 |
Bia tưởng niệm vụ thảm sát Vinh Cường. |
Cách di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn 5km về hướng Bắc, xã Duy Tân nằm ngay trên bờ Nam sông Thu Bồn. Người ta thường biết về xã phía Tây này của huyện Duy Xuyên qua các di tích đền thờ bà Thu Bồn với lễ hội trang trọng hằng năm hoặc khu công nghiệp An Hòa thuộc huyện lỵ Đức Dục xây dựng từ thời Ngô Đình Diệm nay đã hoang phế. Thật ra, trong bụi mờ của thời gian và những tất bật của cuộc sống áo cơm thường ngày, người dân Duy Tân vẫn mang trong lòng những vết thương đến tận bây giờ, 30 năm sau chiến tranh…
Mảnh đất ken dày bia tưởng niệm
Từ huyện lỵ Duy Xuyên đi về phía Tây khoảng 20 cây số, qua cầu Mỹ Lược là bước vào đất xã Duy Tân. Cách cầu vài chục mét, một bia tưởng niệm bằng đá cẩm thạch hình chữ V sừng sững bên vệ đường. “Cách nơi này 20 mét về phía Đông Nam, chỗ hàng tre ven suối, nơi có căn hầm bí mật hình thước thợ (L). Từ 10h đến 14h ngày 1/5/1971 đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa 8 cán bộ, chiến sĩ giải phóng, an ninh huyện Duy Xuyên, du kích xã Xuyên Phú (nay là Duy Tân, Duy Phú), nhà văn - nhà báo Chu Cẩm Phong - Trần Tiến, các cán bộ lương thực tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên với hơn một tiểu đoàn liên quân Mỹ nguỵ”. Tác giả Rét tháng Giêng, Nhật ký chiến tranh… nhà văn Chu Cẩm Phong, đứa con tài hoa của Hội An đã hy sinh cùng 3 người khác trong trận đánh này sau năm năm rời ghế đại học vào chiến trường quê hương…
Được khắc bia tưởng niệm “trên đất lành Duy Xuyên” sau chiến tranh không chỉ có Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý. Chỉ riêng ở Duy Tân, một xã chưa đầy 6 ngàn dân với 1.500 liệt sỹ, 129 bà mẹ Việt Nam anh hùng này, còn có 124 thường dân vô tội là các cụ già, trẻ em và cả những phụ nữ đang còn mang thai đã bị tàn sát hết sức dã man. Anh Trần Thu, nguyên xã đội trưởng thời chiến tranh và anh Nguyễn Mười, ủy viên văn xã địa phương đã đưa chúng tôi đến thôn Phú Nhuận 2 và Vinh Cường. Cả hai nơi chỉ cách trụ sở xã chưa đầy cây số này đã từng xảy ra 3 vụ tàn sát tập thể: Ngày 8/8/1947, lính Pháp đã bắn chết 14 cụ già, 8 phụ nữ và 13 trẻ em ở Phú Nhuận 2. Hai mươi năm sau, ngày 26/4/1967, liên quân Nam Hàn và Mỹ đã càn quét và đốt sạch thôn Phú Nhuận bắn chết 52 thường dân khác. Rồi một năm sau, ngày 15/8/1968, trung đoàn 5 thuộc sư đoàn American sau khi gọi máy bay thả bom đã tràn vào xóm Vinh Cường nã súng xối xả làm 37 người thiệt mạng. Trong vụ này, chỉ riêng căn hầm của gia đình bà Hồ thị Cúc đã có 24 người đang tránh bom bị bắn. Trương Tê, nay là công an xã Duy Tân, lúc đó mới 6 tuổi là người sống sót duy nhất nhờ được xác mẹ anh lấp lên trên…
Trong các bia tưởng niệm thiêng liêng ấy, vì xã nghèo, dân lại đóng góp quá nhiều khoản, có tấm chỉ hoàn thành được một nửa…
Và những tấm bia… sống
