Chiều quê, chú bé vắt vẻo lưng trâu thổi sáo, vài bông lau phơ phất, dòng sông trải dài giữa đôi bờ cát với dáng người lái đò nghiêng nghiêng. Vũ nữ Chàm uốn cong mình bên hình tháp cổ. Bóng hạc múa dưới trăng, người ngồi câu trầm ngâm trên bến khuya lau lách, không gian như nghiêng về mộng từ những gì rất đời thực... Tất cả là tranh, là các tác phẩm sống động không phải được tạo nên bởi giấy lụa, sơn dầu, cây cọ... Với sự khéo léo, tỉ mỉ và lòng đam mê nghệ thuật, người phụ nữ ấy đã thổi hồn vào từng hạt cát nhỏ li ti nhiều màu lấy từ chính quê chồng mình - Mũi Né, Phan Thiết.
![]() |
Chị Ý Lan |
Tình yêu thiên nhiên
"Ban đầu chỉ là sự tình cờ, khi cùng chồng về thăm Phan Thiết, đi dọc bờ biển, chị thấy những đồi cát uốn lượn đẹp vô cùng, rồi nói anh dừng lại kiếm tìm. Chị tìm được ba màu cát: cam sậm, cam nhạt và vàng. Đầu tiên mang về đổ vào bình thuỷ tinh để cắm hoa, chợt thấy các hạt cát len vào nhau như từng đợt sóng biển, tạo màu tương phản hấp dẫn. Đột nhiên, chị nghĩ sao không làm ra cái gì đó từ những hạt cát quý báu ấy...", chị Ý Lan kể về cái duyên
Như một đứa trẻ, cầm chiếc thìa và ly thuỷ tinh, đổ cát ra, xúc cát vào, mà từ 11 màu cát hoàn toàn tự nhiên (như màu boocdo, vàng nhạt-sậm, nâu, xám, đen, trắng...), chị đã tạo ra những bức tranh mục đồng, hình thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài trắng hay tượng phật Thích ca từ bi tỏa hào quang... Từng chi tiết uốn lượn, những nét tạo hình cân đối đều mang độ sắc đến ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì dụng cụ vẽ tranh
"Chị không thể quên cảm giác hồi hộp, vui sướng mỗi khi tới lại đồi cát tìm màu. Đồi cát giống như là của riêng chị vậy. Nhiều người hỏi sao không nhuộm thêm màu xanh hay vàng chói, chị trả lời không cần thiết bởi chị thấy đã quá đủ, quá tuyệt vời để tạo hình từ những màu nguyên thuỷ của cát tìm được. Đó là tông màu rất ấm và sang trọng mà không cần bất cứ sự can thiệp nào của con người", Ý Lan say sưa nói. "Chỉ cần từ màu trắng và màu xám, mình có thể tạo nên chùm ánh sáng, dội xuống cảnh vật làm bức tranh có hồn người, mang tinh hoa của cát, có âm thanh của tiếng sóng biển Phan Thiết và nhịp sống của người dân làng chài... Rất nhiều khách quốc tế chứng kiến cho rằng, đó là cát nhuộm, vì họ không ngờ biển của mình lại có nhiều màu cát đẹp đến vậy. Chị đã đổ cát tại chỗ cho họ xem và họ chỉ lắc đầu nói tiếng không thể tưởng tượng".
![]() |
Ý Lan có lần đùa chồng: "Sao ở chính quê hương mình, lại không biết trân trọng cát, lại không sử dụng được sự ưu đãi của thiên nhiên để làm đẹp cho cuộc sống, cho mỗi người?". Nhìn Ý Lan khéo léo rắc từng hạt cát li ti trong chiếc ly, thấy chị giống như người gieo hạt nâng niu, trân trọng và háo hức đón chờ ngày hái quả. Ý Lan cần mẫn lấy từng mảng lớn mầu nâu sẫm ở vách núi, đem về tự tay say, sàng hay tỉ mẩn nhặt từng con sò, vò hến, mảnh lá thông lẫn trong cát xám để nguyên liệu làm tranh được tinh khiết, thanh sạch. Chị chẳng ngờ mình tạo ra được các tác phẩm được người đời yêu thích từ hạt cát bình dị hoang sơ, chẳng ngờ một ngày khám phá nét duyên riêng của cát...
