Khi nhận ra từ phía chân trời xa xa một đốm trắng nhấp nhô trên mặt biển xanh thẳm, mấy anh lính trẻ reo lên: “Đến rồi! Về đến nhà rồi!”. Đấy là đảo Sinh Tồn - đảo nổi lớn nhất của quần đảo Trường Sa.
 |
Chiến sỹ trẻ đảo Trường Sa
|
Chủ nhân của ngôi nhà ấy cũng như của tất cả ngôi nhà khác trên quần đảo là những người lính.
Xung phong đi đảo
Đặt chân đến Trường Sa mới thấm thía rằng đó không phải là khẩu hiệu mà là một tình cảm thiêng liêng và máu thịt. Chả thế mà những người lính Trường Sa không nói “ra đảo” mà nói “đi đảo”; khi đến nơi thì bảo “về nhà” chứ không nói “đến đảo”.
Nhiều thế hệ nối tiếp đã và luôn khát khao được cống hiến tuổi trẻ cũng như cả đời mình cho việc gìn giữ, dựng xây những ngôi nhà thiêng nơi tuyến đầu Tổ quốc Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Viết Tiến - Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) thuộc Vùng 4 Hải quân cho biết: “Đa số những chiến sỹ đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa lần này đều là xung phong đi”.
Tân binh Lê Khắc Hồng, Tiểu đoàn 82 tâm sự: “Khi nhận được quyết định đi đảo, mình rất sung sướng vì được làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của đất nước”. Mặc dù chưa từng đến đảo và hiểu nhiều về đảo, nhưng Hồng nói chắc như đinh đóng cột: “Ở đó mình sẽ trưởng thành!”.
Mặc dù được tin cha bị trọng bệnh, phải nằm viện nhưng tân binh Nguyễn Đình Dũng (19 tuổi, quê Yên Mỹ, Hưng Yên) người cùng đơn vị với Hồng vẫn viết thư quyết tâm xung phong đi đảo. Về thăm cha trước lúc lên đường, Dũng tặng cha một con tàu làm bằng vỏ ốc với cánh buồm no gió như một lời thầm hứa: “Đứa con trai đầu của cha sẽ vững bước vượt mọi phong ba”.
 |
Cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn đón hàng Tết từ đất liền
|
Dẫu còn nhiều gian lao, vất vả nhưng cuộc sống nơi đảo xa cũng thật lãng mạn và chan chứa ân tình. Lúc tàu vừa cập đảo Phan Vinh, một cơn áp thấp ập đến. Gió giật liên hồi. Mưa ràn rạt. Những đợt sóng gầm gào nối nhau tung mình như muốn nuốt chửng hòn đảo nhỏ. Nhưng khi áp thấp vừa tan, biển ngừng động, trời trở nên trong xanh lạ thường. Một ngày mới trên đảo thật thanh bình.
Thượng úy Dương Văn Tĩnh- Trợ lý phòng không rủ tôi ra bờ đê đón nắng mai vàng như mật. Anh bảo, trong cái dữ dội của biển cả, còn có những điều rất nên thơ. Và, tài sản vô giá mà lính đảo Trường Sa được tận hưởng là sự trong ngần, tinh khiết của thiên nhiên.
Vì vậy ai cũng khỏe khoắn, rắn chắc và vững chãi như cây phong ba trước biển. Đó cũng là lý do khiến không ít người trở nên “nghiện” đảo, hết tăng này xung phong đi tăng khác, hết đảo này đến đảo khác. Trần Song Hào-một quân nhân chuyên nghiệp- là một trong số những người như thế.
Anh kể: “Đã 4 năm liền ăn Tết ở đảo. Sau khi từ đảo Sinh Tồn về nghỉ phép và vui Tết Bính Tuất với gia đình tại Nghệ An, tôi trở lại đơn vị và sẽ tiếp tục đi đảo”.
Vui như Tết
Tết đất liền có gì, Trường Sa có nấy!
Không khí mùa xuân trên đảo như sờ thấy được bởi những món hàng Tết chuyển ra từ đất liền. Thịt lợn, gạo nếp, dưa hành, lá dong, kẹo bánh, trà, hạt dưa, nhang thơm… dường như đủ cả.
Thượng tá Đỗ Như Phú- Phó chỉ huy trưởng Đoàn Trường Sa khẳng định: “Chúng tôi cố gắng để đảm bảo về cơ bản Tết trong đất liền có gì thì ở Trường Sa có nấy”.
|
Năm nay thời tiết ở Trường Sa bất thường, mưa kết thúc muộn. Nhưng điều đó không những chẳng ngăn được mùa xuân đang tràn về mà còn làm cho cây cối trên đảo thêm xanh tươi. Cây phong ba, biểu tượng của người lính Trường Sa xum xuê cành lá đã nở những chùm hoa trăng trắng, đung đưa trong gió.
Những cây bàng không còn mặc lỳ chiếc áo cũ của mùa đông và bắt đầu chào mùa xuân bằng những phiến lá non đỏ ối. Thêm những vạt hoa muống biển tím tím, rung rinh trải dài trong tầm mắt… khiến ngôi nhà giữa biển của những người lính thêm phần thơ mộng.
Không khí chuẩn bị đón Tết sớm ở đảo cũng không kém phần rộn ràng. Hoa mai, hoa đào là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết, được cánh lính trẻ tự tạo bằng giấy màu, gắn lên những cành cây khẳng khiu điệu nghệ hệt như những cành hoa thật. Trên cành hoa còn khoác thêm những bóng điện chớp lấp lánh với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Bàn thờ tổ được chuẩn bị chu đáo với những chiếc bánh chưng xanh và cả mâm ngũ quả, phía trên hết là ảnh Bác treo trang trọng. Riêng ở những đảo nổi, trên bàn thờ còn có thêm những cây trái do chính tay những người lính trồng được.
Chỉ cây dừa thấp rất nhiều quả trước cửa phòng mình, Thiếu tá Đào Giang Hải- Đảo phó chính trị đảo Phan Vinh không giấu được niềm vui: “Năm nay đảo chúng tôi có những quả dừa tươi bày lên bàn thờ tổ. Đơn sơ là vậy nhưng quí vô cùng!”.
Để những ngày Tết thêm vui tươi, các đảo tổ chức thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, hái hoa dân chủ… Phần thưởng là gói bột ngọt, gói trà nhỏ, thậm chí chỉ là tràng pháo tay… tuy đơn sơ nhưng là niềm động viên lớn lao đối với những người lính.
Có đảo vừa hoàn thành một tờ báo tường để mừng Đảng mừng Xuân và đón Tết. Dù hoàn cảnh nào, những người lính nơi đảo xa vẫn biết cách vượt qua gian khó, tìm niềm vui để chế ngự nỗi buồn.
Đại Dương