Ngày 7/2/2004, Tổng thống Sri Lanka C.B.Kuramatunga đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/4/2004, trước thời hạn gần 4 năm (tháng 12/2007 mới đến hạn cho một cuộc bầu cử mới). Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ 3 trong vòng 4 năm qua tại Sri Lanka.
 |
Dân chúng Sri Lanka giễu cợt cuộc đấu tranh quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng |
Ngay trước khi giải tán Quốc hội, Tổng thống Kuramatunga đã bổ nhiệm 2 Nghị sỹ thuộc đảng Liên minh nhân dân (PA) của bà, hiện đang ở thế đối lập vào Nội các nhằm thâu tóm thêm quyền lực trước khi đi vào tuyển cử. Đó là các ông L. Kadirgamar, Cố vấn về các vấn đề quốc tế của Tổng thống và là cựu Bộ trưởng Ngoại giao được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ thông tin và ông D.M.Jayaratne, Tổng thư ký của PA, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.
Với quyết định giải tán Quốc hội, ông R.Wichremashinge trở thành Thủ tướng tạm quyền. Ông này ngay lập tức đã quyết định hoãn chuyến thăm Thái Lantheo kế hoạch vào ngày 9/2/2004.
Hiện tại tương quan lực lượng giữa hai đảng của Thủ tướng và Tổng thống tại Quốc hội gồm 225 thành viên như sau: Đảng Dân tộc thống nhất (UNP) của Thủ tướng và các đảng Hồi giáo liên minh giữ 114 ghế và có được sự ủng hộ của 15 Nghị sỹ người Tamil. Liên minh nhân dân (PA) giữa đảng Tự do Sri Lanka (SLFP) của Tổng thống và đảng Mặt trận Giải phóng nhân dân (JVP) chiếm 93 ghế.
Việc giải tán Quốc hội và tổ chức tuyển cử trước thời hạn là kết quả của mâu thuẫn không thể điều hoà giữa Tổng thống Kuramatunga và Thủ tướng Wichremansinghe trong cuộc đấu giành quyền lực chính trị và về vai trò điều hành tiến trình hoà bình với lực lượng những con hổ giải phóng Tamil (LTTE). Sri Lanka theo mô hình tổ chức nhà nước kiểu Pháp, tức là Tổng thống và Thủ tướng được bầu qua các cuộc tuyển cử riêng rẽ. Bà Kumaratunga và ông Wichremansinghe vốn là đối thủ chính trị của nhau từ lâu. Tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 1999, bà Kuramatunga đã giành thắng lợi và nhiệm kỳ sẽ kéo dài đến năm 2006, trong khi đó trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2001, PA và đảng SLFP của bà đã thất cử trước UNP của ông Wichremansinghe và hai người buộc phải ở vào thế “cùng chung sống”. Mặc dù chính phủ "chung sống "đã đạt được một số thành công nhất định như đạt được thoả thuận ngừng bắn với LTTE (2/2002) và tổ chức các vòng đàm phán hoà bình, kinh tế tăng trưởng với sự phục hồi trong ngành du lịch và dịch vụ, nhưng rõ ràng tương lai của nó luốn bất định.
Dự đoán về cuộc tuyển cử sớm tại Sri Lanka đã trở nên rõ ràng vào ngày 4/11/2003, khi Tổng thống vận dụng các quyền được ghi trong Hiến pháp, quyết định sa thải 3 Bộ trưởng quan trọng (Quốc phòng, Nội vụ và Thông tin) trong Chính phủ của Thủ tướng Wichremansinghe và tự mình đảm nhận điều hành các Bộ này vì cho rằng Chính phủ đã nhượng bộ quá nhiều cho LTTE trong các cuộc đàm phán. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Tổng thống trong việc giành lại quyền lực từ đối thủ chính trị của mình là Thủ tướng Wichremansinghe.
Tổng thống và Thủ tướng đã thành lập một Uỷ ban chung gồm đại diện 2 phía để đàm phán giải quyết cuộc tranh chấp quyền lực, xoay quanh vấn đề chủ chốt là quyền kiểm soát Bộ Quốc phòng và điều hành tiến trình hoà bình với LTTE. Thủ tướng kiên quyết đòi Tổng thống trao lại quyền kiểm soát Bộ Quốc phòng để có thể tiếp tục các cuộc hoà đàm với LTTE nhưng Tổng thống không nhượng bộ và đàm phán bế tắc. Trong bối cảnh đó, vào ngày 20/1/2004, Tổng thống Kuramatunga đã đi bước chuẩn bị quan trọng thứ hai cho cuộc bầu cử đột xuất bằng việc chấp thuận ký Hiệp định thành lập liên minh giữa SLFP và JVP vốn bị trì hoãn nhiều lần trước đó. Liên minh Tự do nhân dân thống nhất (UPFA) này sau đó đã được 4 đảng nhỏ khác trong PA tham gia.
Nhìn trên cả hai góc độ chính trị và kinh tế, cuộc bầu cử mới này khó có thể đưa đất nước Sri Lanka đi vào ổn định để phát triển. Cuộc bầu cử này nhiều khả năng vẫn chưa thể giải quyết được bế tắc hiện nay vì theo các cuộc thăm dò dư luận, tương quan lực lượng vẫn chưa ngã ngũ là nghiêng về bên nào. Với tình thế đó, cuộc bầu cử có thể vẫn chỉ cho kết quả là một chính phủ chia sẻ quyền lực và tương lai bấp bênh. Thủ tướng Wichremansinghe đã tuyên bố đảng của ông đã “sẵn sàng cho cuộc bầu cử trước thời hạn nhưng không ủng hộ nó”. Lý do là, ngay cả trong trường hợp đảng UNP của ông tiếp tục thắng cử trước liên minh SLFP-JVP thì sau đó vẫn là một chính phủ “cùng chung sống” vì nhiệm kỳ Tổng thống của bà Kuramatunga còn tiếp tục đến 2006.
Trong trường hợp liên minh SLFP-JVP thắng cử với một đa số mong manh thì người được lợi sẽ là JVP, một đảng theo đường lối cực tả và có thái độ phản đối tiến trình hoà bình hiện nay với LTTE. Với việc gia tăng vị thế của JVP, nhiều người lo ngại sự đổ vỡ của tiến trình hoà bình, đất nước Sri Lanka lại rơi vào vòng xoáy bạo lực và nội chiến. Chính vì vậy một số đảng cánh tả thành viên của PA như đảng Cộng sản Sri Lanka (SLCP) và đảng công bằng xã hội (LSSP) đã không tham gia UPFA và chỉ trích liên minh này.
 |
Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka hai đối thủ của nhau |
Ngoài ra, một cuộc bầu cử mới sẽ rất tốn kém và nhất là các cuộc bầu cử trước đó đều bị phủ bóng đen bởi bạo lực. Tình hình chính trị bất ổn và tiến trình hoà bình bị trì hoãn sẽ có nguy cơ làm Sri Lanka mất đi khoản viện trợ 4,5 tỷ đô la được cộng đồng quốc tế cam kết tại Hội nghị Tokyo tháng 7/2003. Bất ổn chính trị cũng kéo theo những tín hiệu xấu đối với nền kinh tế đang trên đà hồi phục của Sri Lanka. Bằng chứng là khi Tổng thống tuyên bố sa thải 3 Bộ trưởng vào tháng 11/2003 thì ngay lập tức thị trường chứng khoán Sri Lanka đã có phản ứng tiêu cực, giảm 25%.
Càn Khôn
Việt Báo