11 giờ trưa, một người đàn ông vội vã đẩy cánh cửa quán cà phê và tìm một bàn khuất trong góc. Anh lấy chiếc máy vi tính xách tay từ cái cặp mang theo, nối với điện thoại di động và click vào mạng. Khuôn mặt đăm chiêu của anh chợt giãn ra, ánh mắt lóe lên niềm vui: Những con số trên màn hình máy tính cho thấy giá cổ phiếu trong phiên giao dịch buổi sáng hôm đó đã lên trở lại.
Người đàn ông đó tên P., có thâm niên kinh doanh cổ phiếu của anh cả trên thị trường tự do lẫn trên sàn giao dịch chính thức từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời. "Cũng có vài lần tôi lỗ, nhưng tính chung lại thì vẫn có lãi nhiều hơn. Đối với thị trường đang trong buổi cung cao hơn cầu hiện nay, quan trọng nhất là làm sao mua được cổ phiếu còn bán thì lại quá dễ", P. nhận xét.
Giá càng xuống càng dễ mua
Những người như P. được dân buôn bán chứng khoán liệt vào hạng cao cấp bởi anh có vốn lớn nên có khả năng "ôm" cổ phiếu trong một thời gian dài và chủ động bán ra khi cần. Có những thời điểm P. chỉ mua vào một loại cổ phiếu, nhưng nhiều lúc anh mua tất cả các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn, cộng thêm 5-7 cổ phiếu đang được săn lùng ngoài sàn. Khi giá cổ phiếu của Hapaco vượt qua ngưỡng 140.000 đồng, P. vẫn mua vào, nhưng khối lượng thấp. "Khi đó giá đang nóng, đặt mua nhiều hơn cũng không thể được", P. giải thích. Khi giá xuống còn 100.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu P. mua vào tăng gấp đôi so với giá lúc cao nhất. Giá càng thấp, khối lượng anh mua vào càng lớn và do đó giá bình quân các loại cổ phiếu mà anh nắm giữ không bao giờ ở mức quá cao. Chỉ cần đợi đến khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng trở lại, ngay lập tức bán hết ra, P. chắc chắn có lãi.
Không giống như phần đông công chúng đầu tư bán ra ào ạt, khi cổ phiếu liên tục mất giá và mua vào khi giá lên cao, những người như P. mua khi giá xuống và giá càng thấp theo anh càng dễ mua. "Không chỉ riêng chứng khoán, ngay cả ngoại tệ, vàng người ta thường đổ xô đi mua khi giá đang lên và bán ra khi giá hạ. Tránh được tâm lý này là cơ hội có lãi tăng lên gấp đôi", P. kết luận.
Giao dịch "tiền trao cháo múc"
Khoảng 6-7 tháng nay, những quán cà phê gần hồ Con Rùa (TP HCM) trở thành chợ giao dịch cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết.
Thực ra, cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết thậm chí còn đang trong quá trình cổ phần hóa được mua bán ở rất nhiều điểm. Do có nhu cầu nhưng không được tổ chức giao dịch, quản lý bài bản bởi một cơ quan chức năng nên thị trường cổ phiếu này muôn hình vạn trạng. Người bán rao bán đủ các loại cổ phiếu, từ cổ phiếu của công ty không tên tuổi đến cổ phiếu được đồn đại là sắp sửa lên sàn.
Sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường tự do gắn chặt với sự lên xuống giá của các chứng khoán trên sàn giao dịch chính thức. Và việc mua bán chứng khoán chưa niêm yết không tuân theo một quy tắc nào mà chủ yếu dựa vào lòng tin. Người bán và người mua có sự tin cậy vào nhau là "tiền trao cháo múc". Khách quan nhận xét, cho đến giờ chưa hề có vụ kiện nào liên quan đến lừa đảo, chụp giật tiền bạc ở thị trường tự do. Một tay buôn cổ phiếu có tiếng cho biết: "Chụp giật một lần là bị tẩy chay, hết đường làm ăn, bước ra khỏi nghề liền. Nghề này mà buôn không có bạn, bán không có phường là chết".
Mua bán ngoài sàn: Dễ hay khó?
Một công ty muốn cổ phiếu của mình được mua bán ngoài sàn cũng không phải dễ. Cũng giống như giao dịch trên sàn, ban đầu phải có một cổ đông nào đó hy vọng bán ra một lượng 500-1.000 cổ phiếu để làm giá. Do lượng hàng chào bán ít, nên cung không thể vượt cầu. Sau đó là công việc "tung hứng" giá giữa người giới thiệu, người mua, người bán. Một khi những cổ phiếu ban đầu đã vào vòng quay, lan tỏa theo các đầu mối, nhu cầu tăng lên, nguồn cung sẽ được đưa ra thị trường.
Còn bạn nếu là người đầu tư, lần đầu tiên muốn mua cổ phiếu chưa niêm yết thì rất đơn giản hãy đến các công ty chứng khoán. Những người môi giới cổ phiếu ngoài sàn đều có mua bán chứng khoán trên sàn với mức độ ít nhiều khác nhau. Chỉ cần lân la 3-4 phiên ở các công ty chứng khoán bạn sẽ nhận ra họ ít khi vắng mặt ở các phiên giao dịch chính thức. Những người có kinh nghiệm mua cổ phiếu ngoài sàn nói rằng, bạn nên chọn ít nhất 5-6 đầu mối bán để khảo giá và cũng nên chọn cổ phiếu nằm trong top 30 vì khi cần bán lại sẽ dễ tìm người mua. Thường thì các đầu mối ít khi chào giá chênh lệch quá cao vì họ khá quen thuộc và "nhẵn mặt" nhau cả.
(Theo TBKTSG)