Chi phí sản xuất cao, hạ tầng cơ sở nông nghiệp nghèo nàn, trình độ dân trí thấp đó là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Nêpan khi nước này gia nhập WTO. Đây cũng là nội dung bài trả lời phỏng vấn của Keshab Badal- nguyên Bộ trưởng và Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Nêpan (ANPA), thành viên UB thường trực ĐCS Nêpan, người đã từng tham gia vào các phong trào của nông dân hơn 3 thập kỷ qua.
![]() |
Keshab Badal -nguyên Bộ trưởng và Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Nêpan (ANPA). |
Là người tham gia nhiều các phong trào của nông dân, xin ông cho biết ý kiến về việc gia nhập WTO của Nêpan?
Theo tôi, việc Nêpan gia nhập WTO là sự phát triển mang tính tất yếu, bắt buộc. Nêpan không thể đứng biệt lập ngoài tổ chức WTO, đơn giản vì 147 quốc gia đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này, trong đó có hai người hàng xóm của chúng tôi là Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là nếu như trở thành thành viên chính thức của WTO mà không có sức mạnh cũng như sự chuẩn bị chu tất thì chắc chắn sẽ "mất" nhiều hơn là "được".
Ông dự đoán gì về những thách thức mà nông dân Nêpan sẽ phải đối mặt trong thời gian tới đây?
Hiện tại, hơn 76% dân số Nêpan sống bằng nghề nông. Trong khi đó chúng tôi chưa có cơ sở hạ tầng nông nghiệp tương ứng. Quyền sở hữu đất đai đa số thuộc về các chủ đất phong kiến thời kỳ trước đây, nên gần 19% nông dân (xấp xỉ 1 triệu người) không được sở hữu đất. Bên cạnh đó hệ thống hạ tầng cơ sở như thuỷ lợi, đường sá, ngân hàng, công nghiệp, kỹ thuật v.v... mới đang ở giai đoạn căn bản. Chi phí sản xuất không có tính cạnh tranh, mà trong giai đoạn mở cửa hiện nay, chúng tôi sẽ gặp khó khăn rất lớn trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.
Người nông dân Nêpan được lợi gì từ việc gia nhập WTO?
Chúng tôi lo ngại rằng, các nước phát triển có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ và EU sẽ sử dụng WTO như một công cụ bảo vệ nông dân nước họ. Họ dựng các hàng rào bảo hộ như thuế đối với hàng nông sản nhập khẩu. Chẳng hạn Mỹ, Canada và EU đã áp đặt mức thuế 200 đến 300% đối với các sản phẩm sữa và bột mỳ. Như vậy, các bạn có thể hình dung sức cạnh tranh của các sản phẩm của chúng tôi như thế nào, khi mà chúng tôi không có hạ tầng cơ sở căn bản, còn Chính phủ thì xoá bỏ hết các loại hình bảo hộ. Đây là điều chúng tôi lo ngại nhất. Tuy nhiên, nếu như có một sân chơi bình đẳng, thì chúng tôi sẽ có thể cạnh tranh được. Nếu như người nông dân được giảm chi phí điện, nước, được ưu đãi về tài chính, thị trường, công nghệ v.v... thì họ sẽ cạnh tranh có hiệu quả. Song trên thực tế, người nông dân Nêpan không được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Vậy Nêpan không có lợi thế so sánh nào?
Chúng tôi có một số lợi thế so sánh, chẳng hạn như sự đa dạng sinh học về thực vật, hạt giống cũng như động vật hoang dã. So với các khu vực địa lý tương đương, sự đa dạng sinh học của Nêpan giàu có gấp 17 lần. Bên cạnh đó, chúng tôi có kinh nghiệm truyền thống lâu năm về đông dược. Chúng tôi cần phải bảo vệ nguồn tài nguyên quý báu này bằng việc đăng ký độc quyền sáng chế.
Người nông dân Nêpan đã sẵn sàng tham gia vào nền thương mại tự do toàn cầu chưa? Họ có nhận thức đầy đủ về WTO cũng như những tác động của việc gia nhập tổ chức này hay không?
![]() |
Đại đa số người dân Nêpan chưa nhận thức được vấn đề hội nhập thương mại. |
Ngoại trừ một số hộ kinh doanh và một số ít nông dân sống gần các khu đô thị, còn lại đại đa số nông dân không có khái niệm gì về thương mại tự do. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển giữa các tỉnh, thành trong nước rất tốn kém làm tăng giá thành đến 5 lần. Nêpan chưa có mạng kết nối thị trường thì chưa thể nói gì đến việc vận hành một nền kinh tế thị trường.
Quan điểm của ông về trợ cấp trong nông nghiệp?
Chúng tôi ủng hộ chế độ trợ cấp có giới hạn thời gian. Ở Nêpan có 6000 dòng sông và suối, nhưng người nông dân mới chỉ khai thác 20% vào mục đích tưới tiêu. Nhà nước phải đầu tư cho thuỷ lợi và người nông dân cần được trợ cấp trong lĩnh vực này. Tương tự như thế, do thiếu phương tiện giao thông vận tải nên những người nông dân vùng sâu vùng xa cần được hỗ trợ về chi phí vận tải. Ngoài ra, trợ cấp trong sản xuất phân bón cũng rất cần thiết. Đây là những điều kiện tiên quyết để chúng tôi có thể cạnh tranh được với nông dân các nước khác vốn từ lâu đã được hưởng các loại trợ cấp nói trên.
Vậy theo ông, Chính phủ cần làm gì trong giai đoạn bản lề này?
Trước tiên để phát triển nông nghiệp, Nhà nước cần phát triển hệ thống thủy lợi. Cải cách ruộng đất và tái phân phối đất cũng hết sức cần thiết. Trung bình một hộ nông dân chỉ có trong tay 0,8ha đất, đa số không có phương tiện khác để sống ngoài trồng lúa, tỷ lệ mù chữ cũng rất cao. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới cũng như tổ chức WTO mở cửa thị trường lao động để nông dân của chúng tôi có thể tự do đến các nước làm việc. Đây không chỉ là tự do thương mại mà còn là vấn đề công bằng xã hội. Nếu không, WTO chỉ tồn tại như một công cụ hợp pháp của khoảng 500 công ty đa quốc gia - trong đó khoảng 10 công ty hàng đầu nắm giữ 45% hạt giống cây trồng và mạng lưới phân phối trên thị trường thế giới. Nhân đây chúng tôi cũng kêu gọi các nước nghèo cần hợp tác chặt chẽ trên một trận tuyến để bảo vệ quyền lợi của mình.
(Thu Thuỷ - Theo Nepalnews)