Lắp ráp ô tô tại Cty Toyota Việt Nam Ảnh: Thống Nhất
Từ khi thực hiện đổi mới, xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta đã có những thay đổi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng về số lượng, mở rộng về quy mô.
Trong 3 năm, từ 2000 đến 2002, đã có 53.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập theo Luật doanh nghiệp mới với nguồn vốn gần 5,6 tỉ USD, thu hút 1,75 triệu lao động và xu hướng sẽ càng tăng. Trong bối cảnh Việt Nam đã và sẽ tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường quốc tế, như tham gia ASEAN, AFTA, thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, chuẩn bị gia nhập WTO thì sự phát triển lành mạnh của quan hệ lao động sẽ góp phần quan trọng vào khả năng cạnh tranh và sự thành công của các doanh nghiệp trên thương trường.
Năm 1994, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật lao động, khung pháp lý quan trọng để điều chỉnh quan hệ lao động theo cơ chế thị trường. Theo đó, người lao động có quyền tự tìm việc làm, người sử dụng lao động có quyền tự tuyển dụng lao động theo yêu cầu, và họ có quyền thiết lập quan hệ lao động một cách tự nguyện, bình đẳng thông qua cơ chế thương lượng, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Kết quả 7 năm thực hiện cho thấy, những quy định của bộ luật này cơ bản phù hợp và tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển, bảo đảm quyền lợi và lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ, bộ luật đã bộc lộ những điều bất cập; Việc thực hiện bộ luật tại các doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh, quan hệ lao động chưa phát triển một cách lành mạnh, mà biểu hiện là những vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp lao động và đình công trong những năm qua.
Tháng 4-2002, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lao động, với mục tiêu hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách lao động, việc làm, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng trong quan hệ lao động giữa các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của mỗi bên trên cơ sở thương lượng, ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình thương lượng, định đoạt quyền và lợi ích của các bên quan hệ lao động, mà giữ vai trò ban hành chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra và chỉ can thiệp khi thỏa thuận đó trái với luật và có tranh chấp lao động.
Để thực hiện được cơ chế như luật định, sự hợp tác, đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết lẫn nhau có vai trò quyết định, bảo đảm cho quan hệ lao động phát triển lành mạnh, hạn chế tranh chấp, đình công.
Chính vì vậy, dự án “Khuyến trợ quan hệ lao động lành mạnh tại nơi làm việc và tăng cường năng lực các bên trong quan hệ lao động”, do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua tổ chức lao động quốc tế được triển khai hơn một năm nay đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện pháp luật lao động. Dự án được triển khai với các hoạt động ở 3 cấp: Cấp doanh nghiệp, đã lựa chọn được 70 doanh nghiệp để áp dụng thí điểm về sự hợp tác hai bên xây dựng mối quan hệ lao động lành mạnh; Cấp tỉnh, lựa chọn 7 tỉnh, thành phố để áp dụng thí điểm về sự hợp tác ba bên nhằm hỗ trợ quan hệ lao động tại các doanh nghiệp và cấp quốc gia, hoạt động chủ yếu là hỗ trợ trong việc hoạch định chính sách quốc gia về quan hệ lao động và công tác đào tạo về quan hệ lao động.
Cũng như các nước đang phát triển, nước ta đang phải đối diện với những nguy cơ xã hội liên quan đến tư nhân hóa, tự do hóa giá cả, cắt giảm lao động, lao động dôi dư... Chính vì vậy, cần phải kết hợp các biện pháp ngắn hạn để giải quyết những khó khăn trước mắt với các chính sách dài hạn trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và chuyển đổi thị trường lao động. Việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong các doanh nghiệp quốc doanh diễn ra nhanh, quá trình này chắc chắn sẽ tạo ra sức ép về mặt xã hội và dẫn đến giảm việc làm một cách nghiêm trọng. Trong khi mạng lưới an toàn xã hội căn bản chưa bắt kịp những cải cách kinh tế, thì các biện pháp ngắn hạn là điều cần thiết để giải quyết vấn đề lao động bị mất việc làm trong thời gian chờ xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững trung và dài hạn.
Những thách thức này không thể giải quyết một cách có hiệu quả nếu không có sự đồng tâm nhất trí rộng rãi trên toàn quốc. Đối thoại xã hội có hiệu quả ở cấp quốc gia là cần thiết để củng cố lòng tin của nhân dân vào quá trình chuyển đổi. Điều này cần có sự trợ giúp tập thể tại các doanh nghiệp, đây là sự sống còn cho quá trình hòa giải lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, tránh được các xung đột lao động tiêu cực.
Không có một mô hình đối thoại xã hội hoặc cơ chế ba bên nào có thể được áp dụng máy móc từ nước này sang nước khác. Nhưng một bài học rất rõ thu được qua các mô hình khác nhau ở một số nước đó là các mô hình thành công nhất đều có chung điểm mạnh và thống nhất là sự phối hợp cùng làm việc giữa các bên, trao đổi thông tin, thương thuyết, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Trong đó, Luật lao động là công cụ quan trọng để thực hiện các tiêu chuẩn về làm việc.
HNM
VietBao.vn