 |
USS Maddox – một trong hai tàu chiến Mỹ được cho là bị tấn công vào tối 4/8/1964 |
Ngày 30/11, Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) công bố 140 tài liệu tối mật về sự kiện Vịnh Bắc bộ (4/8/1964) trong chiến tranh Việt Nam. Được trông chờ nhất là bài báo của một sử gia đăng trên tạp chí nội bộ NSA từ năm 2001, nhưng bị che đậy suốt 4 năm qua.
Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với Phòng Đối ngoại - Báo chí thuộc NSA để có bài báo và những tài liệu tối mật vừa công bố, đồng thời ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia Mỹ về sự kiện Vịnh Bắc bộ.
Kỳ I: Không chỉ sai sót về dịch thuật?
Sự thật gây chấn động
Ngày 31/10/2005, tờ The New York Times đã gây chấn động toàn thế giới khi cho biết NSA đã cố tình giấu nhẹm suốt 4 năm qua bài báo đăng trên tạp chí nội bộ (Cryptologic Quarterly) của sử gia Robert Hanyok (làm việc cho NSA) liên quan đến những sự dối trá trong sự kiện Vịnh Bắc bộ.
Phát hiện trên có tác động rất lớn bởi nó được tung ra vào thời điểm nhạy cảm khi Chính phủ Mỹ hiện nay đang bị chỉ trích vụ thông tin tình báo dởm về “vũ khí hủy diệt” trong cuộc chiến Iraq.
Bài báo của sử gia Hanyok có tựa đề “Kinh tởm, giả dối, im lặng và cá chuồn: Bí ẩn Vịnh Bắc bộ, 2-4/8/1964” dài 56 trang.
Là Sử gia cao cấp của NSA, ông Hanyok có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu tối mật hơn những đồng nghiệp khác nên những phát hiện của ông đã hé mở thêm nhiều chi tiết chưa từng được biết đến về sự kiện Vịnh Bắc bộ.
Sau khi diễn giải bằng hàng loạt tài liệu, sử gia Hanyok viết: “Không có bằng chứng tình báo về một cuộc tấn công (của ngư lôi Bắc Việt - PV) và những điều gọi là bằng chứng từ các nguồn ra-đa, hệ thống định vị dưới nước...đều không có cơ sở”.
Thậm chí, Sử gia Hanyok còn phân tích rằng, “tin liên lạc” mà hải quân Mỹ nghe trộm được của Bắc Việt Nam nói về vụ tấn công ngày 2/8, không phải 4/8 như báo cáo phân tích của NSA và kết luận của chính quyền Mỹ hồi đó. Vậy chính quyền Tổng thống Johnson dựa vào “bằng chứng” nào để thuyết phục Quốc hội Mỹ cho phép đưa ra quyết định tấn công Bắc Việt Nam?
Ông Hanyok cho biết, đó chỉ là mẩu tin liên lạc của Bắc Việt Nam mà hải quân Mỹ nghe trộm, được NSA “dịch”, “tổng hợp”, “phân tích” thành báo cáo.
Tuy nhiên, theo phát hiện của sử gia Hanyok, vì là “báo cáo sau sự kiện” nên có nhiều vấn đề không rõ ràng. Tin liên lạc của Bắc Việt mà tình báo Mỹ nghe lén được và gửi về cho NSA không đề cập đến bất kỳ tàu thuyền hoặc đơn vị nào bị “hy sinh”.
Trong bài báo của mình, sử gia Hanyok còn đưa ra các phân tích thuyết phục về sự phi lý liên quan đến vấn đề thời gian khi nghe trộm, khi được gửi về cho NSA...
Theo sử gia Hanyok, toàn bộ bản “báo cáo sau sự kiện” của NSA rời rạc, không có gì rõ ràng, thậm chí tin dường như đã được nghe trộm vào ngày 3/8. Tuy nhiên, chính bản báo cáo này lại đóng vai trò chính để chính quyền Mỹ khẳng định có cuộc tấn công tối 4/8.
Không chỉ sai sót về dịch thuật
Sử gia Lầu Năm góc nói gì?
Xung quanh vấn đề “bằng chứng”, phóng viên Tiền phong đã liên hệ với ông Edward Drea - Giám đốc Phân tích và nghiên cứu, Trung tâm Lịch sử quân sự thuộc Lầu Năm góc.
Theo ông E. Drea, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và các quan chức cấp cao khác dựa trên 5 yếu tố để kết luận rằng đã thực sự xảy ra một cuộc tấn công của hải quân Bắc Việt Nam đêm 4/8 nhằm vào 2 tàu chiến Mỹ.
Trong đó, quan trọng nhất là tin nghe lén cho biết “Hai con tàu” của hải quân Bắc Việt Nam “hy sinh”.
Ông Robert Hanyok (phát biểu sau khi NSA giải mật tài liệu): “Hàng loạt báo cáo tình báo cho rằng một cuộc tấn công đã xảy ra chứa đựng những lỗi phân tích nghiêm trọng, những thay đổi trong dịch thuật không có giải thích. Sản phẩm này sau đó trở thành bằng chứng chính của chính quyền Johnson về vụ tấn công đêm 4/8”.
|
Trước đây, người ta tin rằng đơn giản chỉ là sai sót về dịch thuật của các sĩ quan hạng trung NSA và sau khi phát hiện lỗi này đã cố tình không sửa sai. Tuy nhiên, sử gia Hanyok còn phát hiện những sự thật khác.
Đoạn quan trọng nhất trong bản gốc báo cáo gửi về Mỹ từ trạm San Miguel ở Philippines có nội dung: “... Chúng ta bắn vào 2 máy bay địch và ít nhất 1 chiếc bị hỏng. Chúng ta hy sinh hai đồng chí, nhưng tất cả đều dũng cảm và nhận rõ nhiệm vụ của chúng ta...”.
Bản gốc từ trạm San Miguel được đọc là “comrades” (đồng chí), nhưng NSA lại “dịch” hoặc “đổi” thành “ships” (tàu) và còn sửa một số từ khác. Bản dịch số “T10-64” như là bản “báo cáo sau sự kiện” của NSA lại viết: “...Chúng ta bắn rơi hai máy bay địch trong vùng chiến sự và một chiếc khác bị hư hại. Chúng ta hy sinh hai con tàu và còn lại đều tốt. Tinh thần chiến đấu rất cao, chúng ta đang bắt đầu săn đuổi và đang chờ nhận chỉ thị”.
Sử gia Hanyok viết: “Với sự khác nhau lớn giữa các báo cáo từ trạm San Miguel và của NSA, cần tập trung sự chú ý vào hành vi trong các phân tích của NSA. Tại sao họ thay đổi bản dịch gốc của San Miguel? (dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh-PV)”.
Theo nghiên cứu của ông Hanyok, hiện chưa rõ NSA dựa trên bản gốc tiếng Việt nghe trộm được tin liên lạc của Bắc Việt Nam để “dịch” sang tiếng Anh hay đã “thay đổi” từ ngữ dựa trên bản dịch gốc gửi về từ trạm San Miguel.
Ngoài sự phân tích về lỗi dịch thuật của NSA, tác giả Hanyok cũng nhiều lần nhắc đến từ “thay đổi” trong bài báo của ông và đặt nhiều câu hỏi cho vấn đề này.
Kỳ II: Cục An ninh Quốc gia Mỹ không còn bản gốc tin nghe trộm
Trí Đường