Tấm lòng bao dung
"Có những người đam mê tranh cát, từ An Giang, Vũng Tàu cũng lặn lội về xin học. Chị đã dạy cho hơn mười người. Chị không lấy học phí của những em khuyết tật. Chị cũng chỉ mong được giúp họ vượt qua khó khăn của bản thân, theo đuổi sáng tạo", Ý Lan tâm sự. Từ lần tham gia vẽ tranh, gây quỹ giúp các em nhỏ bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam do Hội phụ nữ TP.HCM tổ chức, chị đã có ý tưởng xây dựng riêng một khu thư giãn và dành 40% doanh thu làm từ thiện.
Ý Lan cho biết: "Chị chỉ nghĩ đơn giản là Việt Nam có những nguồn tài nguyên quý báu thế này, các khách quốc tế tới đây xem những giỏ mây đan, đồ mỹ nghệ tre, lá hay tranh thêu đã quá nhiều. Cần có gì mới mẻ, thu hút hơn. Tranh cát là môn nghệ thuật mới, độc đáo. Chị có thể đào tạo một số thợ và mở khu thư giãn. Khu sẽ trưng bày các tác phẩm tạo hình từ cát thiên nhiên, người nước ngoài có thể đến xem, tham quan, và thậm chí học làm tranh ngay ở nơi đó". Tôi nhớ đến lời của một chuyên gia du lịch châu Âu rằng: "Việt Nam các bạn có rất nhiều tiềm năng du lịch, từ thiên nhiên đến cuộc sống con người đều mang nét hấp dẫn khách quốc tế. Vậy tại sao chỉ nghĩ Đem văn hoá Việt Nam đến với thế giới mà không để Thế giới biết đến văn hoá Việt Nam?".
Ý Lan đã từ chối những lời mời hấp dẫn từ nhiều nhà doanh thương Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản về việc độc quyền mua tác phẩm tranh cát của chị cũng chỉ vì mong muốn Cái đẹp thuộc về mọi người... Ý Lan kể: "Chị chứng kiến rất nhiều em nhỏ theo bố mẹ đến phòng trưng bày tranh, ánh mắt như hút vào tác phẩm. Chị nghĩ phải đáp đền sự mến mộ dễ thương ấy. Chị làm riêng một mảng với những các em chơi đùa hay hình con giống ngộ nghĩnh".
Từng nét chữ uốn lượn trong tranh của Ý Lan như mang dáng dấp Thiền. "Thôi kệ mọi việc rồi cũng qua", "Hay yêu thương và tha thứ", "Trăng soi bóng trăng còn ước mộng -Nước chảy đôi dòng nước vẫn mơ"... Tôi hỏi chị chỉ cười. "Chỉ là sự tĩnh tại thôi, nếu để cái tâm bình yên thì mới tạo được hồn cho tác phẩm. Chị rất thích chữ Thôi kệ của anh Thanh Sơn - một nhà Thư pháp chữ Quốc ngữ. Nếu chữ Nhẫn bắt con người ta phải ép mình chịu đựng thì chữ Thôi kệ lại giống như lời tự nhủ nhẹ nhàng, thanh thoát và rất thuần Việt. Từ đó, chị làm chữ Thôi kệ rất nhiều"...
![]() |
Nói thì nói vậy thôi, chứ làm sao chị Thôi kệ được lòng người yêu tranh, Thôi kệ được người dân làng chài Mũi Né ngày gọi nhau đi te, kéo lưới, chiều về sống trong túp nhà lá buông nghèo khó, Thôi kệ được những đồi cát chảy dài bao năm lặng yên chờ chị làm cho Sống...
- Diệu Thuý