Rạp Kim Đồng nay trở thành quán bia - Ảnh: P.Thảo
Nhiều năm qua, ở Hà Nội ta, có khá nhiều rạp hát, rạp chiếu bóng từng "lên ngôi", từng "vang bóng một thời", vì nhiều lý do, đã bị biến dạng hoặc mất tích. Nói một cách văn vẻ hơn thì chúng đang bị "cuốn theo chiều gió","mờ theo bóng chiều". Có rạp thì chạy theo thị trường, chuyển đổi mục đích kinh doanh mà tồn tại hoặc chìm hoặc nổi. Có rạp thì bị xóa sổ hoàn toàn. Có rạp thì nằm phơi lưng chờ thời. Không ít người phàn nàn và đặt ra câu hỏi: Tại sao số phận của chúng lại run rủi đến mức ấy? Bao giờ chúng mới được đổi thay hoặc lột xác đây? …Thời chúng tôi mới lớn (quãng những năm 60 của thế kỷ trước), nhìn chung mỗi quận ( hồi ấy gọi là khu) ở Hà Nội đều có một vài rạp chiếu bóng. Quận Hoàn Kiếm có rạp Kinh Đô, Tháng Tám, Hoà Bình, Công Nhân, Kim Đồng, Bắc Đô. Quận Ba Đình có rạp Ngọc Hà. Quận Đống Đa có rạp Dân Chủ, Đống Đa. Quận Hai Bà Trưng có rạp Long Biên.
Ấy là thời huy hoàng và "độc diễn" của ngành chiếu bóng quốc doanh, thời mà khán giả của "môn nghệ thuật thứ bảy" lúc nào cũng đông đúc như nêm cối. Ấy cũng là thời mà để có được tấm vé vào cửa, có lắm khi phải tốn rất nhiều thời gian để xếp hàng, chen lấn, xô đẩy nhau đến toát mồ hôi, đến nảy đom đóm mắt. Cũng có khi phải mua vé "phe"(vé mua ngoài chợ đen) với giá cắt cổ. Nhân đây, chúng tôi cũng xin mở ngoặc một chút: Hồi ấy, truyền hình chưa phát triển lắm và phim chiếu trên màn ảnh nhỏ còn rất hạn chế. Cũng chưa có đầu vidéo, băng hình vidéo, đầu DVD, đĩa hình DVD trở thành phổ biến, quen thuộc.
Cho nên, không có chuyện xem phim, xem ca nhạc, xem kịch tại gia thoải mái và tiện lợi như hiện nay. Hai phim mà tôi làm quen lần đầu ( một phim tài liệu, một phim truyện) với điện ảnh Việt Nam là Điện Biên Phủ và Chị Tư Hậu tại rạp Kinh Đô. Ngày ấy, trong nhận thức non nớt, mới mẻ của mình, điện ảnh là cái gì đầy bí ẩn, hấp dẫn và như thể là ngày hội của mọi người; còn rạp chiếu bóng (cụ thể là rạp Kinh Đô), nói theo ngôn ngữ vỉa hè bây giờ, cũng là một cái gì đấy thật hết ý, thật tuyệt vời trên cả tuyệt vời! Bên cạnh hệ thống rạp chiếu bóng là các rạp hát, nhà hát.
Đó là những cái tên chỉ xướng lên cũng đủ làm cho đám trẻ chúng tôi háo hức: Nhà hát Lớn thành phố, nhà hát Nhân dân, rạp hát Chuông Vàng, rạp hát Đại Nam, rạp hát Hồng Hà…Chắc hẳn các bạn trẻ bây giờ khó hình dung nổi ở một địa điểm nằm trên ba mặ phố: Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu (nay là Cung Văn hoá Lao động) từng có một rạp hát ngoài trời, rất bình dân. Nơi đây có sức chứa lớn, giá vé xem rất rẻ. Đấy là ưu thế của nó. Nhưng đi kèm với ưu thế là một hạn chế rất lớn: Mỗi lần có mưa to gió lớn thì buổi biểu diễn phải chấm dứt. Bởi thế cho nên, mỗi lần đi xem kịch hay ca nhạc ở đây, mọi người vẫn thường nhắc nhau nhớ mang theo áo mưa. Nhớ có lần xem vở ca kịch Tiếng sấm Tây Nguyên của Đoàn ca kịch Liên khu 5 ở nhà hát Nhân Dân, vì lý do thời tiết, mà phải mất đến ba tối, tôi mới thưởng thức từ A đến Z tác phẩm sân khấu nói trên.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, kéo theo bao đổi thay khôn lường, biến tôi từ một đứa trẻ sinh vào đầu những năm 50 của thế kỷ 20 thành một người đang bước đến gần tuổi tri thiên mệnh đầu những năm 2000 của thế kỷ 21. Khi tôi ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc" (quãng đầu những năm 90 của thế kỷ trước) thì nền kinh tế thị trường bắt đầu manh nha xâm nhập vào xứ ta. Và cũng từ đó đến nay, có cảm giác: Các rạp hát, rạp chiếu bóng bị ảnh hưởng và chịu tác động (cả tiêu cực và tích cực) rất lớn.
