 |
Mang hàng cứu trợ của báo TS lên vùng cao của xã Trà Tập, huyện Nam Trà My |
Vượt qua những con đường do lũ lụt tàn phá với những ổ trâu, ổ voi lầy lội, có nơi phải nhờ đến xe ủi, xe xúc mở đường phía trước và những ngầm đá vùng cao gập ghềnh, liên tiếp trong hai ngày 22 và 23-10 đoàn công tác xã hội báo TS đã mang những món quà sẻ chia của bạn đọc đến tận những vùng lũ Bình Minh, Bình Chương và Nam Trà My - những vùng đất khó nghèo của Quảng Ngãi, Quảng Nam...
Phận người ở Bình Sơn
Trên đường về những vùng sâu huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi lặng người trước sự xơ xác, tiêu điều còn hiện rõ trên từng cánh đồng, nóc nhà. Nhiều cánh đồng nước vẫn còn ngậm trắng xóa, nơi khác đã bị sa bồi, thủy phá với độ dày 2-3m cát. Nguy cơ là đất phải bỏ trắng không còn khả năng canh tác đã rõ.
Tất tả dựng lại những nóc nhà xiêu vẹo, trên gương mặt mỗi người hằn sâu những âu lo về cái ăn trước mắt cũng như sự mưu sinh lâu dài sau mùa lũ. Tay trắng vẫn hoàn trắng tay.
Bà Võ Thị Lĩnh (thôn Tân Phước, Bình Minh) thở dài nói: “Căn nhà tranh tui ki cóp nhiều năm trời mới dựng được, đêm 17 rạng ngày 18 nước lũ dâng cao hơn cả thước, rồi gió ập đến cuốn hết, cả mấy cái nồi, chum gạo cũng trôi tuột”.
 |
Ông Nguyễn Văn Sĩ, phó chủ tịch HĐNĐ tỉnh Quảng Nam, trao hàng cứu trợ cho ông Nguyễn Rê |
Ông Võ Sỹ (82 tuổi), cũng người Tân Phước, có căn nhà con cháu giúp dựng nên cũng đã theo dòng lũ, nhớ lại: “Nước lên nhanh và xiết lắm, mọi người chỉ kịp đưa tui lên ghe chứ có lấy được gì đâu. Bộ đồ mặc trên người đây cũng là nhờ người ta cho... Có gạo của bà con phương xa, ấm bụng được vài tuần”.
Toàn xã Bình Minh có đến 1.100 ngôi nhà ngập sâu trong nước 1-3m, rồi lúa, mía, mì, bắp cũng đến nghìn hecta bị mất. Các kênh mương bị cuốn trôi, các hồ đập bị xói lở, bồi lấp rất nặng nề...
Ông Võ Chí Công - chủ tịch xã - nói: “Điều tôi lo lắng là khu vực Tân Phước bị vỡ dòng, nước tràn vào khu dân cư đe dọa trên 900 hộ dân đang sinh sống mà không biết di dời ở đâu. Hơn nữa trên 31ha đất sản xuất chính hiện bị cát lấp hết. Bà con có đất giờ cũng như không”.
Hơn 12g trưa 22-10, nhiều bà con đã về đến hội trường của xã Bình Minh. Phó chủ tịch xã Bình Minh Lê Công Cuộc nói: “Đa phần 210 hộ dân nhận quà của bạn đọc lần này, thật sự họ chẳng còn cái gì để ăn cả”.
Sáng 23-10 đoàn công tác xã hội của báo TS đã đưa 210 suất quà của bạn đọc báo TS lên vùng cao huyện Nam Trà My, trao tận tay 210 hộ gia đình bị thiệt hại nặng do lũ quét và sạt lở núi tại các xã Trà Mai, Trà Tập và Trà Nam của huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Trước đó, ngày 22-10, đoàn đã đến hai xã bị lũ nặng nề nhất của tỉnh Quảng Ngãi là Bình Minh và Bình Chương (huyện Bình Sơn) và trao 420 suất quà cho bà con nghèo bị trôi nhà cửa, mất mát tài sản... Mỗi phần quà trị giá 100.000 đồng gồm gạo, mì, đường...
|
|
15g, đoàn công tác xã hội của báo TS đã về với bà con xã Bình Chương. Đây là xã nằm dọc tuyến sông Trà Bồng, đã bị chia cắt từng thôn khi nước lũ tràn về.
Trước sân ủy ban xã là những cụ già, bà lão trong tấm áo mỏng manh, đầu trần; những người nông dân vẻ khắc khổ hằn thêm lớp sau cơn lũ trên từng khuôn mặt, những bàn tay - đôi chân bị rộp lở vì ngâm trong nước lũ. Phó chủ tịch xã Bình Chương Phạm Văn Long tiếp chúng tôi, nói: “Hạt gạo, gói mì lúc này quí giá với bà con lắm!”.
