Kết quả TT3 công bố đã khiến hơn 100 đại biểu có mặt không khỏi giật mình trước những con số, những hình thức gian lận ngày càng tinh vi. Người tiêu dùng đang bị lừa dối một cách trắng trợn!
Chất lượng xăng: S.O.S!
Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ tịch Vinastas tại TPHCM cho biết, trong tháng 9-2006, Vinastas đã phối hợp với các hội bảo vệ NTD ở các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và TPHCM tiến hành một cuộc khảo sát chất lượng xăng đang lưu thông trên các thị trường nói trên, bằng cách cử người đi mua ngẫu nhiên 105 mẫu xăng bán lẻ 3 loại xăng 90, 92 và 95 tại các cửa hàng, treo bảng hiệu của 8 DN đầu mối như Petrolimex (viết tắt PL), Petechim (PCh), Công ty Xăng dầu Quân đội (MPC), PDC, Petrokong (PMK), Comeco (CMC), Saigon Petro (SP) và Công ty Thương mại Kiên Giang (TMKG).
Toàn bộ số mẫu này đã được gửi đến TT3 và Phòng Hóa nghiệm Trung tâm Công ty Xăng dầu Khu vực 2 để thử nghiệm một số chỉ tiêu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như trị số octan, hàm lượng chì, mangan, sắt, benzene và acetone.
Thay mặt cho 2 đơn vị thử nghiệm các mẫu xăng, bà Phạm Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 thuộc TT3 cho biết, kết quả thử nghiệm 105 mẫu xăng, thì có 66 mẫu đạt các chỉ tiêu phù hợp mức quy định tại TCVN 6776:2000, chiếm tỷ lệ 63% và 39 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 37%.
Hầu hết các mẫu xăng không đạt chất lượng đều rơi vào xăng 92 và xăng 95 hai loại xăng đang tiêu thụ chủ yếu trên thị trường.
Theo đó, các mẫu xăng không đạt yêu cầu về chất lượng đã xảy ra với hầu hết cửa hàng, đại lý đầu mối ở TPHCM và 4 tỉnh nêu trên. Điều này cũng tương ứng với 6/8 DN đầu mối cung cấp là PL, PDC, PMK, SP, MPC có tỷ lệ mẫu không đạt 24% - 82%.
Cá biệt, có 12/12 mẫu xăng (tỷ lệ 100%) được lấy tại tỉnh Kiên Giang thuộc TMKG không đạt chất lượng. Chỉ có 2 DN còn lại là PCh và CMC có mẫu xăng thử nghiệm đạt chất lượng 100%.
Theo ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc TT3, trên thực tế tình trạng vi phạm về chất lượng xăng ngày càng trở nên phổ biến tại hầu hết các cây xăng, được biểu hiện dưới dạng: xăng không đúng chủng loại; xăng bị pha trộn giữa các loại 83+90, 83+92, 83+95
; xăng + dầu hôi; xăng + DO; xăng + dung môi công nghiệp; xăng + acetone
Tất cả những loại xăng pha trộn đều có chất lượng không phù hợp. Đây là hành động lừa dối người tiêu dùng một cách nghiêm trọng! ông Lâm kết luận.
Đến cách ăn chặn ngày càng tinh vi
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, trong đợt ra quân rà soát hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Bình Dương vào tháng 9 vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cây xăng đong thiếu với mức thấp nhất là 1,05% và cao nhất lên tới 8%.
Hầu hết những trường hợp gian lận đều sử dụng những công nghệ khá hiện đại và tinh vi, chỉ cần cúp cầu dao điện và bật lại thì có thể xóa hết dấu vết vi phạm. Chẳng hạn, tại cây xăng Ngọc Trân (huyện Tân Uyên, Bình Dương), khi cài mật khẩu gồm các ký tự P29293E thì đong thiếu cho khách hàng 4,3%, nhưng nếu thay mật khẩu khác là P1422123E thì đong thiếu 5,5% và P142212E thì đong thiếu 2,6%... Cũng có cửa hàng đã sử dụng IC 32 chân, chân thứ 16 được hàn 1 đầu dây dài ra và gắn với công tắc nhằm làm thay đổi chương trình làm việc của IC dẫn đến sai số 4%...
Đại diện TT3 đã chỉ ra rằng, sở dĩ tình trạng gian lận trong đo lường ngày càng trở nên phổ biến là do dụng cụ đo lường không được kiểm định thường xuyên, biểu hiện qua việc không được phê duyệt mẫu, không kiểm định đúng thời hạn, phương tiện đo lắp ráp chắp vá, cột đo cải tạo lên đời, cột đo mới sản xuất nhưng sử dụng linh kiện second hand trong khi chu kỳ kiểm định áp dụng như đối với cột đo được sản xuất mới hoặc theo công nghệ mới, hậu quả là không kiểm soát được sai số đo lường.
Còn một yếu tố khá quan trọng, đó là phương tiện đo bị điều chỉnh cố ý để gian lận, bằng cách can thiệp vào cấu trúc, linh kiện như thay thế chíp, điều chỉnh sai số đo lường
Ông Đoàn Phương, Chủ tịch Vinastas kết luận Người tiêu dùng đã và đang bị móc túi một cách công khai, bị thiệt thòi đủ thứ nhưng không biết kêu ai, làm gì!?.
Làm gì trước thực trạng trên?
Các cơ quan chức năng cho rằng, sở dĩ việc xử lý các cây xăng gian lận chưa hiệu quả là do các quy định xử phạt tại Nghị định 126/CP về vi phạm trong đo lường là quá nhẹ. Chẳng hạn, hành vi đong, đo thiếu quy định chỉ bị phạt 2 - 5 triệu đồng; hành vi gắn bo mạch, chíp điện từ chỉ bị phạt 5 - 7 triệu đồng nhưng trớ trêu thay mức phạt này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc xử lý hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng theo Nghị định 126/CP cần phải bổ sung các biện pháp nhằm thu hồi các khoản thu lợi bất chính từ vi phạm. Đối với chất lượng xăng dầu, cần bổ sung các quy định về định danh, định lượng các chất cấm hay hạn chế trong xăng, dầu (trường hợp xăng có aceton vừa qua không có quy định trong chất lượng xăng theo TCVN nên không thể xử lý được?).
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có một đường dây nóng tại mỗi cây xăng, trang bị bình dung tích để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, bơm xăng qua bình trung gian để người tiêu dùng có thể kiểm tra, tạo cơ chế để đảm bảo người tiêu dùng thực hiện một cách an toàn yêu cầu của mình. Cần phải nêu đích danh những cây xăng vi phạm để người tiêu dùng tẩy chay. Cách làm này sẽ phát huy tác dụng ngay lập tức.
Riêng TS Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng UB Khoa học Nhà nước cho rằng, bên cạnh biện pháp tăng cường kiểm tra, áp dụng cách phạt thật nặng thì cần phải giải quyết bằng phương pháp quản lý vĩ mô. Nhà nước không còn bù lỗ cho mặt hàng xăng nhưng lại cứ ép giá xăng dầu theo kiểu như chúng ta đang làm hiện nay thì e là không phù hợp.
Nên chăng, cần để cho các DN tự thỏa thuận với người tiêu dùng về giá bán thì sẽ tạo ra sức cạnh tranh rất lớn ở mặt hàng này. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ tình trạng gian lận cả về chất lượng lẫn số lượng trong kinh doanh xăng dầu.
|