Trong hội nghị về xóa đói nghèo tổ chức cuối tháng 5 vừa rồi tại Thượng Hải, giám đốc Ngân hàng thế giới James Wolfensohn vừa gửi đến Trung Quốc một bức thông điệp vô cùng thẳng thắn: Phải san đều của cải trong xã hội nếu không dân nghèo sẽ nổi dậy.
 |
Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ở Trung Quốc rất lớn.
|
Đó chính là phát súng bắn vào nồi cơm của tầng lớp giàu có Trung Quốc. James Wolfensohn phát biểu: thành công của lớp người giàu có và của chính Trung Quốc sẽ trở nên bấp bênh trừ phi người nghèo được hưởng đôi phần kết quả kinh tế ngoạn mục trên đất nước này. Ông nói: "Người ta có thể được hưởng đặc quyền trong một khoảng thời gian cụ thể, nhưng không có công bằng xã hội thì thời gian đặc lợi sẽ chẳng kéo dài được bao lâu".
James đưa ra một số ví dụ cụ thể như Brazil, Argentina, và một số nước Mỹ Latin khác đã từng phát triển bùng nổ nhưng sau đó lại có một nền kinh tế què quặt do những căng thẳng về mặt xã hội dẫn tới các cuộc bạo động cách mạng hay chế độ độc tài quân sự. "Chúng ta không thể có một xã hội với vài tỷ phú còn hàng trăm triệu người khác lại sống dưới mức 1 hay 2 USD/ngày", James nói.
Woflensohn còn gửi thông điệp này cho nhiều nước khác nhưng đặc biệt nhấn mạnh ở Trung Quốc. Là một nhân vật đáng kính và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Wolfensohn thừa khả năng để đối phó với vấn đề này. WB đã viện trợ và cho Trung Quốc vay tổng cộng 37 tỷ USD từ năm 1981 đến giữa năm ngoái.
Phân hóa giàu nghèo: gia tăng đáng sợ
Cụ thể Wolfensohn lo ngại Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân của chính những thành công họ đạt được. Thu nhập của đa số dân Trung Quốc đều tăng nhưng kể từ giữa những năm 1990, thu nhập của nông dân tăng với tốc độ chỉ bằng một nửa so với khu vực thành thị.
Theo WB mức chênh lệch giàu nghèo hiện tại ở Trung Quốc tương tự như mức trung bình của các nước đang phát triển nhưng xu hướng gia tăng này mới là điều đáng bàn: cách đây 25 năm khoảng cách này cực nhỏ, nhưng 10 năm tới với tốc độ tăng trưởng như hiện nay mức độ phân hóa giàu nghèo của Trung Quốc sẽ thuộc hàng cao nhất thế giới. Thực tế là trong khi người ta có thể chứng kiến cảnh nhiều thanh niên phải kéo cày ngoài đồng ruộng nhưng khi về thành phố lại nhìn thấy nhiều người ngồi sau những chiếc Ferrari và Maserati đắt tiền, rôm rả bàn tán về cuộc đua xe công thức I được tổ chức ở Thượng Hải.
Sự phân hóa giàu nghèo này không chỉ giữa khu vực nông thôn và thành thị mà còn tồn tại giữa các vùng với nhau. Phần lớn dân nghèo Trung Quốc đều là cư dân nông nghiệp, nhưng ngay trong đội quân này cũng có nhiều cách biệt lớn: gần 1/2 nông dân nghèo sống ở khu vực phía Tây và chỉ khoảng 10% sống tại các tỉnh miền duyên hải.
Khoảng cách giàu nghèo ở đâu cũng có, ở Ấn Độ rồi tất cả các nước châu Á, nhưng chỉ tốc độ phân hóa giàu nghèo của Trung Quốc mới gây shock đến vậy. Hơn nữa khoảng cách chênh lệch này lại ngày càng nới rộng ra nhanh chóng trong thời kỳ bùng nổ đô thị hoá hiện nay. Người ta cho rằng, hàng trăm triệu người từ khu vực nông thôn sẽ ùn ùn kéo ra thành phố trong khoảng từ nay đến 2020. "Khó khăn nằm ở chỗ sự thay đổi này quá nhanh chóng và liệu xã hội có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hay không?".
Theo Wolfensohn, "thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc trong 10-15 năm tới là vấn đề công bằng xã hội". Ông kêu gọi tầng lớp giàu có hãy san sẻ bớt cho cộng đồng của mình, để nối gần khoảng cách giàu nghèo. Ý tưởng Wolfensohn đưa ra không mới và đã tồn tại từ trước các cuộc cách mạng ở Pháp, Nga.
