Chốn an cư... nhà cao cao mãi.
Người xưa có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Nếu xét theo thuật phong thuỷ là nhà phải dựa vào núi hướng ra sông, hay không để đầu hồi nhà nọ chọc thẳng vào nhà kia, hoặc tránh đường đâm thẳng vào cửa nhà cùng với hướng nhà phù hợp với gia chủ mới có được điều kiện đầu tiên của sự an cư thì có lẽ hầu hết người Hà Nội khi nghĩ về nơi mình ở đều... phát khóc! Rất ít sự lựa chọn ở nơi đất chật người đông này. Phố cổ với “bản năng chịu đựng”
Ngôi nhà của anh bạn tôi ở khu phố cổ là một ngôi nhà có kiến trúc hình ống truyền thống, giống như chiếc toa tàu hoả với một hành lang đi bên cạnh, thông thống suốt từ mặt phố vào đến tận trong cùng dài gần 40m. Dù là khách hay là người đồng cư đều đi lại trên hành lang đó và hoàn toàn có thể thoả mãn trí tò mò của mình mỗi khi qua lại, bởi tất cả các hộ dọc theo hành lang ấy không hề có một cánh cửa để tạo nên sự cách biệt giữa chung và riêng. Thật ra, cánh cửa không chỉ có giá trị duy nhất là đảm bảo an ninh cho người có chủ quyền phía bên trong cánh cửa, mà phàm ai đã ở trong tình trạng quần cư ấy, về mặt sở hữu thì cánh cửa là sự khẳng định chủ quyền, còn về khía cạnh quan hệ xã hội thì khi cánh được đóng lại, không có gì khác hơn là tín hiệu ngừng giao tiếp đã được phát ra. Vậy mà họ đã ở được như vậy từ gần 50 năm nay mà chẳng có sự xâm lấn nào xảy ra và cũng chẳng có bất kỳ “tín hiệu” nào cả, họ vẫn sống và vẫn rất bằng lòng với cái đang có.
Một bận, anh bạn tôi tổ chức bữa đầy tháng cho đứa con thứ hai của mình, khi cỗ bàn đã được bày biện, ly cốc đã chuẩn bị rộn ràng thì ông hàng xóm rảo bước tới, khách chúng tôi nhất loạt đứng dậy để nhường chỗ, nhưng chủ nhà khoát tay ra hiệu cứ yên vị vì bác hàng xóm đáng kính đang tiếp tục rảo bước vào nhà vệ sinh chung phía cuối cùng của “toa tàu”! Chưa dám bàn tới chuyện vệ sinh chung khi hè về, lúc trời nồm, khi nước ngập trời mưa, chỉ cần hình dung cảnh bỗng dưng có hôm Tào Tháo đuổi vài ba vị trong nhà mà thấy... căng thẳng! “Tình trạng của nhiều khu nhà trong phố cổ cũng không khá hơn là mấy”, anh bạn tôi nói. Và để củng cố quyết tâm không chuyển đi đâu hết, họ cùng nhau cơi nới tới mức có thể và cố làm bằng được những công trình phụ riêng, để có khi 3, 4 thậm chí là 5 đầu vào mới có một đầu ra. Có lẽ đó là lý do giải thích vì sao những tờ giấy dán tường thông báo tên cơ sở dịch vụ thông tắc bể phốt có mật độ dày đặc trên khu phố cổ ?!
Giá đất mặt tiền ở mấy khu phố cổ của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào lên tới nửa tỷ đồng mỗi m2, ngay cả những căn nhà thụt sâu vào trong, tuyệt đối không có một tí ti lợi thế kinh doanh nào cũng có giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2. Giá trị ở đây không bao gồm điều kiện sống, có lẽ thế, nhưng có điều để có thể tồn tại được trong những căn nhà như thế, chịu đựng đã trở thành bản năng của họ và đã là bản năng thì nó giống như là ngứa thì đưa tay gãi, sờ phải bỏng thì rụt tay lại thôi.
Chung cư cũ và những người không sợ chết
Những dãy nhà tập thể ở các khu Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Thanh Xuân..., một thời là mơ ước của biết bao người, nay có lẽ đã thành những địa chỉ không dành cho những người yếu bóng vía!
Thôi thì không bàn tới những căn nhà vội vàng với móng nông trên nền đất thiếu ổn định đang nghiêng ngả ở Thành Công, Giảng Võ, cũng chẳng bàn đến những căn nhà còn sót lại sau 40-50 năm dầm mưa dãi nắng ở khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, chỉ cần đến những căn nhà mới xây được quãng mươi năm tại khu Thanh Xuân mà thấy ghê.
Với liên kết tấm lớn, những căn nhà lắp ghép được người ta xây dựng như sau: đúc sẵn các tấm bê tông với các kích cỡ đã được định sẵn, sau đó vận chuyển tới công trường và cẩu lên để hàn các đầu cốt thép được làm chìa ra sẵn ở các điểm cần liên kết. Nếu rủi, chỗ nào cần hàn để liên kết mà đầu thép thừa đã không còn (hoặc bị hụt khi đo, hoặc rụng khi vận chuyển) công nhân chỉ việc lấy búa gõ bê tông ra cho tới khi thấy cốt thép sau đó gá thêm một đoạn thép khác, lửa hàn toé lên, vữa trát lại thế là liên kết đã hoàn thành! Sau vài mùa mưa, những đám vữa mác thấp ấy rụng xuống và mối liên kết ban đầu của mấy anh thợ hàn lộ ra, quá trình ô xi hoá diễn ra nhanh chóng trong sự thản nhiên đến kinh ngạc của các cư dân nơi đây. Họ bình tĩnh trát, chít lại chỉ vì nước thấm vào nhà chứ không phải vì sợ cả bức tường đổ ra (kể từ ngày xuất hiện nhà bê tông tấm lớn đã có bức tường nào đổ ra đâu mà sợ!)
