Cảm phục trước tấm gương học giỏi của người bạn cùng trường nội trú, cô bé khiếm thị Đỗ Lê Na, hiện đang là học sinh lớp 10 trường Dân lập Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia cuộc thi viết trên báo ''Vì trẻ em khuyết tật'' do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội và báo Hà Nội Mới tổ chức. Tác phẩm dự thi ''Bạn tôi'' của Lê Na đã đoạt giải nhất, giải thưởng cao nhất vì cuộc thi không có giải đặc biệt.
Lê Na tâm sự: ''Em rất vui khi được nhận giải nhất của cuộc thi. Giải thưởng của em có phần đóng góp rất lớn của thầy Phạm Đình Thắng. Thầy là người phụ trách nhóm học sinh nội trú của trường Nguyễn Đình Chiểu và cũng bị hỏng mắt như bọn em. Trước đó em rất lo khi biết mình sẽ tham gia vào một cuộc thi cùng với các nhà báo nhiều kinh nghiệm. Tác phẩm của em rất dễ bị loại từ vòng chung khảo. Nhờ sự động viên, khích lệ của thầy em đã hoàn thành được bài dự thi bằng chữ nổi. Sau đó thầy Thắng đã dịch sang chữ viết phổ thông để gửi đi dự thi''.
Nhân vật trong tác phẩm ''Bạn tôi'' của Lê Na là Đào Thu Hương, người bạn ở cùng phòng nội trú. Thu Hương hiện đang học lớp 9 tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Đúng như lời kể của Lê Na, Thu Hương là một học sinh giỏi và luôn hoà nhã với mọi người. Thu Hương nở nụ cười thật tươi khi được tôi đề nghị chụp ảnh cùng với mẹ. Mẹ em, cô Nguyễn Thị Hạnh cho biết: ''Hai em ở cùng trường nội trú được gần 10 năm rồi và thân nhau lắm''.
Tại Cung thiếu nhi Hà Nội, tôi đã được chứng kiến tình bạn thân thiết của hai em. Sau khi nhận giải nhất, Lê Na được cô giáo dẫn về chỗ Thu Hương và các bạn cùng trường đang ngồi. Hai em từ từ đưa bó hoa về phía trước mặt và cùng cảm nhận mùi thơm của những bông hoa vừa được tặng. Bàn tay xinh xắn của hai em học sinh từ từ và nhẹ nhàng chạm vào những cánh hoa và lẩm nhẩm đọc tên những loài hoa quen thuộc: hoa hồng môn, hoa cúc vàng, hoa hồng đà lạt, mimoza....
Mặc dù, Thu Hương kém Lê Na đến vài tuổi và mỗi em có một sở thích riêng. Thu Hương thích và học giỏi các môn tự nhiên còn Lê Na lại say mê và học giỏi các môn khoa học xã hội. Nhưng chính nghị lực vượt khó và tinh thần ham học của cả hai em đã duy trì tình bạn thân thiết gần 10 năm nay.
Trong bài viết của mình, Lê Na đã miêu tả một cách chân thật hình ảnh và khéo léo đan xen những thành tích mà Thu Hương đã đạt cùng với những sở thích và tài năng của bạn mình. Em viết: ''Ở trường, Thu Hương là một học sinh tiêu biểu. Học hoà nhập với gần 50 học sinh sáng mắt nhưng chưa năm nào bạn để tuột khỏi tay vị trí đầu lớp. Hương còn nói tiếng Anh rất cừ, chơi đàn oóc gan, thập lục rất hay và là biên tập viên tờ báo Hoa nắng của trường. Gần đây nhất năm 2001, bạn còn đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi''.
Kết quả học tập của Lê Na cũng không hề kém so với người bạn học giỏi và tài hoa mà em đã viết. Lê Na liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi từ lớp 2 đến lớp 6 tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Năm lớp 7, em được các thầy cô chuyển sang học hoà nhập với các bạn học sinh lớp 7 trường Minh Khai. Đang học trong trường nội trú, quen thầy quen bạn, nay ra học với các bạn sáng mắt nên em sẽ có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Càng lên cao học chương trình càng khó với em, hơn nữa sách chữ nổi ngày càng ít, em phải nhờ các bạn cùng lớp và thầy cô hướng dẫn và đọc thêm. Không phụ lòng cha mẹ ở xa và sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè, suốt ba năm ở trường Minh Khai Lê Na luôn dẫn đầu lớp. Năm học 2001-2002, Đỗ Lê Na vinh dự được chọn là một trong số 20 học sinh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Không chỉ say mê học tập và học giỏi, Đỗ Lê Na còn là một cây bút nghiệp dư nhiều triển vọng. Trời đã không cho em đôi mắt nhưng đã ban cho em một tâm hồn thơ. Nhiều bài thơ do Lê Na viết được báo Văn nghệ trẻ, báo Lao Động, báo Nhi đồng chọn đăng. Chương trình tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam và Đài tiếng nói Hà Nội cũng có những bài thơ của Lê Na.
Một điều đặc biệt là Lê Na không bao giờ tự gửi bài cho các báo. Lê Na cho biết: ''Năm học lớp 8, em và Thu Hương cùng có sáng kiến thành lập Nguyệt san ''Hoa Nắng'' nhân dịp kỷ niệm thành lập đoàn 26/3/2001. Đầu tiên ''Hoa Nắng'' là tờ báo tường của trường bằng chữ nổi, sau được dịch ra chữ thường. Sau đó một số anh chị nhà báo đã đọc được thơ của em trên ''Hoa Nắng'' và đã tự đưa thơ của em đến các báo''.