Tại một địa chỉ trên phố Hàng Bài, rạp chiếu bóng Kim Đồng bị phá đi để xây "Tổ hợp nhà cao tầng Hàng Bài". Tại một địa chỉ trên phố Huế, rạp hát Đại Nam bị phá đi, lấy mặt bằng góp vốn vào liên doanh. Tại một địa chỉ trên phố Thái Thịnh, rạp Đống Đa cũng bị xóa tên và thế vào đó là một nhà hàng ăn uống cỡ lớn có tên là Up Town Beer. Còn ở một số địa chỉ khác tại một số đường phố khác, có rạp bị phá bỏ như Ngọc Hà; có rạp bị chuyển thành vũ trường, điểm karaoke, nhà hàng như Kinh Đô, Bắc Đô, Long Biên…
Trong số này, vô tích sự và hoang phí hơn cả là rạp chiếu bóng Kim Đồng và rạp hát Đại Nam. Có lẽ đến cả chục năm nay, cả hai địa chỉ tạm gọi là văn hoá này rơi vào tình thế sống giở chết giở. Chúng được giải phóng mặt bằng rồi để đấy như để thi gan cùng giời đất. Không biết khi ra tay đập phá cơ sở vật chất ở đây, người ta có tính đến tính khả thi của các dự án và tương lai của công trình mới không? Chỉ biết cho đến giờ phút này, mặt bằng của chúng vẫn bị bỏ quên và không được sử dụng theo mục đích ban đầu đã đặt ra.

Rạp Đại Nam nay là nơi trông giữ xe ô tô -
Ảnh: P.Thảo
Phải chăng hiện tại, chúng giống như một thứ kê cân (gân gà), ăn thì khó ăn hoặc vô bổ mà bỏ thì tiếc? Phải chăng cũng vì thế mà trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, một cái (rạp chiếu bóng Kim Đồng) đã tạm thời bị biến dạng thành quán bia hơi Việt Hà, một cái (rạp hát Đại Nam) đã tạm thời bị biến dạng thành điểm trông giữ xe? Chúng tôi e rằng dùng hai từ
tạm thời áp dụng vào hai trường hợp nói trên không chuẩn xác lắm. Vì sao? Vì hai từ
tạm thời thường được dùng để một chuyện, một việc, một hiện tượng diễn ra hoặc xảy ra dăm bữa nửa tháng hoặc dăm ba tháng là cùng. Còn một khi đã thành chuyện, thành việc, thành hiện tượng lặp đi lặp lại cả chục năm trời, thì làm sao còn có thể coi là
tạm thời được nữa?
Như vậy, xếp hàng theo danh sách những địa chỉ văn hoá bị bỏ hóa sau nhà xuất bản Văn học, báo Văn hoá (mà HNMĐT đã đưa) là rạp chiếu bóng Kim Đồng, rạp hát Đại Nam. Và khi đi ngang qua phố Hàng Bài, chứng kiến cảnh tàn tạ và "xuống dốc không phanh"của rạp Kim Đồng , có người đã nói vui: Phải chăng"đầu tư"nghỉ ngơi thì bia hơi có mặt?
Tất nhiên, cũng phải khẳng định thêm rằng, trong nhiều năm qua, nhờ nỗ lực chung, nhiều rạp chiếu bóng, rạp hát ở thủ đô vẫn có những đổi thay về cả lượng lẫn chất. Đó là sự nâng cấp của rạp Đống Đa, rạp Tháng Tám; sự ra đời của Cung Văn hoá Lao động, Nhà hát Tuổi trẻ, Vườn Điện ảnh Quốc gia, của một rạp chiếu bóng của quân đội trên phố Lý Nam Đế; sự bảo tồn và nhuận sắc của Nhà hát lớn thành phố…Đây là những trung tâm văn hoá, giải trí, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Không biết hiện tượng biến dạng và mất tích của một số rạp hát, rạp chiếu bóng kể trên có phải là biểu hiện của một chỉ số tiêu cực về mặt văn hoá tinh thần hay không? Hay là trong cơ chế thị trường hiện nay, mọi thứ rất cần cởi mở, cốt làm sao kinh doanh có hiệu quả (nhưng không được bỏ phí, bỏ hoang) là được? Việc này xin dành cho giới chuyên môn và những người am hiểu thị trường lý giải. Riêng người viết bài này chỉ đặt ra câu hỏi và hy vọng nhận được câu trả lời từ phía những người có quyền hạn, trách nhiệm: Tại sao rạp Kim Đồng và nhà hát Đại Nam vẫn là hai khoảng trống, bị bỏ quên đến xót xa và làm xấu cảnh quan phố phường lâu đến vậy?
Hoàng Nam
VietBao.vn