
Rừng thông Sóc Sơn
Ảnh: T. T. Hà
Tháng 11, tháng đầu tiên của mùa khô 2003-2004 đã đến. Quãng thời gian này, nguy cơ cháy luôn rình rập ở vùng rừng Sóc Sơn, lá phổi của thành phố. Nhịp sống của những con người ở nơi sâu, xa nhất Hà Nội dường như tất bật, hối hả hơn để giữ cho lá phổi xanh không ám màu khói lửa. Tất cả đã sẵn sàng
Chúng tôi đến vùng rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn khi nguy cơ cháy rừng đang ở cấp 4. Trời khô hanh, đường đất đỏ bụi mù. Loáng thoáng đây đó, xen giữa vạt thông xanh là đốm màu đỏ quạch của những mảng rừng vừa bị cháy cách đây ít lâu. Tuy những mảng “tối” đó không lớn nhưng thật xót xa ! Nó như vết bỏng trên một làn da đẹp !
Anh Tạ Văn Chiêm, trưởng ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn kéo chúng tôi đến bên bản đồ, nói về tình hình cụ thể rừng Sóc Sơn. Mùa khô năm nay đến sớm hơn những năm trước. Lượng mưa trung bình mọi năm ở Sóc Sơn thường là 1600mm, đến thời điểm này, khi mùa mưa 2003 đã qua mới chỉ đạt 1200mm. Độ ẩm cũng giảm rõ rệt. Theo dự báo, mùa khô này, khả năng có mưa thấp hơn những năm trước. Dấu hiệu đó cho thấy sẽ có nhiều khó khăn trong phòng, chống cháy rừng (PCCR) năm nay.
Sóc Sơn hiện có khoảng 6630 ha đất rừng nằm trên địa phận 9 xã, chia làm 2 loại: rừng phòng hộ 5100 ha, rừng đặc dụng 1530 ha. Lâm trường Sóc Sơn đang quản lý khoảng 1/3 diện tích, số còn lại được giao cho các chủ hộ rừng trực tiếp quản lý, bảo vệ. Hộ nhiều vài trăm, hộ ít chỉ vài ba héc ta.
Ý thức được tác hại do cháy rừng gây ra, UBND huyện Sóc Sơn đã sớm có kế hoạch PCCR, hỗ trợ các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCR. Ban quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng chỉ đạo, đôn đốc Lâm trường Sóc Sơn và các chủ rừng tiến hành tu bổ hệ thống đường băng cản lửa đã được xây dựng và xây dựng thêm các đường băng mới để ngăn chặn lửa cháy lan từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên sang, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như xã Minh Trí, Minh Phú.
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ), các xã có rừng đều thành lập tiểu ban PCCR do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, chịu trách nhiệm huy động, sử dụng mọi nhân lực, phương tiện tại địa phương chữa cháy và trực tiếp chỉ huy chữa cháy. Đặc biệt, tại các xã trọng điểm, các tổ, đội quần chúng tham gia PCCR được tổ chức chặt chẽ. Lực lượng quân đội đóng trên địa bàn những năm qua đã tham gia chữa cháy đạt hiệu quả cao và sẽ tiếp tục được phát huy. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng, y tế, hậu cần cũng được tiến hành, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bảo vệ, PCCR được xác định là nhiệm vụ chung của tất cả các ban, ngành của mọi công dân nhưng vai trò của các chủ rừng luôn rất quan trọng. Tất cả đều xem phòng là chính nên trước khi mùa khô tới, các chủ rừng đã huy động mọi lực lượng có thể, lên rừng hạ thấp tầng phủ bì (cây cỏ rất dễ bắt cháy), cắt người canh gác 24/24 nhằm phát hiện sớm các vụ cháy. Đang trao đổi với chúng tôi, bỗng anh Quang, một chủ rừng chỉ tay về một đám “mây trắng” phía Tây: Bên xã Ngọc Thanh, Mê Linh, Vĩnh Phúc lại cháy rừng rồi ! Anh Tuấn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng Sóc Sơn giục các anh về gọi người chuẩn bị đề phòng cháy lan sang, nhưng anh Quang vẫn rất bình tĩnh cho biết lực lượng đang chăm sóc, gác rừng trên đó sẽ đủ sức đối phó. Các anh đang nắm thế chủ động.
Nguy cơ vẫn rình rập
Dù rất vui về sự chuẩn bị, chủ động đó nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng. Thiết bị, dụng cụ chữa cháy, gọi cho oai vậy thôi, chỉ là đôi giày vải, bàn dập lửa bằng tôn, con dao quắm để chặt cành đập lửa. Xe cứu hỏa hầu như không thể tham gia chữa cháy vì không vào được sâu, tiếp cận các vùng cháy. Cũng có ý kiến đề nghị làm nhiều đường dẫn vào rừng nhưng nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng làm thế rừng Sóc Sơn sẽ không còn là rừng nữa ! Rừng Sóc Sơn vốn nhỏ, địa hình khá phức tạp, làm nhiều đường dẫn, rừng sẽ bị cắt nát.
Một chủ rừng mỗi năm chỉ được trả 50.000 đ/ha nếu chăm sóc, bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra cháy. Số tiền này là quá thấp bởi mỗi chủ rừng ở đây không có nhiều đất rừng để... bõ công thuê người trông coi, canh tác thêm. Các chủ rừng không có nguồn thu nào khác ngoài việc trồng thêm các loại cây ăn trái, thảo dược... Nhưng có đến mới thấy, đất nơi đây cằn lắm. Đến cây sắn cũng còi cọc, quắt queo. Những hộ nhận nhiều phải thuê một đội “rẻo rừng” chỉ có việc ăn và liên tục đi trông rừng, để phát hiện cháy rừng sớm và họ được trả... 500.000 đ/người/tháng. Khi rừng cháy to, lửa cao vài ba mét cộng với gió tạt thì chỉ có chạy chứ đừng nói chuyện chữa-anh Tuấn cho biết.
Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, các chủ rừng được trả 300.000 đ/ha/năm, mức như vậy mới phù hợp với cuộc sống người dân trồng, gác rừng ở thành phố. UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị thành phố hỗ trợ thêm kinh phí để nâng mức tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng ở Sóc Sơn đạt mức 175.000 đ/ha/năm. Nghe nói thành phố đã “gật”.
Không ít vụ cháy rừng Sóc Sơn do bên tỉnh bạn Thái Nguyên, Vĩnh Phúc lan sang. Huyện và các xã của Sóc Sơn đã nhiều lần đề nghị các xã bên đó liên kết phòng chống cháy... nhưng tình hình chẳng sáng sủa gì. Các đường băng ngăn lửa được xây dựng nhưng đâu phải ngăn cản được tất cả. Công tác bảo vệ, PCCR ở Sóc Sơn sẽ tốt hơn nếu có đủ các thiết bị cần thiết: máy cắt cỏ để hạ thấp thực bì, quần áo bảo hộ dùng để chữa cháy... Và nếu có sự liên kết ở cấp cao hơn về vấn đề PCCR với các tỉnh bạn thì những vụ cháy rừng không đáng có sẽ được hạn chế tối đa. Tuy ở khá xa trung tâm nhưng rừng Sóc Sơn được các nhà khoa học đánh giá như một tấm lọc không khí, lá phổi của thành phố. Nếu lá phổi không được bảo vệ cẩn thận...
HNM
VietBao.vn