Đến hẹn lại... lo, ngay từ đầu quí 4, các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành thương mại thành phố Hồ Chí Minh (TP) đã xây dựng kế hoạch kinh doanh phục vụ Tết Tân Tỵ 2001.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao cũng như căn cứ vào tình hình thị trường và khả năng thực tế của từng đơn vị. Các chuyên gia kinh tế dự tính, sức mua của xã hội cuối năm 2000 ước tăng 5%-10% so với những tháng trước, mặc dù sức mua trong cả năm có chiều hướng giảm sút. Chịu sự tác động của thiên tai, cơn lũ lụt lớn ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), một số hàng hóa như trái cây, thịt heo, bò, cá, nước chấm... chắc chắn thiếu hụt so với nhu cầu. Giá cả có thể biến động nếu không có kế hoạch thu mua dự trữ hoặc có hàng thay thế...
Một trong những nguyên liệu không thể thiếu để chế biến một số thực phẩm đặc trưng ngày Tết là thịt heo. Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) - đơn vị duy nhất của Nhà nước kinh doanh ngành hàng gia súc và góp phần chi phối nguồn hàng lẫn giá cả khá tích cực trong những dịp lễ, Tết - đã lên kế hoạch thu mua dự trữ nguồn heo cho Tết khá sớm (3.230 tấn heo hơi, 700 tấn heo bên, 725 trâu bò bên, 38 tấn bò xô). Ngoài dự trữ kinh doanh bình thường, VISSAN còn tạo nguồn heo dự trữ bình quân 480 con/ngày (từ 15/12 đến 24/12 Âm lịch), đảm bảo lượng heo giết mổ cung ứng thịt ngon cho thị trường những ngày cận Tết.
Về thực phẩm chế biến - mặt hàng rất được ưa chuộng do chất lượng đảm bảo, an toàn về vệ sinh thực phẩm, mặt hàng phong phú lại tiết kiệm được thời gian nấu nướng nhiều doanh nghiệp có thế mạnh về mặt hàng này đã tham gia cung ứng hàng Tết. Xí nghiệp Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre có kế hoạch sản xuất dự trữ 163,2 tấn thực phẩm chế biến (bên cạnh doanh thu xây dựng 9,8 tỷ đồng cho 27 loại trà ngon); Công ty Kinh doanh Thủy hải sản lên kế hoạch doanh thu tháng Tết là 21 tỷ đồng, trong đó có 25 tấn thủy hải sản chế biến, 40 tấn cá khô, 5 tấn mực khô, 5 tấn tôm khô, 50.000 lon cá hộp, 170.000 lít nước chấm và 2.800 tấn cá tươi các loại. Riêng Công ty Vissan đã đảm nhận cung ứng cho thị trường Tết 831 tấn lạp xưởng hút chân không, xúc xích, đồ hộp các loại, tất cả đều trở nên quen thuộc với người tiêu dùng TP trong ba ngày Tết.
Công ty Rau quả TP chuẩn bị đủ nguồn cung ứng cho thị trường 1.850 tấn rau quả phục vụ Tết như: 250 tấn bắp cải, 300 tấn dưa hấu, 50 tấn khóm chưng, 50 tấn trái cây các loại, 50 tấn kiệu, 30 tấn củ cải... Từ đầu tháng 12/2000, Công ty Thực phẩm công nghệ đã bắt tay thực hiện kế hoạch mua đường dự trữ để giữ lượng dự trữ thường xuyên là 3.000 tấn đường trắng chiếm 20% lượng đường tham gia thị trường Tết. Với sự chuẩn bị này, công ty góp phần chủ động trong việc kềm giữ giá đường theo giá bán buôn điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (4.500 - 5.000 đ/kg). Là đơn vị chủ lực trong phân phối bia, nước giải khát, Công ty Thực phẩm Công nghệ còn có kế hoạch bán ra 5 triệu lít bia trong dịp Tết, chủ yếu là bia Sài Gòn. Trước nhu cầu bia thường tăng gấp đôi so với tháng bình thường, Công ty Liên doanh Nhà máy Bia Việt Nam đã tăng sản lượng 10% so với Tết 2000, lượng bia cung ứng cho thị trường Tết năm nay vào khoảng 11 triệu lít, doanh thu Tết dự kiến đạt tới 330 tỷ đồng.
Về bánh kẹo ngày Tết, Công ty Liên doanh Vinabico- Kotobuki đã bắt tay thực hiện kế hoạch sản xuất 700 tấn bánh kẹo các loại với trên 100 loại (36 loại bánh túi, 20 loại bánh hộp giấy, 10 loại bánh hộp thiếc...) với doanh thu 8 tỷ đồng, tăng 33% so với Tết năm ngoái. Trong số này, bánh hộp thiếc chiếm đến phân nửa sản lượng: 350 tấn, bánh hộp giấy 200 tấn và 150 tấn các loại bánh kẹo khác. Năm nay, công ty đưa ra thị trường nhiều loại bánh mới, bao bì mới có mẫu mã đẹp dành làm quà tặng và áp dụng chính sách tiêu thụ mới đối với các đại lý, nhà phân phối (thưởng lũy tiến theo doanh số, nhận lại 15% số bánh tồn) để khách an tâm đăng ký trước hàng phục vụ Tết, tránh dồn vào những ngày giáp Tết. Đối với người tiêu dùng, Vinabico - Kotobuki tổ chức cả một chương trình bốc thăm trúng thưởng (đến 31/3/2001) với tổng trị giá giải thưởng 27 triệu đồng...
Hàng hóa ngày Tết rõ ràng không lo thiếu. Doanh số thực hiện kế hoạch tháng Tết của các doanh nghiệp ngành thương mại TP, chỉ với những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, đã lên đến hơn 618 tỷ đồng. Với nhiệm vụ dự trữ trước một số hàng hóa chủ yếu, nguyên vật liệu cho sản xuất chế biến thực phẩm đặc trưng ngày Tết của nhiều công ty thành viên, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân TP hỗ trợ cho vay vốn ngân sách 20 tỷ đồng để chủ động được nguồn hàng góp phần phục vụ và ổn định thị trường từ trước Tết cho đến sau Tết.
Đàm Thanh, Sài Gòn Giải Phóng, 18/12.
|