- Tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn không dễ tiếp cận, nay càng khó khăn cho DN, khi Chính phủ đã có chủ trương thu hẹp đối tượng được vay ưu đãi.
Nông thôn và vùng khó khăn: không còn là trọng điểm ưu tiên
 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh minh hoạ. |
Tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước là nguồn quỹ ngân sách được sử dụng để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội quốc gia. Những dự án được tài trợ của nguồn tín dụng này có đặc điểm là hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, tức thấp hơn ngân hàng rất nhiều, và được sử dụng nguồn vốn vay trong một thời gian dài. Những dự án có lợi ích cộng đồng cao như phát triển nông thôn và vùng khó khăn là đối tượng ưu tiên vay vốn từ quỹ này. Tuy nhiên, các DN có dự án đầu tư ở những địa bàn đặc biệt này không còn được hưởng đặc lợi vốn vay, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 106/CP.
Nghị định 106/2004/CP được ban hành hồi đầu tháng 4, nhằm thay thế Nghị định 43 trước đó vốn mang lại nhiều cơ hội vay vốn ưu đãi từ nhà nước. Nghị định 43 ban hành năm 1999, với mục đích hỗ trợ các dự án của các thành phần kinh tế thuộc ngành, lĩnh vực, chương trình khuyến khích lớn của nhà nước, cũng như các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư. Khác với nghị định này, Nghị định 106 nhắm vào ngành, lĩnh vực, chương trình lớn có tác động trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này có nghĩa, hầu hết các DN trong lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản mà trước đây hội đủ điều kiện vay, hoặc những dự án tại những vùng khó khăn, những lĩnh vực thuộc chương trình khuyến khích đầu tư của nhà nước... có thể không còn được hưởng vốn vay ưu đãi.
Tuy vậy, theo nghị định mới, một số dự án được đầu tư ở những vùng khó khăn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, như trồng rừng để cung ứng nguyên liệu giấy, bột giấy, ván nhân tạo gắn liền với các DN chế biến. Ngoài ra, một số dự án xây dựng nhà máy thủy điện lớn phục vụ cho di dân và chế tạo thiết bị trong nước đầu tư ở vùng khó khăn cũng thuộc ưu tiên theo nghị định mới.
Giảm đối tượng vay
Quỹ Đầu tư Phát triển có những chức năng chính hiện nay là cho vay đầu tư ưu đãi, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư.
|
Nghị định 106 cũng xác định rõ, những dự án đầu tư không phân biệt địa bàn, và tập trung vào những ngành công nghiệp nặng, chủ lực. 14 nhóm ngành được ưu đãi không phân biệt địa bàn, gồm sản xuất phôi thép từ quặng, thép chuyên dùng, khai thác và sản xuất nhôm, sản xuất ôtô chở khách 25 chỗ ngồi trở lên với tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%, đóng tàu biển, động cơ diesel loại từ 300CV trở lên, sản phẩm cơ khí nặng và mới, dự án đúc với quy mô lớn, sản xuất và lắp ráp đầu máy xe lửa, dệt, in nhuộm hoàn tất, kháng sinh, chế biến muối công nghiệp, nước sinh hoạt, sản xuất phân đạm...
 |
Sản phẩm gỗ cũng là mặt hàng được vay ưu đãi.
|
Lãi suất ưu đãi chính là phần đáng chú ý nhất đối với tín dụng đầu tư phát triển của ngân hàng. Lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 8,5%/năm, trong khi lãi suất của tín dụng ưu đãi 5,3% (trước đây là 4,3%). Tuy nhiên, với nghị định mới, lãi suất vay ưu đãi sẽ được xác định tương đương 70% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước, và lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Thời hạn vay được mở rộng từ 10 năm theo qui định cũ lên 10-15 năm theo nghi định mới. Đối với bảo lãnh thế chấp, nghị định mới không yêu cầu DN (kể cả DN ngoài quốc doanh) phải có tài sản thế chấp, mà có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay.
