Nhãn hiệu (brand) là một công cụ marketing hữu hiệu, giúp doanh nghiệp có thể xâm nhập, cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Nhân dịp tuần lễ thời trang quốc tế diễn ra tại Hồng Kông vào trung tuần tháng 1/2004, ba nhà thiết kế thời trang hàng đầu tại đây là Kevin Yeung, Rowena U và Janet Cheang đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình.
![]() |
Một mẫu trang phục của hãng thời trang Warnaco. |
Janet Cheang
Đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhãn hiệu là mục tiêu dài hạn và rất có giá trị. Nếu quản lý tốt được nhãn hiệu thì mang lại khoản lợi nhuận lớn có khi vượt qua cả lợi nhuận từ sản xuất.
Xây dựng nhãn hiệu là một quá trình đòi hỏi các doanh nghiệp phải có cách nghĩ và làm phù hợp. Thời điểm là một yếu tố quan trọng: chỉ có thể xây dựng nhãn hiệu trong lúc khả năng tài chính dồi dào, không thể bắt đầu xây dựng nhãn hiệu trong giai đoạn công ty đang gặp khủng hoảng. Thông thường, cần có nhiều nhóm làm việc độc lập với nhau để xây dựng nên một nhãn hiệu.
Các doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch toàn diện, rõ ràng và một định hướng vạch sẵn; cũng như nguồn tài chính dồi dào. Không có chuyện tạo lập một nhãn hiệu rồi làm giàu chỉ sau đó một vài năm, mà trong thời gian đó công ty phải tiến hành những công việc kinh doanh khác để đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động của mình.
Kevin Yeung: mẫu mã mới để sử dụng chứ không phải cho vào các viện bảo tàng
Những nhà thiết kế (designer) trong lĩnh vực thời trang cần phải biết được vị trí, cũng như khả năng nhận dạng được khách hàng của mình.
Những designer phải nêu lên được ý tưởng sáng tạo, rồi các sản phẩm làm ra được dựa trên ý tưởng đó. Công việc tiếp theo là đưa sản phẩm tới các phòng trưng bày và bán cho khách hàng. Không phải thiết kế mẫu mã quần áo mới để rồi đưa vào viện bảo tàng, mà chúng phải được khách hàng chấp nhận và sử dụng.
Vai trò của nhà thiết kế trong việc xây dựng nhãn hiệu thời trang dựa trên các ý tưởng kết hợp: mẫu mã phải có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc với chủ thể của nó. Ở đây, nhà thiết kế phải có sự bàn bạc trước với lãnh đạo công ty ngay từ đầu, qua đó hiểu được quy trình sản xuất và giá thành của sản phẩm. Các designer phải theo sát tình hình khi các sản phẩm được tung ra bán trên thị trường.
Không nhận biết được văn hoá tiêu dùng của thị trường là lỗi thông thường mà các designer hay gặp phải. Nhiều người trong số họ thiết kế các mẫu mã mang nặng tính chủ quan cá nhân nên không được thị trường chấp nhận. Ở đây, những designer phải “lắng nghe” được thị trường và biết đặt mình vào một vị trí thích hợp.
Rowena U: biết rõ về khách hàng của mình
![]() |
Trang phục phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. |
Để xây dựng thành công một nhãn hiệu thời trang, doanh nghiệp phải xem xét bản thiết kế một cách tổng thể, mổ xẻ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất; cũng như phải biết rõ đặc điểm của đối tượng khách hàng mà công ty đang nhắm đến.
Phong cách sống, vị trí địa lý, cũng như khí hậu ở nơi có những khách hàng tiềm năng là các yếu tố tác động mạnh đến trang phục. Người Nhật Bản sẽ dùng trang phục rất khác với người Trung Quốc, thậm chí trang phục ở Bắc Kinh cũng không giống ở Thượng Hải…
Đối với những nhà thiết kế thời trang trẻ mới vào nghề, không quá nôn nóng để đạt được thành công. Thông thường phải mất ít nhất là hai năm để xây dựng một nhãn hiệu. Năm đầu kiểm tra phản ứng của thị trường, còn “tên tuổi” của nhãn hiệu sẽ được thiết lập trong năm tiếp theo. Nếu không thấy có sự tiến triển rõ rệt nào kể từ năm thứ ba thì tốt nhất nên bỏ cuộc. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến mạng lưới bán hàng, mỗi một sản phẩm mới được tung ra thị trường phải có ít nhất là ba điểm phân phối; đồng thời, phải kiểm soát được doanh thu của việc mua bán theo từng mùa mua sắm. Một yếu tố đáng quan tâm khác là cách bài trí không gian bên trong các shop bán sản phẩm.
(Hoàng Diệu - Lược dịch từ South China Morning Post)