Buổi sáng học ở trường Dân lập, buổi chiều Na được các thầy cô ở trường Nguyễn Đình Chiểu phụ đạo, buổi tối em lặng lẽ dùng hai bàn tay sờ những chữ nổi để học bài và làm bài. Ngày nghỉ và giờ nghỉ em làm thơ, học hát và viết báo. Em khoe với tôi, em còn học thêm nghề bấm huyệt chữa bệnh và đã được cấp chứng chỉ của trường y Tuệ Tĩnh.
Khi được hỏi về sở thích của mình, Lê Na nhỏ nhẹ đáp: ''Em thích nghe nhạc của Trịnh Công Sơn và viết báo Hoa Nắng. Môn học trên lớp em yêu thích là môn Văn và môn tiếng Anh''.
Điều gì đã giúp Lê Na vượt lên số phận?
Ngoài những nỗ lực của bản thân, sự dạy bảo, chăm sóc của các thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè, Lê Na còn được các anh chị ở trường Amsterdam, trường viết văn Nguyễn Du hướng dẫn sáng tác văn học, dạy tiếng Anh... Đặc biệt, em còn có một người mẹ thật tuyệt vời. Từ khi sinh ra em đã không được thấy ánh sáng của cuộc đời và càng thêm bất hạnh khi không biết bố mẹ đẻ của mình là ai! Mẹ nuôi của em bây giờ, cô Lê Thị Bích Thuỷ ngày ấy còn là một cô gái trẻ, đang làm y tá ở Bệnh Viện Khe Sanh, Quảng trị đã dũng cảm đón nhận một hài nhi mù vô thừa nhận để nuôi em lên người.
Được hỏi về những kỷ niệm về Lê Na bé bỏng, cô Thuỷ rơm rớm nước mắt kể: Hồi mới hai tháng tuổi, bé Lê Na bị sốt rất cao, cô rất sợ em bị chết nên đã khóc ầm lên, các bác sĩ ở phòng bên cạnh vội vàng chạy sang hỏi sự tình. Cuối cùng bé Lê Na phải bị tiêm thuốc ký ninh để chống bệnh sốt rét. Lúc Lê Na 7 tháng, cô được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba, Đồng Hới Quảng Bình. Bé Lê Na được gửi ở nhà bà ngoại. Có lần em bị tiêu chảy, ông bà ngoại lo lắng tưởng không qua khỏi vì lúc đó em bị mất nước, nên 2 mắt sâu hoắm, nhưng sau đó được các bác sĩ cứu chữa nên đã qua khỏi.
Năm Lê Na 6 tuổi, cô đã xin cho em được cùng đi học lớp một với em Thùy Linh, nhưng nhà trường không cho phép. Cô bật khóc nức nở vì lo cho tương lai của em không được sáng sủa. Sau đó cô chỉ dám xin cho em đến lớp để nghe và không dám học chính quy. Hết lớp 1, do không có tiền đóng góp nên bé Lê Na phải ở nhà.
Năm 1993, nhân dịp đội văn nghệ của trường Nguyễn Đình Chiểu biểu diễn tại tỉnh Quảng Bình, cô Thuỷ đã đến gặp ban lãnh đạo trường để xin cho bé Lê Na (lúc này đã 12 tuổi) chưa biết chữ được ra Hà Nội theo học tại trường. Nguyện vọng của cô được các thầy chấp nhận. Gần mười năm ròng kể từ ngày hai mẹ con dắt díu nhau từ Quảng Bình ra Hà Nội, cứ một vài tháng cô Thuỷ lại lặn lội ra thăm con, mang theo những đồng tiền chắt chiu dành dụm để đóng góp với nhà trường nuôi dạy học.
Hoàn cảnh gia đình của Lê Na rất khó khăn, hè năm ngoái mọi người cứ nghĩ là bé Lê Na sẽ không được theo học nữa. Hiện nay, mẹ em đã là y tá trưởng nhưng lương y tá chỉ có 700.000 đồng/tháng không đủ nuôi 3 em nhỏ dưới Na đang tuổi ăn học, hơn nữa mỗi tháng mẹ đã phải gửi cho bé Lê Na 200.000 đồng tiền ăn. Bố mẹ Lê Na vừa mới ly dị nhau nên mọi vất vả đều đổ lên đầu mẹ em. Mẹ em phải tăng gia 5 con lợn để có thêm tiền cho các con ăn học.
Cuộc sống và học tập phía trước của cô bé khiếm thị Lê Na còn rất nhiều khó khăn và vất vả. Nhưng em vẫn quyết tâm và nuôi hy vọng trở thành nhà báo. Em tâm sự, ban đầu em ước mơ là học viên của trường viết văn Nguyễn Du, nhưng nghe các anh chị nói, trường đó 4 năm mới tổ chức thi một lần, và đến năm em tốt nghiệp thì trường lại không tổ chức. Vì vậy, khi tốt nghiệp em sẽ thi vào Khoa báo chí trường Khoa học Xã hội và Nhân văn và chờ đợi kỳ thi tới của trường viết văn Nguyễn Du!
-
Vũ Lê