Một cửa hàng Karaoke trên phố Trần Phú
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng trên 2000 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke. Đây là một hoạt động sinh hoạt văn hóa bổ ích, lành mạnh được nhiều người ưa thích. Vài năm trở lại đây, rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke đã sử dụng tiếp viên "ngồi bàn" để thu hút khách khiến cho loại hình sinh hoạt văn hóa này đang dần bị biến tướng, cá biệt có nơi trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội trá hình. Trước tình trạng trên, Vụ Pháp chế (Bộ VHTT) đã có văn bản trình Chính phủ về chủ trương và biện pháp quản lý đối với loại hình karaoke. Không ai có thể phủ nhận tính năng độc đáo của loại hình Karaoke. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa vừa hiện đại vừa có giá trị thẩm mỹ được nhiều nước trên thế giới công nhận. Chỉ sau khoảng 10 năm loại hình này du nhập vào Việt Nam, tốc độ phát triển của nó rất nhanh, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn. Chẳng nói đâu xa, ngay tại thủ đô, người ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng Karaoke ở hầu hết các ngõ ngách của Hà Nội. Loại hình sinh hoạt kiểu " thử làm ca sỹ" này không chỉ phục vụ lớp trẻ mà nhiều người già cũng đặc biệt thích. Nhớ lại thời gian cách đây 3 năm, ở một số cơ quan công sở người ta còn tổ chức thi hát Karaoke. Từ những cuộc thi này, đã phát hiện ra khá nhiều giọng ca "cây nhà lá vườn" và chính họ đã đóng góp không nhỏ vào phong trào nghệ thuật quần chúng. Vì tính năng ưu việt của loại hình sinh hoạt văn hóa này, nhiều gia đình khá giả có thể bỏ ra vài ba chục triệu đồng mua một dàn âm thanh hiện đại để sử dụng. Điều đó chứng tỏ Karaoke có sức thu hút đặc biệt với công chúng.
Tuy nhiên, khi Karaoke được người dân ưa chuộng thì mặt trái của nó lại nảy sinh hàng loạt những vấn đề nhức nhối. Để " câu khách" hầu hết các cơ sở đều sử dụng tiếp viên nữ và đối tượng khách hầu hết là những " đấng mày râu". Lúc đó, Karaoke không còn là hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh mà trở thành tụ điểm ăn chơi có dấu hiệu tệ nạn xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này đã bị bắt quả tang vì có hành vi môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm. Một vấn đề bức xúc không kém đó là hệ thống cách âm, ánh sáng cũng như công tác giữ gìn an ninh trật tự... ở các quán hát này không bảo đảm.
Trước thực trạng trên, ngày 2/2/2004, Vụ Pháp chế( Bộ VHTT) đã có văn bản trình Chính phủ về chủ trương và biện pháp quản lý đối với loại hình dịch vụ Karaoke trên địa bàn cả nước. Nếu chủ trương này được chấp thuận thì kể từ ngày 1/1/2005, cấm tất cả các tổ chức cá nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ Karaoke. Đối với các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đã có giấy phép kinh doanh thì được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn ghi trong giấy phép.
Ngay sau khi có những thông tin về chủ trương này, nhiều người dân tỏ tý không tán đồng. Họ cho rằng đây là biện pháp quản lý theo kiểu “ cực đoan”. Đành rằng có một số cơ sở đã lợi dụng Karaoke để biến nó thành tụ điểm mại dâm trá hình và việc chấn chỉnh lại hoạt động này là cần thiết. Tuy vậy, nếu chỉ vì hiện tượng “ con sâu làm rầu nồi canh” mà chúng ta loại bỏ Karaoke ra khỏi đời sống xã hội thì là một sai lầm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đoàn Văn Hiển (quận Đống Đa) nói: Nhà tôi ngay cạnh quán karaoke. Có thời gian bị mất ngủ hàng tháng vì hệ thống cách âm của phòng hát nhà bên không đạt tiêu chuẩn lại thường xuyên hoạt động quá khuya. Tuy thế, tôi vẫn cho rằng Karaoke là một hình thức sinh hoạt văn hoá bổ ích. Nó không có “ tội tình” gì mà chúng ta phải cấm. Vấn đề ở chỗ là biện pháp quản lý hoạt động đó như thế nào?...
Suy nghĩ của anh Hiển cũng là quan điểm chung của đại đa số người dân. Riêng đối với những người kinh doanh trong lĩnh vực Karaoke lại càng bức xúc hơn. Để xây dựng một khu “ liên hợp” với khoảng 20 phòng hát, anh Nguyễn Hữu Vinh (quận Cầu Giấy) đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào cơ sở vật chất với hy vọng kinh doanh dịch vụ Karaoke lâu dài. Khi biết có chủ trương cấm loại hình dịch vụ này, anh thực sự bị “ sốc”. Nói chuyện với chúng tôi, anh không giấu giếm sự lo lắng : Tôi đã bán nhà để lấy tiền đầu tư kinh doanh. Nếu đến năm 2005, hoạt động này bị cấm thì tôi thua lỗ nặng. Hơn 3 năm mở phòng hát, cơ sở của tôi không tuyển một tiếp viên nữ nào, vậy không thể đánh đồng các cơ sở làm ăn chân chính với những tụ điểm ăn chơi trá hình được...
Mặc dù chủ trương cấm kinh doanh loại hình karaoke mới chỉ là dự kiến nhưng nó có ảnh hưởng nhất định tới đời sống xã hội. Việc chấn chỉnh, lập lại trật tự đối với cơ sở kinh doanh karaoke không lành mạnh là hết sức cần thiết song cũng không vì thế mà chúng ta cực đoan loại bỏ hình thức sinh hoạt văn hoá này .
Thanh Tùng
VietBao.vn