Tám giờ tối, Hoàng đang đi bộ trên một cây cầu ở quận 3 thì thấy một ông Tây đang giật tay một đứa bé chừng 10 tuổi đi xe đạp. Cả ba đứa trẻ đi cùng lắc đầu, cưỡng lại thì ông ta lấy khẩu súng nhựa ra chĩa vào, quát bằng tiếng Anh: "Mày không đi tao bắn".
Hoàng đến ngăn lại thì ông ta nhằm thẳng Hoàng bóp cò, những viên đạn nhựa làm ngực Hoàng đau rát. "Mấy đứa đấy là con tao. Nó hư thì tao dạy", ông Tây nói bằng tiếng Anh. Với kinh nghiệm của một đồng đẳng viên đường phố, Hoàng trả lời: "Đây là trẻ lang thang. Nếu chúng nó yêu quí ông thì đã đi theo ông rồi. Ông đừng làm sai để tôi phải báo công an". Người đàn ông lên xe đạp, bỏ đi.
Kỳ 1: 8 tuổi “đi khách”
Kỳ 2: Lạm dụng tình dục trẻ em ở "phố Tây"
Kỳ 3: Theo dấu vết Paul Neil
Vào cuộc
 |
Các em bán hoa, đánh giày ở “phố Tây balô” là mục tiêu tìm kiếm của khách du lịch lạm dụng tình dục trẻ em (ảnh chụp tại góc đường Đề Thám - Bùi Viện, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
|
Hoàng đưa ba em trai 11, 13 và 16 tuổi về Trung tâm Thảo Đàn ăn cơm. Phải mất một lúc lâu ba em mới kể chuyện ông Tây thường xuyên lạm dụng tình dục và đánh đập các em.
Khi các em không làm vừa lòng, ông ta thường lấy khẩu súng nhựa để bắn. "Người đàn ông này quá mất lịch sự, nên Trung tâm Thảo Đàn quyết định báo công an", Hoàng cho biết.
Đó là tháng 6/2002. Nhưng việc báo công an cũng không dễ dàng. Một giáo dục viên nói ở thời điểm đó, một số công an không biết rằng trẻ em trai có thể bị lạm dụng tình dục. Cuối cùng, công an quận vào cuộc và bắt quả tang người đàn ông quốc tịch Đức, H.P.F., 50 tuổi, đang lạm dụng trẻ em trai tại phòng khách sạn.
Ông Nguyễn Chí Sơn, trưởng Công an phường Đa Kao, người trực tiếp tham gia vụ án, cho biết người đàn ông này bị giam ở Chí Hòa, sau đó đưa về xử tù ở Đức.
Công an thành phố đã phối hợp với Lãnh sự quán Đức để giải quyết vụ việc này. Ông ta phải đền bù một khoản tiền cho ba em bé, sau này hai em được đưa về gia đình sống ở Bến Tre và một em ở trại chăm sóc trẻ cơ nhỡ. "Đây là một khía cạnh mới đối với công an. Có ai ngờ những em bụi đời lại có thân phận như vậy", ông Sơn nói.
Đó là một trong số 2-3 vụ người nước ngoài bị bắt tại VN vì lạm dụng tình dục trẻ em trai từ trước đến nay. Ông Sơn nói những vụ việc này rất tế nhị, phức tạp, nếu người bị hại không tố cáo thì công an rất khó vào cuộc. Ông Michael Brosowski - giám đốc chương trình Rồng Xanh chăm sóc trẻ em lang thang - cho hay ông ít gặp trẻ em trai hành nghề này tại Hà Nội. Nhưng gặp nhiều em trai người Hà Nội hoặc từ các tỉnh như Nam Định, Huế "hành nghề" này ở TP.HCM.
Lý do là, theo ông, do thành phố Hà Nội có biện pháp ngăn chặn trẻ lang thang trên đường phố rất cứng rắn nên trẻ tràn vào TP.HCM. Các em trở thành mục tiêu tìm kiếm của những kẻ ấu dâm - những người đàn ông nước ngoài trông rất lịch sự, giàu có, song có những hành vi "rất mất lịch sự".
