Ông Phạm Sỹ Danh, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam, sáng nay cho TS biết, sau gần một tháng rưỡi, trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ mới huy động hơn 21 triệu USD, đạt 1/5 kế hoạch đề ra cho đợt I.
- Xin ông cho biết nguyên nhân?
- Kế hoạch ban đầu của năm nay là phát hành 4.500 tỷ đồng, trong đó có 3.000 tỷ đồng và 100 triệu USD. Với loại ngoại tệ, dự kiến phát hành thông qua đấu thầu tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 80 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chắc chắn không thể hoàn thành vì hiện nay mới đạt 6 triệu USD.
Theo chúng tôi, nguyên nhân chính là, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn (hoặc ngắn hạn), vì vậy, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trung hạn (5 năm) có thể không phù hợp về thời gian giữa nguồn vốn và sử dụng ngoại tệ của các ngân hàng.
- Liệu kế hoạch năm nay có hoàn thành, thưa ông?
- Với khả năng chúng tôi nắm được thì nhiệm vụ phát hành đợt I này có thể hoàn thành. Đến nay, tổng số tiền thu được là gần 3.500 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch. Trong đó, bảo lãnh là 1.300 tỷ đồng, đấu thầu qua Trung tâm giao dịch chứng khoán: gần 450 tỷ đồng, phát hành trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành là trên 810 tỷ đồng và 15 triệu đồng (tương đương 234 tỷ đồng).
Hiện nay, tất cả các địa phương đều đã hoàn thành kế hoạch, nhiều nơi kết thúc sớm. Những kết quả đạt được, trước hết là do chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước hợp với lòng dân nên được ủng hộ rất nhiệt tình. Bên cạnh đó, chỉ tiêu vận động giao cho các địa phương phù hợp, lãi suất trái phiếu hợp lý...
- Xin ông cho biết, những biện pháp phát hành nào sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới?
- Đây là một chủ trương dài hạn, tới năm 2010, vì vậy, mỗi năm phát hành sẽ có những biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của thời gian đó. Một số biện pháp chung là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền và sự chỉ đạo sát sao của các ngành; mức phát hành của từng năm phải phù hợp với tiến độ giải ngân của các công trình, không để thiếu vốn và cũng không huy động quá mức để vốn ứ đọng; lãi suất cụ thể theo từng năm và phù hợp với thị trường tài chính tiền tệ nhằm khuyến khích người mua, hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp; tạo điều kiện để tăng tính thanh khoản và làm cho trái phiếu tham gia vào nhiều thị trường thứ cấp.
- Tiền thu được từ đợt phát hành này đã và sẽ được giải ngân ra sao, thưa ông?
- Số tiền này sẽ dùng để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ định. Thời gian qua nhiều công trình đã được khởi công, trong đó một số hạng mục đã được hoàn thành và các chủ đầu tư đang làm thủ tục để rút vốn. Vì vậy, từ nay đến cuối năm số tiền để giải ngân sẽ rất lớn.
Việc giải ngân sẽ được quản lý, kiểm soát thanh toán và giám sát chặt chẽ thông qua các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương với các quy chế riêng: cấp phát đúng danh và hạng mục công trình, theo tiến độ dự án...
Bộ Tài chính vừa tiến hành phân bổ nguồn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ cho 38 công trình giao thông và thủy lợi quan trọng, cũng như chuẩn bị sẵn sàng thanh toán vốn cho các dự án. Trong số các công trình được phân bổ có: dự án đường vành đai biên giới, các tuyến đường nối liền cửa khẩu và các cảng biển quan trọng, dự án thủy điện Sơn La và thủy điện Na Hang. Bộ cũng đang triển khai kế hoạch công tác năm 2004 để có điều kiện thanh toán vốn gối đầu cho các dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự kiến, trong hai tháng 11 và 12, bộ sẽ thanh toán khoảng từ 2.500 đến 3.500 tỷ đồng vốn cho các dự án. |
Ngọc Quang