Phải điều chỉnh mức công bằng xã hội
 |
Trên thế giới hiện có khoảng 2,8 tỷ người sống dưới mức dưới 2 USD/ngày.
|
Dễ hiểu tại sao Trung Quốc luôn muốn nhấn mạnh tới những thành tích trong lĩnh vực xóa đói nghèo của mình, họ có hàng đống dữ liệu để chứng minh cho những thành tựu của mình. Trung Quốc có rất nhiều fan hâm mộ trong cộng đồng đầu tư quốc tế, những người luôn thừa nhận việc ngày càng nhiều người Trung Quốc sở hữu xe hơi và đi du lịch nước ngoài cho thấy tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ổn định. Chỉ một số nhà phân tích và chuyên gia trong lĩnh vực phát triển nhìn thấy những dấu hiệu bất ổn trong ngắn hạn.
Số người Trung Quốc sống dưới mức nghèo khổ - thiếu thực phẩm, quần áo, giảm từ con số 200 triệu cách đây 20 năm xuống khoảng 29 triệu hiện nay. Những người này thoát nghèo nhờ thành tựu kinh tế diệu kỳ, trung bình tăng trưởng 9,4% mỗi năm từ 1979. Cùng lúc đó Bắc Kinh cũng thành công trong việc cung cấp hạ tầng cơ sở thiết yếu như dịch vụ y tế và cung cấp nước sạch, đường sá.
Vấn đề là, những người nghèo ngoài việc leo được lên khỏi nấc thang đói nghèo thấp nhất chẳng nhận thêm được gì nữa. Năm ngoái hơn 10 triệu người đã tham gia biểu tình do bị mất việc, thuế nông nghiệp tăng, mất đất do đô thị hóa và nạn tham nhũng. Trong đó gần 700 cuộc biểu tình phải đụng đầu với cảnh sát hoặc lực lượng an ninh vũ trang nhân dân, chính quyền trung ương cũng bị tràn ngập bởi khoảng 600.000 đơn khiếu nại.
Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ, những bài học các nước đang phát triển khác để lại về mối nguy hiểm của tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng bất bình đẳng và chỉ nhăm nhăm theo đuổi mục tiêu kinh tế thuần túy. "Kinh nghiệm phát triển ở nhiều nước cho thấy khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao, sự mất cân đối giữa nông thôn và thành thị chắc chắn sẽ dẫn tới những vấn đề xã hội nguy hiểm, kinh tế trì trệ, xã hội náo loạn", Phó Thủ tướng Hui Liangyu phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị.
Và đây không đơn giản là vấn đề giữa người nghèo và Chính phủ. Mức chênh lệch thu nhập giãn ra ngày càng rộng giữa các nhóm lợi ích. Kết quả là, cơ quan Chính phủ đôi khi phải đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn giữa người lao động bị bóc lột và các DN tư nhân. Trong đó kịch liệt nhất là việc những công ty bất động sản buộc người dân di dời để thực hiện dự án của mình hay chủ mỏ lạm dụng công nhân và môi trường ô nhiễm.
Thực tế là Trung Quốc thành công hơn nhiều nước khác trong việc nâng cao thu nhập của đa phần dân cư. Nhưng Bắc Kinh cần nhanh chóng quan tâm hơn nữa đến tầng lớp dân nghèo ở nông thôn, và khi nền kinh tế trở nên phức tạp và phát triển hơn, Chính phủ phải quan tâm tới những người bị tụt lại phía sau so với xã hội. Đại diện UNDP ông Brown đã lấy cuộc bầu cử gần đây ở Ấn Độ để nhắc nhở giới lãnh đạo ở Delhi về tầm quan trọng của việc nâng cao thu nhập cho khu vực nông thôn. Mỗi năm Brown đi thăm khoảng 30-40 nước và thảo luận với các quan chức Chính phủ về những vấn đề liên quan tới đói nghèo. So sánh với nhiều nước khác, Trung Quốc cực kỳ chú ý tới công tác giảm nghèo. Các quan chức ở đây nắm rõ mọi số liệu về việc cung cấp ngân sách cho khu vực nội địa sâu vào phía Tây.
Lãnh đạo một xã hội ngày càng thịnh vượng hơn đồng nghĩa với việc phải có nhiều giải pháp chính trị nếu muốn duy trì thành quả của mình một cách lâu bền. Trong quan điểm của Brown, dân chủ đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền lợi của người nghèo. "Khi bạn bắt đầu làm ra nhiều của cải, bạn sẽ phải tính tới ngày phải có một cơ chế để tất cả mọi người trong xã hội đều bình đẳng và thành quả kinh tế cần được phân bổ hợp lý", ông nói.
(Cẩm Tú - Theo FEER)
|