Con đường làm giàu thường không dễ dàng với nhiều người. Nhưng ngược lại, có những người mau chóng phất lên nhờ những ý tưởng bất chợt theo kiểu “làm chơi, ăn thiệt”, thậm chí họ còn trở thành tỉ phú.
Làm giàu nhờ tính hiếu kỳ
Tháng 11/2005, hơn 300 người tụ họp gần thác Niagara (Canada) để tận mắt chiêm ngưỡng khu công viên giải trí “kỳ bí” cùng khách sạng sang trọng mang tên Great Wolf sắp đi vào hoạt động. Theo đúng phương châm đánh vào tính hiếu kỳ của thiên hạ, đây là “phi vụ” mới trị giá 200 triệu USD trong sự nghiệp kinh doanh của tỉ phú người Canada Jimmy Pattison. Nhưng điều ấn tượng hơn cả chính là quá trình khởi nghiệp của vị tỉ phú

Tính hiếu kỳ của thiên hạ đã giúp thương hiệu của tỉ phú Jimmy ngày càng phát triển
|
này.
Bắt đầu với số tiền 40.000 USD mượn ở ngân hàng, Jimmy lao vào kinh doanh ngành xe hơi năm 1961, tuy nhiên chỉ 3 năm sau, công ty của của ông gần như phá sản vì thua lỗ. Không nản lòng, năm 1969, Jimmy lại tiếp tục vay vốn để mua lại Nhà máy bột mì Maple Leaf nhưng sau đó, ngân hàng đột ngột đòi lại khoản vay khiến Jimmy khốn đốn. Cuối cùng nhờ kiên trì, Jimmy cũng trụ lại với ngành kinh doanh hàng tạp hóa và mô giới với số vốn 2,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ đến với Jimmy khi mua lại Công ty Ripley’s trong cú đấu giá ở Hội chợ thế giới Vancouver cuối những năm 80. Đây là công ty chuyên sưu tầm những thứ kỳ quặc toàn thế giới, trong đó có chuỗi bảo tàng Ripley’s Believe It or Not! trưng bày những vật “độc nhất vô nhị” và thu tiền những ai tò mò muốn vào xem với giá từ 10-16 USD/người. Đến với thế giới bảo tàng của Jimmy, bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng chú bò 2 đầu và bộ vũ khí để giết ma cà rồng hồi những năm 1840 của Atlantic City, mô hình tháp Eiffel kết toàn bằng tăm cao hơn 7 mét hay bức hình Mona Lisa ráp từ 36 miếng bánh mì... Tính hiếu kỳ của thiên hạ đã mang đến nhiều tiền cho ông từ việc kinh doanh như chơi này. Càng lúc Ripley’s càng bành trướng với nhiều bộ sưu tập và nhận đượcnhiều nguồn tài trợ. Ngoài ra, show truyền hình mang tên Turner Broadcasting, các trò chơi và loạt sách xuất bản liên quan đến Ripley’s cũng mang lại cho Jimmy 5 triệu USD mỗi năm.
Đôi khi, những gì Jimmy lùng mua lại “đẻ” ra tiền rất nhiều lần so với số tiền mà ông bỏ ra, chẳng hạn như bộ trang điểm, giấy phép nuôi chó và đôi vớ khi hưởng tuần trăng mật của ngôi sao Marilyn Monroe hay căn nhà 32 phòng của ca sĩ Frank Sinatra ở PalmSprings. Và Jimmy còn hướng đến việc mở rộng “đế chế” các công viên hải dương khi công viên đầu tiên trị giá 40 triệu USD mở cửa ở bãi biển Myrtle vào năm 1997 với những sinh vật kỳ dị như cá bơn 3 đầu, cá nước ngọt “xơi” thịt người... Những công viên tiếp theo sau đó cũng nhắm tới tính hiếu kỳ của dân chúng. Với thương hiệu Ripley’s, Jimmy đang từng bước chinh phục châu Á để bổ sung lượng du khách đến Ripley’s lên con số 11 triệu mỗi năm.
