhân vật này, cộng thêm tướng Richard Myers (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Richard Myers) đang phụ trách chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, Franks là người chỉ huy trực tiếp hằng ngày.
Những người quen biết ông mô tả vị tướng 56 tuổi gốc Oklahoma này là một sĩ quan Lục quân điển hình: một người lính giỏi, có bản lĩnh và không thích phô trương. Đồng đội dùng từ “anh lính ủng lấm bùn” để khen ông.
Nhưng những người khác thì lo ngại rằng những đặc tính này khiến ông trở thành một người lính truyền thống trong một cuộc chiến không theo kiểu truyền thống - một sĩ quan pháo binh dẫn đầu một cuộc chiến dựa vào hoạt động không kích và lính đặc nhiệm.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng cách Franks tiến hành cuộc chiến cho thấy ông không đủ năng lực. Theo một số sĩ quan hàng đầu trong Lục quân, phương pháp của Franks là “cần cù bù sáng tạo”. Một cựu tướng lĩnh trong Không lực cũng lo lắng như vậy: “Sở chỉ huy Trung ương chả có sáng kiến hay năng nổ gì cả”.
“Ông ấy không có trí tưởng tượng và rất rụt rè”, Michael Vickers, một cựu sĩ quan trong Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân và CIA bình luận. “Nói chung chiến dịch hoạt động không hiệu quả”.
Theo Vickers, Mỹ “thận trọng đến đáng thương” khi phải đến hàng tuần sau mới cử các quan sát viên ra tiền tuyến ở Bắc Afghanistan. Hơn nữa, việc cho đến nay đặc nhiệm mới chỉ tiến hành duy nhất một cuộc đột kích vào các mục tiêu Taliban cho thấy các hoạt động bí mật vẫn còn rất yếu ớt.
Còn những quan chức nước ngoài thì lại đem ông ra so với người tiền nhiệm ở Centcom Anthony C.Zinni. Theo một quan chức Pakistan, Tổng thống Pervez Musharraf rất quý Zinni. “Tướng Zinni và tướng Musharraf làm việc rất ăn ý và hợp cạ. Không có gì phải tranh cãi cả”. Ông nói thêm là tướng Musharraf vẫn chưa hình thành đuợc mối quan hệ thân thiết với Franks.
Các quan chức Lầu Năm Góc thì giải thích tốc độ cuộc chiến chậm không phải vì ông Franks mà do thiếu thông tin tình báo về tình hình thực tế ở Afghanistan. Chẳng hạn, việc tìm kiếm tung tích của Osama bin Laden và giới lãnh đạo Taliban khó hơn họ tưởng.
Không giống như ông Rumsfeld và Myers, hai nhân vật rất thích họp báo, vị tư lệnh Centcom hay né tránh sự huyên náo. Chỉ những dịp hiếm hoi, khi buộc phải xuất hiện trước công chúng, ông mới tung ra ra những lời bình luận đầy thuật ngữ quân sự và những từ viết tắt, đồng thời giảm thông tin chính đến mức chung chung và sáo rỗng.
Chẳng hạn, ba tháng sau khi ở trên cương vị chỉ huy, ông đã ra làm chứng trước uỷ ban vũ trang trong Quốc hội về vụ tàu USS Cole bị tấn công ở cảng Aden của Yemen. Khi đó, Franks nói một cách nghiêm trang rằng các nhà điều tra đang thu lượm bằng chứng nhằm “hiểu xem mối đe doạ chúng ta phải đối mặt ngày nay đã thay đổi như thế nào và làm sao chúng ta có thể đương đầu với mối đe doạ này trong tương lai”.
Ông định nghĩa vai trò của Sở chỉ huy một cách chung chung là “ngăn chặn các hành vi gây hấn và sẵn sàng đương đầu với các vụ tấn công vào lực lượng quân sự, đồng minh và các lợi ích của chúng ta,… nhằm đương đầu với việc gia tăng vũ khí phá huỷ hàng loạt và các mối đe doạ khác”.
Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên, hôm 8/11, khi được hỏi liệu ông có sử dụng thêm bộ binh ở Afghanistan hay không, Tommy Franks chỉ đáp: “Chúng tôi muốn để ngỏ mọi khả năng”.
Minh Châu (theo Washington Post, The Guardian)
|