Sau khi không bị thấm dột, các cuộc cơi nới để “khoác những chiếc ba lô” cho căn nhà tiếp tục diễn ra không cần tính toán. Chỉ sau vài năm sử dụng, căn nhà vốn đã thô kệch đã bị biến thành hình dáng của kẻ phù thũng, chòng chành trên cặp chân nhỏ.
Bỏ qua những chuyện xấu nhất có thể xảy ra, tôi đi vào nhà E của khu tập thể Thanh Xuân bắc. Cầu thang dốc tới hơn 30 độ và rất hẹp, mò qua khoảng tối (mặc dù đang là ban trưa) chỗ chiếu nghỉ tầng một để lên tầng hai, suýt tôi dẫm phải chiếc kim tiêm nằêm lăn lóc ngay lối đi. Hoảng hốt, tôi cúi xuống để dò từng bước thì mùi khăm khẳm lưu cữu nơi đây xộc vào mũi, khốn khổ đi nhanh thì vấp phải kim tiêm, dò từng bước thì tận hưởng mùi xú uế, có lẽ người dân nơi đây cũng phải lấy chữ nhẫn làm đầu!
Leo lên tầng 5, ước lượng khoảng cách và nhìn lối đi mà thấy hoảng: nếu xảy ra hoả hoạn, xe cứu hoả không vào được đã đành, mà người ở trên cũng khó bề thoát xuống được. Với độ dốc và gấp khúc của cầu thang như thế này, không kể trong các trường hợp khẩn cấp, chỉ cần trong điều kiện bình thường, thanh niên có sức khoẻ cũng khó lòng có thể phóng nhanh từ trên xuống dưới.
Chung cư cao cấp - niềm hy vọng cuối cùng
Phố cổ thì “xã hội hoá” cao quá, nhà tập thể thì cũ nát, đất thì đắt xịt khói, xem ra lối thoát cuối cùng là những chung cư cao cấp (tạm gọi là như vậy vì vẫn chưa có tiêu chuẩn nào để xếp hạng cao hay thấp cho những khu chung cư đang được xây dựng hiện nay).
Cú vấp đầu tiên sẽ là giá cả. Nếu chịu khó đi xa ra tận Mỹ Đình, Linh Đàm, giá sàn bình quân của khu vực này cũng phải 8 triệu đồng/m2, nếu muốn thuận tiện hơn, gần phố hơn và có “mác” cao cấp hơn mà động vào những khu ven đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, vùng Trung Hoà - Nhân Chính thì lại động tới tiền tỷ. Nếu tính thu nhập của người đi làm hiện nay, chỉ cần để sắm được những căn hộ loại nhỏ trên những tầng cao nhất có giá khoảng trên 400 triệu đồng, cũng phải mất khoảng 300 tháng đi làm với điều kiện chỉ hì hụi tích cóp mà thôi.
Nhưng tiền tỷ bỏ ra liệu đã được như ý? Nếu theo lý giải từ phía các chủ đầu tư thì tất nhiên là hoàn toàn yên tâm, tất cả các khoản từ an toàn thoát nạn tới phòng cháy chữa cháy và các sự cố khác, bởi thật đơn giản nếu có đạt tiêu chuẩn thì họ mới cho dân vào ở, chứ đời nào lại khuyết đi một vài tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ngay tại bản báo cáo tổng quan của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội đã cho thấy, có công trình có một thang thoát nạn, có công trình có 2 thang thoát nạn, lại có công trình không có thang thoát nạn như khu B7 - B10 Kim Liên. Do vậy ông Nguyễn Việt Châu, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Kiến trúc Bộ Xây dựng đã cho rằng: “Các công trình nhà chung cư hiện được xây dựng tại Hà Nội đều tuân theo những tiêu chuẩn không phải của Việt Nam”. Và, vì vậy để ngã ngũ thế nào là chuẩn, thế nào là không chuẩn chắc còn tranh luận mệt, chỉ đến khi sự cố xảy ra mới biết thế nào là chuẩn. Ông Châu cũng nhấn mạnh rằng, vì từ trước tới nay chúng ta tạm thời vẫn phải sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong thiết kế và thi công xây dựng nhà chung cư cao tầng (dù đã có chỉnh sửa theo điều kiện khí hậu và thời tiết Việt Nam), nhưng độ an toàn tuyệt đối thì không thể khẳng định được. Và vì vậy, việc nghiên cứu, lập nên bản Dự thảo về tiêu chuẩn xây dựng chung cư hiện đang được Viện Nghiên cứu Kiến trúc gấp rút hoàn thành.
Có lẽ mỗi người vẫn đang có một địa chỉ để nhận thư, để bạn hữu tới thăm và để che mưa che nắng, nhưng “rồi sẽ ở đâu” vẫn là câu hỏi của không ít hơn 3/4 số dân Thủ đô Hà Nội.
Theo Đầu Tư
VietBao.vn