Giờ đây với 44 “bảo tàng kỳ dị” khắp thế giới và sở hữu Tập đoàn Jim Pattison với 26.000 nhân viên cùng tài sản hơn 3 tỉ USD, ngồi trên chiếc du thuyền Nova Spirit của mình, Jimmy vẫn còn ngỡ ngàng: “Chẳng thể ngờ mọi việc tiến triển thuận lợi đến thế. Những gì tôi làm chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ của chính tôi và của người khác mà thôi!”.
Mê chọi gà nhưng làm nên chuyện
Trong bảng xếp hạng các tỉ phú giàu nhất thế giới của Tạp chí Forbes năm 2005, cái tên Dhanin Chearavanont và gia đình xuất hiện ở vị trí 317. Trước đó tên của vị tỉ phú người Thái Lan này cũng từng xuất hiện trong chuyên mục thể thao của Tạp chí Forbes Life nói về sở thích chơi gà chọi của ông - “vị tỉ phú duy nhất tự tay chăm sóc các chú gà tại trang trại của mình”. Càng bất ngờ khi biết chính thú mê gà chọi từ thời thơ ấu đã giúp vị tỉ phú này gầy dựng nên sự nghiệp. Có dịp đến thăm trang trại của Dhanin ở Chon Buri mới thấy gà của ông không chỉ để chọi mà còn được khai thác để xuất khẩu thịt. Giống gà do Dhanin dày công gây giống không những là loại gà đá “chiến” nhất mà thịt còn ít cholesterol và khả năng đề kháng tốt. Thú mê gà từ nhỏ cũng giúp ông tìm tòi và bảo tồn được giống gà nổi tiếng từ thời vua Naresuan từ thế kỷ 15. Công ty Chroen Pokphand (CP) của ông cũng trở thành tập đoàn kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia, nổi tiếng khắp châu Á với doanh thu khoảng 7 tỉ USD mỗi năm từ các loại gia cầm cho thịt và trứng.

Tỉ phú mê gà chọi này luôn tự tay chăm sóc các chú gà
|
Không dừng ở đó, vị tỉ phú cũng nhắm đến việc cung cấp cho nông dân các nước giống gà chọi thuần chuẩn và khỏe mạnh. Từ năm 1998, Dhanin cải tiến luật chọi gà theo khuôn mẫu đánh box. Gà cũng buộc phải xét nghiệm doping và cuộc đấu tối đa 6 hiệp/giờ. Trận đấu kết thúc khi gà bỏ chạy, sẽ không có quyết đấu đến chết. Tất cả chỉ vì sự an toàn cho đàn gà và nhờ đó, lợi nhuận xuất khẩu gà chọi đi toàn thế giới của CP có lúc lên đến hơn 500 triệu USD.
Tuy nhiên, bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của Dhanin xuất hiện khi phải lèo lái con tàu CP vượt qua khủng hoảng sau cơn đại dịch cúm gia cầm năm 2004, nhất là lúc cổ phiếu của CP rớt giá thê thảm. Để duy trì tập đoàn ở thời điểm đó, Dhanin phải chuyển nhượng phần hùn tại Công ty sản xuất mô tô Ek Chok và Nhà máy bia Thượng Hải cũng như bán bớt cổ phiếu ở TelecomAsia. “Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ phần nào giúp công ty tăng thêm sức mạnh, nhưng chúng tôi phải giữ cho được quyền kiểm soát cục diện”, Dhanin nhận định. Vị tỉ phú này còn mở ra kế họach hợp tác với Microsoft trong lĩnh vực công nghệ cao như truyền hình kỹ thuật số, đưa hệ thống cửa hàng CP’s 7-Eleven lên mạng... Song, mũi nhọn mà Dhanin ưu tiên và dồn tất cả tâm sức nhiều nhất vẫn là lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp khi ông quyết định “xâm nhập” thị trường Trung Quốc. Mê gà chọi đã trót ngấm vào máu thịt của vị tỉ phú 66 tuổi này.
V.A
|