 |
Kiểm tra tiền ở ngân hàng thương mại. |
Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về những đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và giao trách nhiệm cho các ngân hàng thương mại thu hồi, xử lý chúng. Tuy nhiên, các đơn vị đều không muốn làm công việc được giao, chỉ bất đắc dĩ thực hiện khi quá rảnh rỗi hoặc có... chiến dịch.
Anh T. rút tiền ở ngân hàng A mang sang nộp lại tại một chi nhánh ngân hàng quốc doanh khác để thanh toán tiền mua hàng. Cả cục tiền ngân hàng còn nguyên đai niêm phong. Vậy mà sau khi đếm và soi, nhân viên kiểm ngân phát hiện ra ba tờ có vấn đề: một bị rách ở giữa nhưng chưa rời hẳn và được dán lại bằng băng keo; một được ghép lại từ hai nửa của hai tờ tiền khác nhau; tờ còn lại tuy vẫn nguyên hình nhưng mỏng dính vì có lẽ đã được quay trong máy giặt. Không lời giải thích, cô nhân viên kiểm ngân yêu cầu anh T. đổi lại các tờ đã bị loại ra mà không hề đề cập đến việc ngân hàng có thể nhận bằng cách đổi tiền khác thông qua hình thức thu hồi và anh phải trả phí.
Quá quen thuộc với chuyện nộp tiền vào ngân hàng, một nhân viên cửa hàng luôn phải tự "tuyển tiền" bằng cách bắt khách mua đổi lại những tờ rách, nát. Đôi khi chị cũng định cự nự, buộc nhân viên ngân hàng nhận và đổi, nhưng thấy thủ tục nhiêu khê và sợ phiền toái lại thôi, đành mất công tự tiêu hoặc muối mặt trả lại tiền thừa cho khách. Theo chị, hình như ai cũng thế cả, lỡ nhận thì tìm cách đẩy ra, tờ tiền nát cứ thế quay vòng giữa những người dân với nhau.
"Cuộc đời" của các đồng tiền rách nát cứ kéo dài thêm khi các ngân hàng thương mại vì không muốn phải phân loại lại tiếp tục đẩy tiền cũ ra thị trường bằng cách chi cho khách hàng. Tình hình này đã kéo dài nhiều năm qua và số tiền nát thu hồi thì ít, trong khi lượng tiền đến tuổi, đến kỳ cũ nát cứ thế tăng lên.
Theo các đơn vị, việc thu đổi tiền cũ nát phải do Ngân hàng Nhà nước đảm nhận. Trước đây, ngay tại kho tiền của ngân hàng Nhà nước có hẳn bộ phận lựa tiền, nhưng gần đây đã giải tán và công việc này được đẩy về cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do thiếu các cơ chế hợp lý mang tính khuyến khích và phù hợp với yêu cầu kinh doanh của các ngân hàng nên tiền cũ cứ loay hoay mãi trong lưu thông. Còn người dân vẫn phải chịu phiền toái khi dùng đến những đồng tiền ấy.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo quy chế mới theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện phân loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhập máy về để tuyển lựa nhưng không thành công chỉ vì tiền của ta quá cũ. Do vậy phải làm từng bước. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông mới và chỉ đạo các ngân hàng thương mại, kho bạc Nhà nước phải tuyển chọn để xử lý. |
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được chia ra hai loại: loại đổi không thu phí và loại đổi có thu phí căn cứ vào nguyên nhân tác động đến đồng tiền khiến nó không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Nếu cũ nát do quá trình lưu thông hoặc do vô ý thì không thu phí. Thế nhưng, trên thực tế, cả ngân hàng lẫn khách có tiền cũ, tiền nát đều không muốn làm thủ tục đổi. Về phía ngân hàng, nhân viên rất khó xác định đâu là tiền rách do cố ý hay do vô ý. Ngân hàng Nhà nước cũng đã lưu ý tới chuyện này nên quy định trường hợp không xác định được nguyên nhân thì lập biên bản và giữ tang vật để chuyển về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố giám định và trả lời trong 7 ngày. Quy định này khiến khách hàng ngại. Vì họ cũng chỉ là người vô tình nhận phải đồng tiền cũ, nát. Lỡ kết luận rằng đồng tiền ấy bị hư hỏng do cố ý phá hoại thì chẳng khác nào họa trên trời rơi xuống. Do vậy đa phần khách hàng giữ lại đồng tiền và tìm cách tiêu thụ.
* Theo quyết định 1344 của Ngân hàng Nhà nước, tiền giấy không đủ tiêu chuẩn lưu thông được các tổ chức tín dụng và kho bạc nhà nước xét đổi với các điều kiện sau:
- Là tiền giấy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành đang trong thời gian lưu hành.
- Trường hợp tiền bị rách mất một phần, rách rời hay liền mảnh hoặc hai mảnh tờ tiền có cùng mệnh giá, cùng loại nhưng khác số seri được can dán lại thì phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn 3/4 diện tích của tờ tiền cùng loại.
- Tiền giấy hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại.
* Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được chia ra hai nhóm:
1. Do quá trình lưu thông: tờ tiền thay đổi màu sắc, mờ nhạt, bẩn, nhàu nát, cũ rách hay liền mảnh được can dán lại. Trường hợp này được đổi ngay, không thu phí, không giới hạn số lượng, không phân biệt nơi cư trú, không yêu cầu thủ tục giấy tờ.
2. Trong quá trình bảo quản, tờ tiền bị cháy, mục, hoặc bị tác động của hóa chất như xà phòng, axít, xăng, dầu hoặc bị biến dạng bởi các lý do không cố ý khác. Trường hợp này khách hàng phải có giấy đề nghị (có ghi tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, ghi nguyên nhân bị hư hỏng…) nộp cùng hiện vật và được đổi trong phạm vị 10 ngày làm việc không hạn chế số lượng. Phí thu là 4% tổng giá trị tiền được đổi nhưng tối thiếu 2.000 đồng cho mỗi lần đổi.
|
(Theo Tuổi Trẻ)
|