Chị Trịnh Thị Hạnh (thôn An Điềm I) cho biết hai mẹ con chị đang ở tạm trong một... chuồng heo được che chắn lại. Chị nói: “Có hơn nửa tạ thóc trữ lúc mưa lúc gió trên kèo nhà cũng bị trôi mất. Chạy gạo từng bữa mấy hôm nay cũng nhờ đổi mấy con gà, con vịt gửi tránh nước lũ”.
Xác xơ đầu nguồn sông Tranh
Mặc dù đã tìm nhiều cách để lên huyện Nam Trà My, nhưng phải gần tám ngày sau khi cơn lũ quét đầu mùa đi qua vùng thượng nguồn sông Tranh, chúng tôi mới có thể vượt được đoạn đường 110km để đến với bà con vùng lũ quét bởi những trái núi đổ sập gây ách tắc hoàn toàn giao thông, cả huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn như một ốc đảo cách biệt với thế giới bên ngoài.
Cả đoạn đường dài khoảng 20km cuối cùng về huyện đã có trên 80 điểm sạt lở, chúng tôi phải mất gần bảy tiếng đồng hồ vừa đẩy xe và nhờ xe kéo mới vượt qua được. Anh tài xế tên Tùy bảo nhỏ vào tai tôi rằng đây là chuyến đi sinh tử mà cả đời tài xế gần 20 năm chưa bao giờ anh nếm trải.
Đến trung tâm Tắk Pỏ, huyện Nam Trà My đúng 13g, những suất hàng cứu trợ khẩn cấp được chuyển đến tận tay bà con đang chờ.
Ông Hồ Văn Xuoi (60 tuổi) ở làng Tà Lung thôn 4, xã Trà Tập, một xã bị thiệt hại nặng trong đợt lở núi và lũ quét vừa qua bảo: “Hơn một tuần qua cả nhà mình cứ phải ăn bậy bạ cái rau cái củ. Sáng ni mình và 20 hộ trong làng phải vượt bộ gần năm tiếng đồng hồ mới đến được Tắk Pỏ...”. Còn cụ ông Nguyễn Rê - 73 tuổi, dân tộc Xê Đăng ở thôn 2, xã Trà Mai - thì không ngớt lời cảm ơn “cán bộ đã đến giúp đỡ kịp thời bà con của làng...’’.
Suốt trên tuyến đường chúng tôi đi qua nơi thượng nguồn sông Tranh, lũ quét tàn phá nặng nề, dọc bờ sông cây cối nghiêng ngả và chết đứng, những làng đồng bào dân tộc nằm nép mình bên vách núi xác xơ sau cơn lũ đi qua.
Ông Đinh Mướt, bí thư Huyện ủy Nam Trà My, cho biết: “Cái đáng lo của huyện hiện nay vẫn là lũ quét và lở núi. Trong trận lũ vừa qua, đêm nằm nghe núi lở mà xót ruột, cứ mỗi trận lở núi là phát ra tiếng nổ lớn”.
Cũng trong buổi sáng có mặt tại thôn 3, xã Trà Lập, chúng tôi gặp nhiều người dân ở nóc Tu Đinh. Nhìn gương mặt ai cũng phờ phạc bởi hầu như một tuần qua tất cả người lớn, trẻ con đều thức trắng vì sợ núi lở.
Già làng Hồ Văn Hiền kể lại: “Cả một tuần trong mưa lũ mình không ngủ được, phải lo cho bà con cả nóc... Ở trên ni bà con mình khổ lắm, cứ mỗi mùa mưa lũ là lo phờ phạc cả người. Xuống ở dưới vùng thấp thì lo lũ quét, còn lên ở trên cao thì lo sạt núi. Cả nóc mình đã hơn chục lần dời nóc, nhưng không có chỗ nào ở lâu được. Mỗi lần dời nóc là khổ lắm nhưng cũng phải dời. Mỗi năm cả nóc mình phải lo cái chuyện đi coi núi quanh làng sau mỗi trận lũ, có chỗ mô nứt núi là phải lo dời làng đi...”.
Khi quay lại con đường “tử thần” để trở về, hình ảnh những nóc làng các xã vùng cao xác xơ sau lũ quét vẫn cứ theo chúng tôi. Không biết đến bao giờ bà con vùng cao huyện Nam Trà My mới ổn định được cuộc sống sau thiệt hại lớn của cơn lũ này và đối phó làm sao với những con lũ sắp đến...
VIỆT HÙNG - HOÀI NHÂN