Trong căn nhà thưng phên tre đã rách bươm của vợ chồng Trần Lộc ở xóm Minh Kỳ thuộc thôn Thu Bồn Đông, chúng tôi không cầm được nước mắt khi thấy người đàn ông bốn mươi tuổi bế đứa con gái đầu lòng 15 tuổi để giúp em làm vệ sinh. Cô bé Trần Thị Mỹ Diệu, sinh năm 1990 đầu tóc húi cua, tay chân cứng đờ, giơ xương cứ vung qua vẫy lại chẳng theo một sự điều khiển nào. Diệu đã như thế khi vừa sinh ra. Khi đói chỉ biết kêu ú ớ. Khi cần người giúp làm vệ sinh cá nhân thì đạp chân, vung tay tứ tung trên giường để tạo ra tiếng động. Thời tiết khắc nghiệt khiến Mỹ Diệu liên tục lên cơn động kinh. Lúc đó, chỉ có một loại thuốc duy nhất màu hồng có tên Phenolbarbital 100mg nhận từ trạm y tế địa phương về uống. Thuốc uống nhiều năm, nay cũng ít tác dụng. Trần Lộc kể. Vợ chồng anh đã được ngành y tế khám và xác nhận nhiễm chất độc màu da cam. Có 4 đứa con gái, thì ba đứa đầu đều mang các di chứng khác nhau từ cha mẹ…Trưởng ban văn xã Nguyễn Mười kể, đây là vùng oanh kích từ do nên đã hứng chịu tất cả mọi loại bom và chất khai quang có trong chiến tranh. Toàn xã có 49 gia đình là nạn nhân của chất độc màu da cam, mà gia đình Trần Lộc chỉ là một điển hình…
Chị Trần Thị Phước không phải là nạn nhân chất độc hóa học. Nhưng người phụ nữ 50 tuổi, không biết chữ, không có chồng này (đề nghị chúng tôi đừng chụp ảnh) đã gửi toàn bộ tuổi thanh xuân của mình ở chiến trường khu 5 với vai trò một nữ thanh niên xung phong. Hết gùi đạn lại mở đường. Hết chiến tranh lại lên Tây Nguyên tham gia xây dựng kinh tế. Đơn vị giải thể lại về quê làm thủy lợi đến quên cả việc chồng con. Khi nhớ sực ra thì đã muộn. Bèn… tự túc được một bé gái. Hai mẹ con cùng cô em gái cùng cảnh ngộ ở chung trong một căn nhà lụp xụp. Cô gái nay đã 20 tuổi phải đi bán cà phê thuê ngoài chợ còn người mẹ mỗi ngày lội bộ cả đi lẫn về 12 cây số vào rừng Mỹ Sơn chỉ để mang về một gánh củi trị giá… 12 ngàn đồng. Một sào lúa cho 3-4 miệng ăn và những bữa cơm rau mắm là hình ảnh quen thuộc của 23% dân số thuộc diện đói nghèo toàn xã Duy Tân mà theo lãnh đạo xã cho biết, với 1,7 tỉ tiền trợ cấp hàng năm từ ngân sách cũng sẽ khó thay đổi được số phận của họ…
Câu hỏi sau chuyến đi
Toàn xã Duy Tân có 275 ha lúa, gần 200 ha đất màu và vườn tạp. Là một xã thuần nông vì ngành nghề chưa phát triển. Ngày chúng tôi ở Duy Tân, cán bộ xã đang lên các thông báo thu nợ đến 14 khoản “chỉ tiêu nghĩa vụ” để gửi cho từng hộ qui theo tiền và lúa. Trong các khoản nộp, có khoản thứ 7 thuộc chỉ tiêu “xây dựng bia” tưởng niệm còn nợ. Trưởng ban văn xã địa phương nói phần còn lại của tấm bia tưởng niệm vụ thảm sát ở Vinh Cường sẽ là một bức phù điêu khoảng chưa đầy một mét vuông. Một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Đà Nẵng “đòi giá” đến…15 triệu. Vì xã thiếu tiền nên đành để lại.
Sau những cuộc chiến tranh dai dẳng, hai phần ba dân số toàn xã Duy Tân là các đối tượng chính sách. Lãnh đạo xã tâm sự “Vì ai cũng thuộc chính sách ưu tiên cả nên cuối cùng chẳng còn thấy giá trị của sự ưu tiên”. Những gia đình như anh Trần Lộc, chị Trần Thị Phước cũng thuộc đối tượng ưu tiên của xã nhưng vẫn còn ở nhà cửa rách nát, bữa đói bữa no. Nhật Ký của Chu Cẩm Phong vừa được xuất bản là những câu văn đẫm máu từ những ngày đen tối ấy… Tưởng niệm về những mất mát tinh thần trong chiến tranh dành cho họ là gì, giá cả bao nhiêu? Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi mà chưa biết trả lời…
Trương Điện Thắng
|