Nguy cơ "điểm đến nóng"
Ông Nguyễn Trọng An - cục phó Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh & xã hội - nói rằng hiện VN chưa có mạng lưới, hệ thống cán bộ xã hội, tư vấn tâm lý, y tế bài bản để giải quyết tình trạng này, thậm chí nhiều nơi nếu muốn báo về trường hợp lạm dụng trẻ em cũng không biết báo với ai. Ông cũng cảnh báo về tình trạng có đường dây chăn dắt, có những em bé được di chuyển nhiều nơi để "hành nghề" một cách chuyên nghiệp. Trong Bộ luật hình sự VN có điều khoản về chống lạm dụng trẻ em, nhưng chưa có chi tiết cụ thể về lạm dụng trẻ em trai. Theo Ecpat, VN nằm trong số nước có chương trình quốc gia chống xâm hại trẻ em nhưng chưa có các qui định riêng chặt chẽ. Trong khi đó, các nước khác đã có chế tài luật pháp rất mạnh để chống tình trạng này.
|
Nhưng làm sao để bắt và không để "những người đàn ông mất lịch sự" vào VN đang là vấn đề đau đầu từ nhiều phía.
Ông Giorgio Berardi - phụ trách chương trình chống du lịch tình dục trẻ em của Ecpat tại Thái Lan, một tổ chức bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng tình dục vì mục đích thương mại - nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng Đông Nam Á hiện đang là một điểm đến thu hút những kẻ ấu dâm.
"VN đang có nguy cơ trở thành "điểm đến nóng" mới của những kẻ ấu dâm nếu không có những biện pháp đúng lúc", ông nói. Ông cho biết do Thái Lan đang siết chặt việc kiểm soát lạm dụng trẻ em, những kẻ lạm dụng đang di chuyển sang các nước khác trong khu vực như Campuchia và VN.
Những kẻ ấu dâm lan truyền thông tin rất nhanh về những địa điểm chúng dễ tiếp cận trẻ em mà lực lượng an ninh lơi lỏng hơn, chúng khó bị bắt hơn.
Những biện pháp đó là luật chặt chẽ hơn và lực lượng thi hành pháp luật mạnh hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng An - cục phó Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - nói chính quyền có rất ít thông tin và báo cáo về nạn xâm hại tình dục trẻ em nam ở VN do thiếu nghiên cứu.
Ông cho rằng việc này xảy ra chủ yếu ở TP.HCM và Vũng Tàu do những nơi này có báo cáo về một số vụ nhỏ lẻ. Trong một hội thảo chống lạm dụng tình dục trẻ em mới đây, ông Nguyễn Mạnh Tề, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội
Bộ Công an, cho biết tình trạng xâm hại trẻ em ở VN còn nhiều phức tạp, nhất là xâm hại tình dục. Trung bình hằng năm VN xảy ra 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 50% tổng số vụ phạm tội xâm hại trẻ em.
"Trong điều kiện mở rộng giao lưu quốc tế, du lịch thì các nguy cơ xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Vài năm gần đây đã xuất hiện một số vụ người nước ngoài xâm hại tình dục trẻ em. Họ thường lợi dụng danh nghĩa du lịch để dụ dỗ, lừa gạt hoặc ép buộc trẻ em", ông Tề nói.
Tại hội thảo đào tạo lực lượng công an từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc chống lại nạn khách du lịch lạm dụng tình dục trẻ em tổ chức ở Hà Nội tháng 11-2007, ông Jim Gamble - tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ trẻ em và ngăn chặn xâm hại trẻ em qua mạng, vương quốc Anh - phát biểu rằng cần tăng cường việc chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực vì những kẻ phạm tội thường di chuyển giữa các nước.
"Chúng ta phải làm chặt chẽ để những kẻ ấu dâm nghĩ lại trước khi đặt chân lên máy bay tới Thái Lan, VN, Lào, Campuchia" - ông Jim Gamble nói.
|