Theo một quan chức của Quỹ hỗ trợ Phát triển (DAF) - cơ quan giám định dự án đầu tư ưu đãi, việc điều chỉnh đối tượng được vay ưu đãi là giảm bớt những hỗ trợ tràn lan của nhà nước, để tập trung vào những dự án trọng tâm và phát triển, nhất là những dự án thuộc ngành công nghiệp đang được xem là đòn bẩy của nền kinh tế. Ngoài ra, việc giảm bớt đối tượng cũng là để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nguồn quỹ vốn còn rất eo hẹp.
Một nguyên nhân khác có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều chỉnh đối tượng cho vay theo hướng thu hẹp là để tránh những hệ lụy cho DN xuất khẩu Việt Nam khi đương đầu với những vụ kiện phá giá. Vụ kiện bán phá giá tôm và ba sa, với những cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho việc nuôi cá ba sa và tôm, để từ đó những sản phẩm này cạnh tranh phá giá với sản phẩm cùng loại của Hoa Kỳ là những ví dụ điển hình.
Ít dự án nhưng giá trị cho vay không giảm
Danh mục mặt hàng thuộc đối tượng tạm thời vay vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu 2004
Gạo; lạc nhân; cà phê; chè; hạt tiêu; hạt điều đã qua chế biến; rau quả (hộp, tươi, khô, sơ chế, nước quả); đường (không bao gồm các sản phẩm sau đường); thủy sản; thịt gia súc, gia cầm; gốm sứ (trừ gốm sứ xây dựng, gốm sứ kỹ thuật; gốm sứ vệ sinh); các sản phẩm gỗ (bàn, ghế, giường tủ và đồ gỗ mỹ nghệ); mây - tre - lá; sản phẩm tơ tằm; sản phẩm dây điện; cáp điện sản xuất trong nước; sản phẩm cơ khí (đóng tàu xuất khẩu, động cơ diesel, máy bơm nước, máy công cụ phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp); hàng dệt kim; máy tính nguyên chiếc và phụ kiện máy tính; trứng gia cầm muối; quế và tinh dầu quế; và khăn bông.
Nguồn: Quỹ Hỗ trợ Phát triển TP.HCM
|
Vay vốn với lãi suất ưu đãi là lựa chọn số 1 của các nhà đầu tư khi triển khai dự án. Tuy nhiên, việc tiếp cận được nguồn quỹ này không dễ. Những vấn đề liên quan đến đối tượng được vay và thủ tục xin vay là những thách thức đối với DN, chưa nói đến việc giải ngân kéo dài, làm ảnh hưởng đến tính thời cơ của dự án. Bà Lê Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty sản xuất quạt Cofaco, trong một cuộc họp với Chủ tịch UBND TP.HCM đã phải lên tiếng kêu gọi lãnh đạo thành phố giúp đỡ để được vay vốn ưu đãi. Sản xuất quạt điện, theo bà, là một ngành cơ khí cần rất nhiều vốn đầu tư, vì vậy có nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giúp giảm bớt chi phí đầu tư của công ty, nâng được tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, bà nói rằng việc tiếp cận được nguồn quỹ này còn quá nhiều vướng mắc về mặt thủ tục.
Ông Đào Văn Chiến, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phát triển chi nhánh TP.HCM, cho biết nghị định mới đã thu hẹp đối tượng, vì vậy số dự án sẽ giảm, nhưng trị giá của dự án sẽ không giảm vì có rất nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với ngành công nghiệp được bổ sung vào nghị định mới. Những ngành công nghiệp thường có giá trị đầu tư lớn, nên việc vay ưu đãi cũng cần nhiều hỗ trợ hơn. TP.HCM, nơi chiếm đến 1/4 tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng của cả nước, sẽ giảm đáng kể dự án tín dụng ưu đãi. Theo ông Chiến, do những lĩnh vực thuộc diện vay ưu đãi không tập trung nhiều ở TP.HCM, mà rơi vào các vùng và tỉnh thành khác. Những dự án muối, thép, nhôm, đóng tàu, xe lửa... và cả ôtô cũng là những ngành không thể phát triển ở TP.HCM. Những ngành cơ khí, phân bón, công nghiệp mới, kể cả công nghệ cao... là những đối tượng ở khu vực TP.HCM có thể vay tín dụng ưu đãi của nhà nước.
|